Trong nước

Dư luận 'sốc' với đề xuất 'chế thuốc' từ động vật hoang dã

Những ngày qua, thông tin bệnh viện Y học cổ truyền TW đề xuất tiếp nhận một số lượng lớn tang vật là động vật hoang dã bị cơ quan chức năng trên địa bàn TP. Hà Nội thu giữ trong thời gian qua để… làm thuốc chữa bệnh đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận.

Từ phi pháp thành… hợp pháp!

PGS.TS. Trần Quốc Bình, Giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền TW cho rằng: “Những động vật bị cơ quan chức năng thu giữ đều là những động vật đã chết hoặc một bộ phận cá thể động vật, nếu tiêu hủy thì sẽ rất lãng phí, vì vậy bệnh viện đề xuất sử dụng để làm mẫu giảng dạy cho sinh viên và nghiên cứu bào chế một số vị thuốc”.


Cũng theo ông Bình, từ ngàn xưa, một số động vật hoang dã đã được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, tuy nhiên do việc cấm sử dụng động vật hoang dã nên lâu nay bệnh viện không sử dụng để bào chế.


Thời gian qua, số vụ vận chuyển động vật hoang dã liên tiếp được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý vi phạm. Điển hình, Công an huyện Gia Lâm đã bắt giữ 119kg sừng hươu, 11kg xương hổ, 4kg xương khỉ; cảnh sát Giao thông tịch thu 263kg vẩy tê tê…


Khi nắm được thông tin thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội, cơ quan chức năng đã bắt giữ, giao cho cơ quan chuyên môn một số mẫu vật các bộ phận của động vật hoang dã để xử lý hành chính, bệnh viện Y học cổ truyền TW đã đề xuất xin tiếp nhận để làm thuốc chữa bệnh.


Trước đề xuất này, UBND thành phố Hà Nội giao sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo chi cục Kiểm lâm Hà Nội kiểm tra thực tế và căn cứ các quy định hiện hành, đề xuất hướng xử lý theo đề nghị của bệnh viện Y học cổ truyền TW.


Viện dẫn cơ sở pháp lý để đưa ra đề xuất này, ông Trần Quốc Bình khẳng định: “Theo Thông tư 90/2008 của bộ NN&PTNT hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng thì những động vật hoang dã đã chết (hoặc bộ phận của động vật hoang dã) được phép chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo để làm tiêu bản hoặc chuyển giao cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc”.



Thực tế, đây không phải lần đầu tiên dư luận bị “sốc” với cách hợp thức hóa động vật hoang dã bị tịch thu của một số cơ quan chức năng. Trước đó không lâu, hai cá thể hổ đã được UBND tỉnh Thanh Hóa “bảo tồn” bằng cách… nấu cao. Mới đầu, toàn bộ gần 3kg cao hổ được tính bán đấu giá công khai cho tất cả các đối tượng, nhưng sau khi báo giới ồ ạt lên tiếng phản đối, đơn vị này mới giật mình sửa sai bằng cách chỉ… bán đấu giá cho các cơ sở y tế để làm thuốc chữa bệnh.


Chưa ai kiểm tra chính xác số cao này có đến được tay các bệnh nhân thực sự cần hay không, nhưng thực tế cho thấy ý thức bảo tồn động vật hoang dã không chỉ với người dân mà ngay chính một số cơ quan công quyền cũng còn nhiều hạn chế.


Thương mại hóa động vật hoang dã?!


Trao đổi với PV Người Đưa Tin về việc này, ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) khẳng định: “Chúng tôi mới được biết thông tin bệnh viện Y học cổ truyền TW đề nghị được bàn giao một số tang vật động vật là động vật hoang dã tịch thu từ các vụ vi phạm để làm thuốc chữa bệnh. Theo quan điểm của tôi, việc này không chấp nhận được vì bất cứ lý do gì”.


Lý do mà ông Trần Việt Hưng phản đổi việc thương mại hóa động vật hoang dã là do căn cứ trên khía cạnh pháp lý, tang vật là động vật hoang dã thuộc nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP (trong đó có hổ) không được phép sử dụng cho mục đích thương mại.


“Với bất kỳ mục đích nào, thuốc xét cho cùng cũng là sản phẩm thương mại. Như vậy, việc sử dụng các tang vật này là vi phạm pháp luật. Các tang vật này chỉ có thể được xử lý theo hai cách: Chuyển giao cho một đơn vị nghiên cứu khoa học, giáo dục (ví dụ như viện nghiên cứu, bảo tàng) của Nhà nước tuyệt đối không liên quan tới các hoạt động thương mại hoặc phải tiến hành tiêu hủy”, ông Hưng phân tích.


Theo quan điểm của ông Hưng: “Đứng trên khía cạnh y học, chúng tôi chưa chứng kiến bất cứ một nghiên cứu khoa học hiện đại nào nói rằng các sản phẩm là động vật hoang dã có thể được sử dụng làm thuốc. Tác dụng này đa phần đều là kinh nghiệm dân gian, là truyền miệng. Hơn thế nữa, căn cứ của phác đồ điều trị cũng như quy trình chế biến các sản phẩm này, chúng tôi cũng chưa từng thấy qua”.


Ngoài ra, theo ông Hưng: “Tất cả những tang vật đó đều do cơ quan chức năng tịch thu của các đối tượng vi phạm vì hành vi của họ liên quan tới việc khai thác thương mại trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ. Đứng trên góc độ cơ quan chức năng, chúng ta không thể tịch thu của đối tượng vi phạm này để chuyển giao cho những tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tương tự – khai thác thương mại”.

Không thể gián tiếp kích thích thương mại động vật hoang dã

Theo luật sư Tạ Quốc Cường, Giám đốc công ty luật hợp danh Sự thật: “Mục đích của cơ quan chức năng khi thực thi pháp luật bảo vệ động vật hoang dã là ngăn chặn các vi phạm, nhưng xa hơn nữa, đó là giáo dục, nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ động vật hoang dã, giảm thiểu nhu cầu về sử dụng động vật hoang dã, từ đó bảo vệ các loài này trong tự nhiên. Do vậy, không có lý do gì chúng ta lại gián tiếp kích thích nhu cầu sử dụng động vật hoang dã của người dân bằng việc chuyển giao cho bệnh viện để làm thuốc. Việc này đi ngược lại chính chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng”.


Trần Quyết

Người Đưa Tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP