Tin Hà Tĩnh

Dự án trường đua chó tại Hà Tĩnh: Làm lại từ đầu?

Dự án Trung tâm dịch vụ thể thao giải trí đua chó Xuân Thành đã hoàn thành gần 2 năm nhưng chưa thể đi vào hoạt động do thiếu thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi đầu tiên ở Việt Nam có trường đua chó

Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi đầu tiên ở Việt Nam có trường đua chó

Xin tháo gỡ

Dự án Trung tâm dịch vụ thể thao giải trí đua chó Xuân Thành của Công ty Cổ phần Hồng Lam Xuân Thành (nay là CTCP Đua chó Xuân Thành) được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư hồi tháng 5/2007 và điều chỉnh lần 1 vào tháng 12/2014. Mục tiêu là thành lập, phát triển và mở rộng môn thể thao đua chó tại Việt Nam, thu hút khách du lịch đến Hà Tĩnh.

Theo ngành chức năng Hà Tĩnh, nhà đầu tư đã hoàn thành các thủ tục như phê duyệt quy hoạch chi tiết, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thuê đất và hoàn thành xây dựng các hạng mục (đường đua chó, nhà khán đài, nhà thú y, nhà bán vé và hạ tầng dịch vụ); mua sắm hệ thống máy móc thiết bị, phương tiện và chuẩn bị nhân lực để đi vào hoạt động, với tổng giá trị trên 82 tỷ đồng (theo báo cáo của nhà đầu tư). Tuy nhiên, dự án chưa thể đi vào hoạt động do chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược.

Dự án Trung tâm dịch vụ thể thao giải trí đua chó Xuân Thành có diện tích gần 30.000 m2; tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng; thời hạn hoạt động 49 năm với điều kiện: Nhà đầu tư chỉ được hoạt động đua chó có đặt cược, dự thưởng sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.
Liên quan đến Dự án này, ngày 16/1, tại Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ KH&ĐT, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu kiến nghị: Tỉnh đã đề xuất theo hướng đề nghị Thủ tướng đồng ý về chủ trương cho bổ sung Quy hoạch và giao Bộ KH&ĐT thẩm định quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư, sau đó UBND tỉnh sẽ cập nhật bổ sung điều chỉnh Quy hoạch tổng thể trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo ông Lê Minh Đạo, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh đã có Công văn số 3645/UBND-KT ngày 22/6/2018 trình Bộ KH&ĐT về việc quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư dự án Trung tâm dịch vụ thể thao giải trí đua chó Xuân Thành.

Ông Đạo cũng khẳng định: Đối chiếu với các quy định thì với các thành phần đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư của dự án trên do Công ty Cổ phần Đua chó Xuân Thành trình Bộ KH&ĐT đã đảm bảo đầy đủ, phù hợp.

“Văn phòng Chính phủ mới đây có văn bản gửi các Bộ liên quan để lấy ý kiến về kiến nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị bổ sung dự án Trung tâm dịch vụ thể thao giải trí đua chó Xuân Thành, tại khu du lịch Xuân Thành, xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh” – ông Đạo thông tin.

Văn bản UBND tỉnh Hà Tĩnh trình Bộ KH&ĐT

Văn bản UBND tỉnh Hà Tĩnh trình Bộ KH&ĐT

Đừng để nhà đầu tư sợ hãi?

Trong một lần trả lời tại cuộc họp thu hút đầu tư ở Hà Tĩnh, ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn VABIS, nhà đầu tư của dự án cho biết, đã bỏ cả hàng trăm tỷ đồng vào cơ sở hạ tầng, ròng rã chờ đợi nghị định, hướng dẫn để trường đua chó được đưa vào hoạt động. “Nay hành lang pháp lý đã có, lại yêu cầu chúng tôi quay về điểm xuất phát (xin chủ trương đầu tư - PV) trong khi giấy chứng nhận đầu tư đã có từ năm 2007. Đó là điều rất phi lý. Gây khó khăn cho nhà đầu tư”, ông Mỹ nói.

Về vấn đề quy hoạch, Chủ tịch Tập đoàn VABIS nhấn mạnh dự án hoàn toàn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Quy hoạch tổng thể du lịch Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng có nội dung định hướng phát triển Xuân Thành là khu du lịch biển, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. “Tại đây xây dựng sân golf, trường đua chó, khu bến thuyền biệt thự nghỉ dưỡng...; khu vực này là động lực mạnh mẽ để phát triển du lịch” - trong đề án của nhà đầu tư nêu rõ.

Do vậy, việc Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo Thủ tướng xin bổ sung trường đua chó vào Quy hoạch, sau đó để chính Bộ này trình xin Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án là không cần thiết và gây khó khăn cho nhà đầu tư.

“Doanh nghiệp chúng tôi đã bỏ hàng trăm tỷ đồng cùng 10 năm chờ đợi, chẳng nhẽ giờ phải đập bỏ hết nhà cửa, sân bãi để đi xin lại giấy phép đầu tư, xây dựng, đánh giá tác động môi trường, dù các giấy tờ pháp lý này đã được hoàn thành đầy đủ từ lâu”, ông Nguyễn Ngọc Mỹ ý kiến.

Tác giả: Trương Hoa

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP