Dự án đầu tư

Dự án Trường CĐ Nghề công nghệ Hà Tĩnh: Sai phạm từ nhiều phía!

Dù chưa hoàn thành nhưng Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Hà Tĩnh đã góp phần thay đổi diện mạo phía Bắc TP Hà Tĩnh. Tuy nhiên, ẩn sau vẻ hào nhoáng bề ngoài lại tồn tại nhiều vấn đề mà cứ “đụng đâu, sai đấy”. Dư luận cho rằng, công trình này đã bị “giao nhầm” cho… chủ đầu tư!

Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Hà Tĩnh được xây dựng trên khuôn viên 65.313 m2 với tổng số vốn đầu tư 160,429 tỷ đồng (nguồn vốn hiện có 91 tỷ đồng, trong đó 74 tỷ đồng từ Tổng LĐLĐ Việt Nam; UBND tỉnh 9,2 tỷ đồng; nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM 8,1 tỷ đồng). “Đã có 81 tỷ đồng được giải ngân ở thời điểm hiện tại” – Trưởng BQL dự án, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Hà Tĩnh – Nguyễn Trọng Tấn khẳng định.

Sai phạm từ nhiều phía!
Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Hà Tĩnh chưa hoàn thành nhưng đã xảy ra nhiều sai phạm.

Được khởi công vào năm 2008, dự kiến, trường sẽ hoàn thành vào năm 2014. Các hạng mục như: nhà học thực hành số 1, đường nối từ QL 1A vào trường… đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hàng rào, sân, đường nội bộ, hệ thống điện cơ bản hoàn thành. Sự xuất hiện của các tòa nhà cao tầng và các hạng mục khác góp phần tạo điểm nhấn cho khu vực Bắc TP Hà Tĩnh. Có thể nói, trong bối cảnh khó khăn chung, chủ đầu tư đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút nguồn đầu tư; đồng thời linh hoạt trong việc đề xuất điều chỉnh thiết kế, quy hoạch để phù hợp với công năng sử dụng. Do vậy, những hạng mục đã đưa vào hoạt động đạt hiệu quả tốt.

Tuy nhiên, việc chấp hành về trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật trong công tác lựa chọn nhà thầu còn có một số hạn chế. Cụ thể là việc lựa chọn nhà thầu chưa phù hợp với quy mô và tính chất của từng gói thầu; một số gói đấu thầu rộng rãi nhưng số lượng nhà thầu tham gia còn ít. Công tác khảo sát thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình do Công ty CP Tư vấn & Xây dựng Thành Sen thực hiện. Tuy nhiên, nhà học lý thuyết số 1 và số 2 giống hệt nhau và xây dựng cạnh nhau nhưng khi tính chi phí thiết kế không áp dụng hệ số sử dụng, làm tăng chi phí tư vấn lên hơn 174 triệu đồng. Bên cạnh đó, tất cả các công trình thuộc dự án đều do Công ty CP Tư vấn đầu tư quy hoạch thiết kế xây dựng Nghệ An thẩm tra thiết kế, nhưng điều đáng nói là người thẩm tra chưa đạt năng lực theo quy định và cán bộ thẩm tra dự toán chưa có chứng chỉ kỹ sư định giá.

Không dừng lại ở đó, hầu hết các gói thầu đều chậm tiến độ so với hợp đồng. Đặc biệt, một số công trình, hồ sơ nghiệm thu về chất lượng vật liệu đầu vào, thiết bị trước khi đưa vào sử dụng còn thiếu. Ngoài ra, một số đơn giá thanh toán ở một số gói thầu lấy đơn giá tạm tính là chưa phù hợp với quy định về quản lý chi phí đầu tư…

Sau khi nhìn thấy sự việc “đụng đâu, sai đấy”, Thanh tra Sở Xây dựng đã tiến hành xử phạt 10 triệu đồng đối với 4 đơn vị xảy ra sai phạm gồm: Công ty CP Tư vấn & Xây dựng Thành Sen, Công ty CP Tư vấn đầu tư quy hoạch thiết kế xây dựng Nghệ An, Công ty TNHH TM&XD Hà Thành, Công ty CP Tư vấn giám sát xây dựng & điện. Đồng thời giảm trừ giá trị thanh toán với các gói thầu số tiền lên đến hơn 1,8 tỷ đồng. Trong đó có gói thầu sân tập lái đối với Công ty CP Vận tải và Xây dựng thuộc Tổng Công ty KS&TM bị cắt giảm với số tiền lên đến gần 700 triệu đồng…

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh kiêm chủ đầu tư công trình dự án xây dựng Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Hà Tĩnh – Trần Đắc Hòa cũng thẳng thắn thừa nhận: “Do không quen việc nên sau mỗi công đoạn, chúng tôi lại phải mời các cơ quan chức năng xem xét để bổ cứu rồi mới tiến hành nghiệm thu. Nếu không làm thế, “thả” tiền ra làm thế nào đòi lại được”. Dư luận đặt vấn đề: giao một dự án có tổng giá trị đầu tư rất lớn cho một đơn vị không có chuyên môn, liệu “tương thích” hay không? Đồng thời nghi ngờ những sai phạm đó xuất phát từ những lời “tự thú” của chủ đầu tư hay chỉ đến khi cơ quan chức năng vào mới phát hiện ra?

Xét một cách khách quan thì việc thiếu hụt nguồn vốn đã gây không ít khó khăn trong việc triển khai xây dựng trường. Bên cạnh đó, dự án được triển khai trong thời điểm giá cả luôn “nhảy múa”, thời tiết thường xuyên “đỏng đảnh” nên chậm tiến độ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, ở khía cạnh chủ quan, có thể thấy sự yếu kém về năng lực của BQL dự án khiến dư luận ngờ rằng, công trình đã được “giao nhầm” cho… chủ đầu tư!

Hoài Nam – Đình Trung

(Baohatinh)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP