Dự án đầu tư

Dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang: Chính quyền dời đi, dân bơ vơ ở lại

Đến thời điểm này vẫn còn khoảng 150 hộ dân vẫn bám trụ lại khu vực lòng hồ, sống trong cảnh bơ vơ, vô chính quyền.

Vượt qua gần chục cây số đường rừng, vào khu vực biên giới Việt – Lào thuộc địa phận hai xã Hương Quang, Hương Điền, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh một ngày cuối năm, trước mắt chúng tôi là cảnh tiêu điều của một nơi từng là làng mạc của hàng trăm gia đình…

Lấp ló sau những nóc nhà bị dỡ bỏ ngả nghiêng ở thôn Đăng, thôn Kiều, những đứa trẻ vẫn thơ thẩn bên những vật dụng rơi vãi, trong lúc cha mẹ chúng còn bận ra đồng, cố vớt vát thêm một mùa trồng trỉa.

Phương tiện duy nhất nối thôn Đăng với bên ngoài đang chìm dần dưới lòng Ngàn Trươi.

Gạt những giọt mồ hôi sau nửa ngày ra bãi sông Ngàn Trươi trỉa lạc, chị Nguyễn Thị Danh, xã Hương Điền cho biết, chính quyền xã và các cơ quan nhà nước đã chuyển đi từ vài tháng trước, nhưng vẫn còn khoảng 50 hộ dân bám lại quê cũ vì không được hỗ trợ, đền bù thỏa đáng. Vả lại nếu có sang nơi ở mới thì cũng không biết làm gì để sống, vì không có đất sản xuất.

“Nhà em được đền bù ít tiền quá, chỉ có 37 triệu nên chưa đủ tiền sang bên nớ (khu tái định cư), nên ở lại đây để làm mùa kiếm sống. Giờ sang bên tái định cư gia đình cũng chẳng biết làm gì, khi rừng chưa chia, đất đai làm ruộng xung quanh không có, chỉ có mỗi nhà không”, chị Danh nói.

Cùng với thực trạng không chính quyền, không điện, không nước… UBND xã Hương Điền còn “dồn” gần 20 hộ dân (thôn Đăng) vào cảnh “không đường để đi” khi cắt bỏ bến đò duy nhất (qua sông Ngàn Trươi) nối thôn Đăng với bên ngoài từ vài tháng nay. Muốn đến xã làm giấy tờ, mua bán hay làm một việc gì đó, người dân chỉ cách đi mượn thuyền hoặc bơi, lội qua sông.

Trong khoảng 150 hộ dân vùng lòng hồ bám trụ lại quê cũ thì xã Hương Quang chiếm phần nhiều, với gần 100 hộ. Ở lại kiếm thêm mùa ngô, mùa sắn cũng đồng nghĩa với việc con cái phải chịu cảnh thất học (vì trường lớp đã chuyển sang khu tái định cư trước ngày khai giảng).

Ôm đứa con trai 5 tuổi, ngồi trong căn nhà “nửa lành, nửa rách” (do cơn bão số 11 vừa qua làm tốc mái, nhưng không có tiền sửa lại), chị Nguyễn Thị Hà, xã Hương Quang mếu máo: Biết là thương con không được đi học, nhưng đói chữ cũng không lo bằng đói ăn.

“Vì hoàn cảnh quá khó khăn, giá đền bù đất, hỗ trợ có nhiều bất cập nên gia đình phải ở lại. Bây giờ nếu di chuyển đi gia đình sẽ không biết lấy gì để sống và nuôi con ăn học cũng như lo cuộc sống tương lai sau này. Biết là con đến tuổi đi học nhưng cha mẹ phải trụ lại đây để kiếm miếng ăn cho con”, chị Hà bày tỏ.

Chị Hà chỉ là một trong hàng chục gia đình có con trong độ tuổi đến trường phải chịu cảnh ngộ để con thất học vì bát cơm manh áo. Cô giáo Nguyễn Thị Phi Yến, Hiệu trưởng Trường mầm non Hương Quang cho biết, niềm vui về sự khang trang của ngôi trường mới, với thiết bị dạy học khá đầy đủ cũng không khỏa lấp nỗi buồn thiếu vắng học sinh, vì sĩ số hiện tại của trường chỉ bằng một nửa so với năm học trước.

Trả lời câu hỏi của phóng viên VOV, tại sao để hàng trăm hộ dân vùng dự án sống cảnh không chính quyền, không điện nước, thậm chí không có đường đi? Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang bình thản cho rằng, việc di dời các cơ quan hành chính là làm theo lộ trình và đã được tỉnh phê duyệt.

Còn ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thì phân trần, do chưa đáp ứng được nguồn vốn trả cho dân, nên một số hộ vẫn còn ở lại, nay nguồn vốn đã đủ và tỉnh đang vận động bà con nhận tiền, chuyển về nơi ở mới. Ông Lê Đình Sơn cũng khẳng định, những thắc mắc, khiếu nại của người dân trong công tác đền bù, tái định cư sẽ được tỉnh sẽ kiểm tra, xử lý dứt điểm.

“Việc bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dân chúng tôi không chỉ đạo hay làm trái quy định nhà nước và tỉnh. Nếu có trường hợp hộ gia đình nào phản ánh là chưa sát, chưa phù hợp, chưa đúng chế độ chính sách chúng tôi sẽ cho kiểm tra và chỉ đạo xử lý dứt điểm cho người dân để người dân yên tâm lên vùng tái định cư”, ông Sơn khẳng định.

Không biết lời hứa của ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh rồi đây sẽ được thực hiện như thế nào? Chỉ biết rằng, vì không đồng tình với cách làm của chính quyền mà hàng trăm hộ dân trong vùng dự án đã khởi kiện UBND huyện Vũ Quang ra tòa, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Những người dân phải nhường đất cho việc thi công công trình thủy lợi trọng điểm Ngàn Trươi – Cẩm Trang, đặc biệt là khoảng 150 hộ dân đang bám trụ lại nơi “chôn nhau cắt rốn” để tìm kế mưu sinh tại 2 xã Hương Quang và Hương Điền đang thật sự lâm vào cảnh bơ vơ./.

Huy Nam/VOV – Trung tâm Tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP