Trong nước

Dự án đường đi bộ lát gỗ lim 64 tỷ gây nhiều lo ngại

Đường đi bộ dọc bờ sông Hương có kinh phí đầu tư hơn 60 tỷ đồng, lát bằng gỗ lim. Nhiều người cho rằng công trình này lãng phí, mau hư hỏng.

Nhiều người dân Huế khi đi ngang qua cầu Phú Xuân (TP Huế, Thừa Thiên - Huế) tò mò khi phía dưới chân cầu, đoạn gần công viên Lý Tự Trọng xuất hiện dãy trụ bê tông chạy dọc sát bờ sông Hương.

Theo quan sát của Zing.vn, các đơn vị thi công tuyến đường dọc bờ nam sông Hương đang tiến hành hoàn tất những công đoạn cuối cùng đóng trụ bê tông để đổ dầm làm mặt sàn đường nằm trên sông Hương.

Các đơn vị thi công đang tiến hành đóng trụ bê tông xuống sông Hương để đổ dầm làm mặt đường. Ảnh: Điền Quang.

Đây là tuyến đường dài 380 m nằm trong dự án "Xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía bờ nam sông Hương" kéo dài từ đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đến công viên Lý Tự Trọng.

Dự án có tổng kinh phí đầu tư 64 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là hơn 53 tỷ đồng, còn lại là kinh phí dự phòng.

Tốn 3.500 m2 gỗ lim

Theo dự toán của Ban quản lý dự án, việc thi công sàn gỗ sẽ tốn hơn 3.500 m2 gỗ lim, với đơn giá 12 triệu đồng/m2. Tổng kinh phí cho riêng việc lát sàn gỗ là hơn 42 tỷ đồng. Đây là dự án thí điểm của dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ với kinh phí 6 triệu USD, thực hiện trên tổng chiều dài dự 16 km hai bờ sông Hương.

Mục tiêu của dự án là kết nối giao thông xuyên suốt từ đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đến công viên Lý Tự Trọng tạo điểm nhấn thu hút đối với du khách đến Huế.

Ngoài kinh phí đầu tư "khổng lồ", điều đặc biệt ở công trình này là mặt đường sẽ được lát bằng gỗ lim rộng 4 m, gắn lan can bằng vật liệu đồng, hoặc mạ đồng.

Phối cảnh đường đi bộ dọc sông sông Hương lát bằng gỗ lim. Ảnh: Ban quản lý dự án. Gỗ phơi mưa, nắng nhanh hỏng

Việc lát mặt đường bằng gỗ lim khiến nhiều chuyên gia và người dân lo ngại về tính hiệu quả và bền vững của công trình trước khí hậu ở Huế. Nhiều người cho rằng con đường nằm cạnh bờ sông Hương, vị trí thường bị ngập nước vào mùa mưa lũ, cộng với khí hậu mưa dầm và chênh lệch nhiệt độ thì đường lát gỗ là không khả thi.

Kiến trúc sư Chương Hoàng Phương (Trưởng bộ môn Thiết kế - Kiến trúc và Kỹ thuật, Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học Huế) cho rằng ưu điểm của gỗ là thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, sử dụng gỗ ngoài trời, ở địa bàn thường ngập lụt nên tính toán đến tuổi thọ để có phương án về kinh phí duy tu, bảo dưỡng.

"Dự án nên kết hợp các vật liệu bền vững khác nhau để có công trình vừa đáp ứng về mặt thẩm mỹ và có tuổi thọ dài lâu", ông Phương nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thái Vĩnh (nghệ nhân nhà rường Huế) cho rằng lát gỗ giữa trời mưa gió không che chắn thì không bền. Dù gỗ tốt như thế nào cũng nhanh hư hỏng, bị mục do tác động của thời tiết.

Theo nghệ nhân Thái Vĩnh, tốt nhất là mặt đường nên lát bằng đá giả gỗ vẫn đảm bảo độ đẹp và bền.

"Chi phí bảo trì gỗ lim rất lớn. Mua gỗ lim lát đắt gấp mấy chục lần giả đá. Lát gỗ lim quá lãng phí", ông Vĩnh nói.

Khu vực đường đi bộ dọc bờ sông Hương được lát bằng gỗ lim. Ảnh: Google Maps.

Tác giả: Điền Quang

Nguồn tin: Báo Zing

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP