Trong nước

Dự án chống ngập 10.000 tỷ: Nhà đầu tư khẳng định dùng thép Trung Quốc là đúng

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TPHCM phải ngưng thi công từ tháng 4/2018 do nhà đầu tư không được tái cấp vốn. Vướng mắc liên quan đến việc thay đổi xuất xứ, tiêu chuẩn thép. Tuy nhiên, nhà đầu tư khẳng định việc thay đổi thép thi công các cống ngăn triều được thực hiện đúng quy trình và giúp giảm chi phí hơn 90 tỷ đồng.

Liên quan đến vướng mắc khiến dự án chống ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trị giá gần 10.000 tỷ đồng tạm ngưng thi công nhiều tháng qua, Tập đoàn Trung Nam – nhà đầu tư dự án - khẳng định không có lỗi.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, cho biết: “Dự án không thiếu vốn. Nhà đầu tư không có lỗi trong việc dự án tạm dừng. Nguồn vốn dành cho dự án đầy đủ và luôn có sẵn để giải ngân theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước”.

Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng tại TPHCM ngưng thi công nhiều tháng qua vì vướng mắc liên quan đến xuất xứ, tiêu chuẩn thép

Theo ông Tiến, khối lượng công việc đã hoàn thành nhưng chưa được giải ngân lên tới 1.384 tỷ đồng. “Việc này gây khó khăn cho nhà thầu và làm ảnh hưởng đến đời sống của đội ngũ các chuyên gia, kỹ sư và công nhân thi công trên công trường”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, Tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) không xác nhận thanh toán với lý do tiêu chuẩn thép không có trong tiêu chuẩn UBND TPHCM duyệt (vật tư chính chế tạo cửa van là thép S355, có nguồn gốc xuất xứ từ các nước tiên tiến thuộc nhóm G7 sản xuất có cơ tính và hóa tính tương đương thép S355).

Ông Tiến thừa nhận trong hồ sơ thiết kế, bản chỉ dẫn kỹ thuật có nội dung trên. Tuy nhiên, quy định như vậy là trái với Luật Xây dựng (điểm đ, khoản 2, Điều 86): “Không được chỉ định nhà sản xuất cung cấp vật liệu, vật tư và thiết bị xây dựng trong nội dung thiết kế xây dựng của công trình sử dụng vốn nhà nước”.

Để phù hợp với các quy định của pháp luật, đơn vị tư vấn thiết kế đã đính chính lại nội dung chỉ dẫn kỹ thuật: “Vật tư chính chế tạo cửa van là thép S355 hoặc tương đương”.

“Về kỹ thuật chuyên ngành thì bản vẽ là quan trọng nhất trong hồ sơ thiết kế, làm căn cứ để triển khai thi công. TVGSHĐ không thể căn cứ vào một điều khoản trái quy định pháp luật để không xác nhận thanh toán”, ông Tiến phân trần.

Ông Tiến cho biết quá trình triển khai dự án, việc thi công hoàn toàn tuân thủ thiết kế bản vẽ thi công (TKBVTC) và chỉ có sự thay đổi giữa thiết kế cơ sở (TKCS) và TKBVTC.

Theo quy định, TKCS chỉ có tính định hướng, đến bước TKBVTC, đơn vị thiết kế khảo sát, đo đạc, tính toán, thí nghiệm nhiều hơn, chi tiết hơn để đưa ra thiết kế chi tiết nhằm đảm bảo kỹ thuật cho công trình đủ điều kiện để triển khai thi công và tối ưu hóa chất lượng, hiệu quả khi đưa vào khai thác.

Đối với cống Bến Nghé, theo yêu cầu kiến trúc cho không gian xung quanh thì phải thiết kế loại cửa van cung xoay chìm vĩnh viễn trong nước, đòi hỏi phải dùng loại cửa van không gỉ sét và cứng. Do đó, đơn vị thiết kế đã tính toán và tối ưu hóa TKCS trong bước TKBVTC bằng cách thay loại thép SUS 304 bằng loại thép SUS 323L tốt hơn. Các công trình tương tự tại Nhật Bản cũng sử dụng vật liệu SUS 323L.

Nếu làm bằng thép SUS 304 thì cần 375 tấn và dùng loại thép SUS 323L thì cần 315 tấn. Tổng chi phí tăng từ 53,72 tỷ đồng lên 66,41 tỷ đồng.

Với các cống còn lại, nhà thầu thay đổi vật liệu cửa van từ thép Inox SUS 304 sang thép đen S355 (tiêu chuẩn Đức) hoặc Q345B (tiêu chuẩn Trung Quốc) hoặc SM490 A-B (tiêu chuẩn Nhật) hoặc A72Gr.50 (tiêu chuẩn Mỹ) là bởi các cửa van phẳng có kích thước lớn (chiều cao từ 10-12m, chiều ngang 40m).

“Dùng thép cường độ thấp còn dẫn đến cửa van phải có kết cấu thép rất lớn, mối hàn nhiều, không đảm bảo an toàn. Trong khi đó, thép đen có khả năng chịu lực cao hơn, đảm bảo an toàn hơn. Thép được sơn 3 lớp bằng loại sơn chống gỉ sét ăn mòn cho tàu vận tải lớn do nước Anh sản xuất”, ông Tiến nói.

Đại diện nhà đầu tư cũng dẫn chứng, tại các nước tiên tiến như Đức, Hà Lan..., các cửa van phẳng khẩu độ lớn không công trình nào dùng thép Inox SUS 304 và đều dùng thép đen có sơn.

Đối với cống Mương Chuối (đã được Bộ NN&PTNT duyệt và chuyển giao cho TPHCM) và cống Phú Định ngay trong TKCS là dùng thép đen. Riêng các cửa van âu thuyền nhỏ và ngâm vĩnh viễn trong nước vẫn dùng loại cửa van Inox SUS 304 để không phải sơn lại sau nhiều năm.

Theo ông Tiến, tất cả loại thép đen có các tiêu chuẩn nêu trên khi điều chỉnh cho đảm bảo kỹ thuật sẽ giảm đi cho hạng mục cửa van là hơn 90 tỷ đồng.

Về việc TVGSHĐ cho rằng thép G7 có chi phí bảo dưỡng thấp hơn so với thép Trung Quốc, ông Tiến cho biết quan điểm này là không có cơ sở. Cửa van phẳng là khối thép đen và sơn, chi phí bảo dưỡng chủ yếu là sơn và qua nhiều năm mới sơn lại.

Nhà đầu tư khẳng định không có lỗi trong việc dự án bị đình trệ

Cũng theo ông Tiến, Hợp đồng BT mà UBND TPHCM ký với Nhà đầu tư không có điều khoản hay ràng buộc nào là thép sử dụng cửa van phải là thép G7, châu Âu, thép Mỹ, thép Nhật hay thép Trung Quốc.

“Việc chọn lựa thép phôi tấm để gia công chế tạo cửa van có thể dùng bất cứ loại thép đạt chuẩn kỹ thuật. Nhà đầu tư mua thép xuất xứ từ nước nào thì khai báo giá vật tư đầu vào là thép của nước ấy chứ không mua thép nước này khai báo giá thép nước kia”, ông Tiến nói.

Về pháp lý liên quan đến các điều chỉnh vật tư, nhà đầu tư khẳng định rằng, tại nhiều văn bản, chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM và hướng dẫn của Bộ Xây dựng rất rõ đó là các bên tham gia dự án phải tuân thủ theo kết quả thẩm định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.

“Về việc thay đổi tiêu chuẩn thép, nhà đầu tư đã có văn bản xin chỉ dẫn, cũng như xác nhận về thay đổi tiêu chuẩn trước khi thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP đã khẳng định tính phù hợp khi thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép chế tạo cửa van các cống”, ông Tiến nói.

Tác giả: Quốc Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP