Xã hội

Đột nhập 'hang ổ' pha chế xăng 'bẩn' ở Nghệ An

Sau khi liên tục nhận được phản ánh của người dân nghi sử dụng phải xăng "bẩn", các cơ quan chức năng Nghệ An đã phối hợp thanh tra đột xuất một số cơ sở kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu sai phạm.

Loạn cơ sở kinh doanh xăng "bẩn"

Một cán bộ Sở KH&CN Nghệ An cho biết, thời gian gần đây, một số người dân trên địa bàn huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An phản ánh, sau khi sử dụng xăng được mua từ một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn, ô tô của họ bị hỏng hóc là nghi do sử dụng xăng "bẩn".

UBND huyện Quế Phong đã yêu cầu Thanh tra của Sở KH&CN vào cuộc. Đơn vị này đã tiến hành thanh tra đột xuất đối với doanh nghiệp tư nhân Thương mại Khánh Dương (có địa chỉ ở khối 1, thị trấn Kim Sơn) và cửa hàng xăng dầu thuộc Trung tâm Thương mại tổng hợp Quế Phong (có địa chỉ ở khối 7, thị trấn Kim Sơn) huyện Quế Phong.

Cơ sở kinh doanh xăng dầu Thanh Ngũ đang bị cơ quan chức năng điều tra vì có sai phạm

Thanh tra của Sở KH&CN đã lấy mẫu xăng RON92 để thử nghiệm chất lượng. Kết quả cho thấy, cả hai đơn vị kinh doanh xăng nói trên không đạt chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Thanh tra Sở KH&CN Nghệ An đã xử phạt mỗi đơn vị 26.415.000 đồng.

Nhận định còn nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu "bẩn" trên địa bàn huyện miền núi Quế Phong, Thanh tra Sở KH&CN Nghệ An đã tiến hành thanh tra đột xuất 8 đơn vị kinh doanh khác trên địa bàn, đồng thời lấy 7 mẫu đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy, có 5/7 mẫu của xăng RONN92 không đảm bảo chất lượng (một cơ sở không lấy mẫu vì thời điểm kiểm tra đã hết xăng).

Có 5 đơn vị kinh doanh xăng "bẩn" bán ra thị trường gồm: Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Tú Anh (ở Châu Kim), doanh nghiệp Bình Hương (thị trấn Kim Sơn), doanh nghiệp Hồng Dung (xã Mường Nọc), doanh nghiệp Lâm Vũ và doanh nghiệp Bình Định (ở xã Tiền Phong).

Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu "bẩn" này đều bị phạt từ 26.100.000 đến 52.000.000 đồng.

Sau khi kiểm tra phát hiện một số cơ sở kinh doanh ở huyện Quế Phong sử dụng xăng "bẩn" bán cho người tiêu dùng nhưng chưa tìm ra được nguồn gốc hàng được lấy từ đâu, thanh tra Sở KH&CN Nghệ An đã phối hợp Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục tiến hành thanh tra đột xuất một số đơn vị kinh doanh xăng dầu là thương nhân xuất, nhập khẩu, vận tải, phân phối, tổng đại lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện cơ sở kinh doanh xăng dầu Châu Hội, thuộc Chi nhánh Cty TNHH Thuận Đức (có địa chỉ ở xã Châu Hội, huyện Qùy Châu) vi phạm. Vì kết quả thử nghiệm trị số ốc tan chỉ đạt 90,7/92. Đoàn đã tiến hành xử phạt đơn vị này gần 50 triệu đồng.

Một số hóa chất dùng để pha xăng "bẩn" đang được cơ quan chức năng thu giữ

Cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra đột xuất cửa hàng xăng dầu Nghĩa Thuận 1 (thuộc doanh nghiệp tư nhân Hà Sáu, ở xã Nghĩa Thuận), cửa hàng xăng dầu Tân Luyến (ở xã Tây Hiếu) và cửa hàng xăng dầu Hòe Thanh (ở phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa) và cửa hàng Nghĩa Minh (thuộc Cty CP thương mại XNK du lịch Phủ Quỳ, ở xã Nghĩa Minh huyện Nghĩa Đàn). Kết quả cho thấy tất cả các doanh nghiệp này đều kinh doanh xăng dầu "bẩn".

Có 3 đơn vị ở thị xã Thái Hòa bị phạt mỗi đơn vị 49.140.000 đồng. Riêng của hàng Nghĩa Minh bị phạt tới 142.260.300 đồng và tước quyền giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trong vòng 1 tháng.

Chuyên án bí số 917D

Điều đáng nói, mặc dù đã kiểm tra một số cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Nghệ An và hầu như ở khu vực nào cũng có sai phạm nhưng để tìm ra nguồn gốc cung cấp cho thị trường xăng "bẩn" là rất khó.

Vì thế, Thanh tra Sở KH&CN Nghệ An đã phối hợp Phòng PC46 - Công an Nghệ An nhằm điều tra xử lý tận gốc đường dây sản xuất, mua bán xăng kém chất lượng và chuyên án mang bí số 917D được thành lập.

Vào hồi 11h ngày 10/10, Thanh tra Sở KH&CN Nghệ An đã phối hợp lực lượng PC46 - Công an Nghệ An cùng Cục A71 Bộ Công an bắt quả tang bồn xe đầu kéo BKS 37C-7512 gắn xitec BKS 37R-01715 đang đổ chất dung môi vào bồn xăng tại điểm kinh doanh xăng dầu của Công ty TNHH Thanh Ngũ (địa chỉ tại xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An) do bà Vũ Thị Thanh làm chủ doanh nghiệp.

Số dung môi nói trên có dung tích 40.585 lít, được Công ty TNHH Thanh Ngũ mua lại của Doanh nghiệp tư nhân Kiên Lục (ở xóm 8, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).

Kiểm tra tại Công ty TNHH Thanh Ngũ, cơ quan chức năng phát hiện 2 lọ bột tạo màu, 2 bể chứa xăng (với tổng dung tích 10.000 lít). Chủ doanh nghiệp này thừa nhận, ở bể chứa 7.000 lít xăng có pha trộn xăng theo tỷ lệ 50% xăng A92 + 50% dung môi và chất tạo màu.

Ngay lập tức Cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra Doanh nghiệp tư nhân Kiên Lục, phát hiện đối tượng Trần Văn Tuấn (con trai Trần Văn Kiên - chủ doanh nghiệp này) đang có hành vi tẩu tán xăng kém chất lượng bằng việc hút xăng từ bể chứa ngầm dưới đất lên bể trống. Sau khi yêu cầu chấm dứt hành vi, lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện 2 bể chứa với hơn 10.000 lít xăng RONN92 đã được pha và 1 lọ chất bột tạo màu.

Khai thác nhanh đối tượng Trần Văn Tuấn khai nhận từ tháng 8/2016 đến nay, doanh nghiệp đã mua 320.000 lít dung môi (chất Solmix) với giá 10.600 đồng/lít từ TP.Cần Thơ và đã bán cho Công ty TNHH Thanh Ngũ 160.000 lít; còn 160.000 lít Tuấn cho pha với xăng A92 tỷ lệ 80% xăng A92 + 20% dung môi và bột tạo màu.

Trần Văn Tuấn còn khai nhận, những chuyến xe dung môi trước đây, doanh nghiệp đã bán cho 2 cửa hàng xăng dầu ở xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) là cửa hàng xăng dầu Kỳ Phương (40.000 lít) và cửa hàng xăng dầu Sáu Hằng (5 xe tương ứng khoảng 200.000 lít).

Như vậy, căn cứ số lượng chất dung môi doanh nghiệp tư nhân Kiên Lục mua từ TP.Cần Thơ vận chuyển về Nghệ An, tỷ lệ pha trộn chất dung môi như chủ doanh nghiệp đã khai nhận lực lượng chức năng xác định, số xăng kém chất lượng đưa ra thị trường từ tháng 8 đến nay khoảng 2 triệu lít xăng A92 kém chất lượng, xăng “bẩn” được pha chế theo “công thức”: 50% xăng A92 + 50% dung môi + chất tạo màu.

Cơ quan chức năng bắt quả tang doanh nghiệp dùng xăng "bẩn" tung ra thị trường

Mở rộng điều tra, hai doanh nghiệp nói trên bước đầu khai nhận đã bán xăng "bẩn" cho 8 đại lý, cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu và thị xã Thái Hòa bao gồm: Cây xăng dầu Dũng Tuyết, Phùng Pha và Quỳnh Thảo ở xã Quỳnh Tam, cây xăng dầu Hóa Trị và Quang Lĩnh ở xã Quỳnh Thắng, cây xăng dầu Phượng Từ ở xã Quỳnh Châu, cây xăng dầu Hòa Quang ở xã Quỳnh Tân (huyện Quỳnh Lưu) và cây xăng dầu Huấn Thu ở xã Nghĩa Lộc (thị xã Thái Hòa).

Theo hóa đơn xuất bán dung môi của Công ty xăng dầu Mê Công (thuộc Tổng công ty xăng dầu Cần Thơ), giá dung môi là 10.600 đồng/lít. Trong khi đó, giá xăng A92 sau khi pha chế được bán ra thị trường với giá 18.000 đồng/lít.

Theo thông tin từ Sở KH&CN Nghệ An chiều 13/10 cho biết, hiện tại cơ quan chức năng đang cho trưng cầu giám định để xác định chất lượng loại xăng. Sở KHCN Nghệ An đã lấy 12 mẫu xăng, 6 mẫu chất Solmix để mang đi thử nghiệm phục vụ kết quả điều tra của chuyên án.

Công an tỉnh Nghệ An cũng đang tạm giữ 1 xe ô tô đầu kéo BKS 37C-7512 gắn xitiec BKS 37R-01715 chứa đựng hơn 40 nghìn lít chất Solmix, 10 nghìn lít xăng, 2 lọ chất tạo màu và tài liệu sổ sách của doanh nghiệp Kiên Lục.

Bên cạnh đó còn tạm giữ 1.970 lít chất Solmix, 1.980 lít xăng của Cty TNHH Thương mại Sáu Hằng; 1 xe ô tô của Cty CP thương mại dầu khí Toàn Cầu(có địa chỉ ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cùng 5.000 lít xăng có trên xe để làm căn cứ xử lý đấu tranh và mở rộng chuyên án.

Ở một diễn biến khác, trong lúc ban Chuyên án đang giám định chất lượng xăng theo lời khai của doanh nghiệp Thanh Ngũ và Kiên Lục thì sáng qua (12/10), theo lãnh đạo PC46, chủ cửa hàng xăng dầu Sáu Hằng (thuộc Cty TNHH Thương mại Sáu Hằng, có địa chỉ ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã thừa nhận và nộp hàng ngàn lít xăng A92 kém chất lượng đã pha chế và dung môi mua về chưa sử dụng cho cơ quan chức năng.

Tác giả: PHAN SÁNG

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP