Kinh tế

Đồng loạt tháo chạy khỏi miền đất siêu xe, đám cưới triệu USD

Các khu kinh tế cửa khẩu dọc miền Trung từng một thời hoàng kim với hàng loạt cơ chế ưu đãi từ Chính phủ. Nếu trước đó, nhà đầu tư “trống dong cờ mở” ồ ạt đổ vốn vào đây thì nay lặng lẽ rút dần khỏi "miền đất hứa”.

Ngày 12/1/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo. Đây là mô hình kinh tế hoạt động theo một Quy chế riêng thông qua việc áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách ưu đãi ở mức cao nhất.

5 xã và 2 thị trấn thuộc huyện miền núi Hướng Hoá nằm trong Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo được hưởng những chính sách ưu đãi đặc biệt.

Tại Hà Tĩnh, tháng 10/2007, Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo cũng được thành lập, biến nơi này thành khu phi thuế quan với hàng loạt ưu đãi với mục đích thu hút đầu tư, xây dựng đô thị miền núi, tạo vùng kinh tế động lực, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh.

Cửa khẩu giao thương ở Khu kinh tế Lao Bảo một thời sầm uất nay đìu hiu

Thời hoàng kim

Từ khi thành lập, không chỉ riêng hoạt động buôn bán kinh doanh của người dân và doanh nghiệp sôi nổi, các cơ quan quản lý nhà nước đóng tại khu kinh tế cũng được xây dựng hạ tầng bài bản. Nhiều công trình hàng chục tỷ đồng mọc lên, các khu công nghiệp có quy mô lớn cũng được phê duyệt để đáp ứng cho nhu cầu phát triển.

Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo, sau khi được xem là khu phi thuế quan, có trên 30 dự án đăng ký đầu tư vào đây, với tổng số vốn 2.591 tỷ đồng.

Người dân và các doanh nghiệp trong khu kinh tế nói riêng và huyện Hương Sơn nói chung đã hưởng lợi không nhỏ nhờ cơ chế thông thoáng. Họ cơ hội giao thương với các đối tác nước bạn Lào, làm giàu từ hàng điện tử, gỗ trắc và nước ngọt.

Cũng từ đây, những ngôi nhà khủng mọc lên, những siêu xe triệu đô rước về, nhiều đám cưới vàng diễn ra khiến vùng đất này được cả nước biết đến về mức độ giàu có.

Tại Quảng Trị, Khu kinh tế - Thương mại Lao Bảo chứng kiến làn sóng đầu tư ồ ạt với một lượng vốn lớn chưa từng có.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị, cho biết, khi mới thành lập Lao Bảo chỉ có 12 doanh nghiệp, hầu như chưa có một cơ sở sản xuất công nghiệp nào.

Hạ tầng tại khu cổng B (Lao Bảo) bị đập phá, xuống cấp

Cửa khẩu giao thương một thời sầm uất nay trở nên vắng lặng

Tuy nhiên, sau khi có chính sách ưu đãi, Lao Bảo đã thu hút được 60 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 3.761 tỷ đồng. Trong đó, 52 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký là 3.544 tỷ đồng; khoảng trên 400 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và hơn 4.000 hộ kinh doanh... tham gia hoạt động trên địa bàn.

“Hiệu quả bước đầu của Khu kinh tế Lao Bảo đã góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ phát triển mạnh mẽ”, ông Bình chia sẻ.

Cuộc “tháo chạy” khỏi các khu kinh tế

Trong khi các khu kinh tế đang trên đà phát triển, rất nhiều nhà đầu tư rót vốn vào các dự án ở khu kinh tế và đang triển khai thì tháng 8/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 109 thực hiện một số điều từ Quyết định 72/2013 về cơ chế chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu.

Cùng với đó, Luật Thuế Xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 1/9/2016 có hiệu lực đã khiến các khu kinh tế như Lao Bảo, Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan. Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa, dịch vụ hầu như không còn được hưởng các chính sách thuế như trước.

Từ đây, nhiều nhà đầu tư bắt đầu “tháo chạy” khỏi các khu kinh tế, hệ lụy để lại là hàng loạt cơ sở hạ tầng được đầu tư từ nguồn ngân sách và vốn doanh nghiệp “đắp chiếu”, lãng phí.

Doanh nghiệp thương mại cửa đóng then cài

Ông Nguyễn Kim Phượng, Phó Chủ tịch HĐND thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh), nhìn nhận, từ năm 2013 tới nay, kinh tế địa phương ngày càng khó khăn. Mỗi năm, ở đây giảm từ 5-7 doanh nghiệp, các hộ kinh doanh nhỏ qua Lào buôn bán làm ăn ít dần.

Riêng tại khu công nghiệp Đại Kim, có 4 doanh nghiệp đầu tư với số tiền hàng trăm tỷ đồng nhưng đến nay chưa thể đi vào hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng. Nhà xưởng được đầu tư bài bản nay đóng cửa im lìm nằm chơ vơ giữa vùng đất rộng lớn, nhiều nơi trở thành điểm chăn thả trâu bò.

Tại Quảng Trị, các công trình nhiều tỷ đồng như Siêu thị hàng miễn thuế Thiên Niên Kỷ, hệ thống hạ tầng cổng B, các dãy nhà ở và làm việc của Chi cục Hải quan Khu Kinh tế - Thương mại Lao Bảo... đã bị bãi bỏ hoặc mất dần công năng sử dụng.

Ông Nguyễn Vũ Ái, Giám đốc Công ty đầu tư Hiệp Thành Lao Bảo, chia sẻ, doanh nghiệp này đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” sau khi bỏ hàng chục tỷ đồng đầu tư vào Khu Kinh tế - thương mại Lao Bảo.

“Ngay khi có chính sách ưu đãi, chúng tôi đã bỏ 27 tỷ đồng và tiến hành thuê đất 50 năm để đầu tư xây dựng 130 căn hộ bán hàng miễn thuế. Chính sách thay đổi khiến Khu Kinh tế - thương mại Lao Bảo không còn là khu phi thuế quan, hạ tầng đầu tư hàng chục tỷ đồng của đơn vị giờ phải cho thuê lại để thu hồi từng đồng tiền lẻ”, ông Ái chia sẻ.

Được đầu tư gần 300 tỷ nhưng sau hơn 15 năm hoạt động, siêu thị hàng miễn thuế Thiên Niên Kỷ nằm trong Khu Kinh tế - thương mại Lao Bảo giờ chỉ còn là những khối bê tông “án binh bất động"

Tại Hà Tĩnh, từ khi khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo không còn là khu phi thuế quan, Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng cho hay, các ưu đãi đầu tư hết hiệu lực nên nhà đầu tư cũng dừng triển khai, hoặc không đưa vào hoạt động vì sợ không mang lại hiệu quả.

Mặt khác, một số dự án không huy động được nguồn góp vốn của cổ đông và vay vốn ngân hàng thương mại.

Mặc dù tỉnh Hà Tĩnh đã tạo mọi điều kiện để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, như đơn giản hóa thủ tục hành chính, cùng doanh nghiệp điều chỉnh quy mô dự án, tháo gỡ những vướng mắc đối những dự án chậm tiến độ,... nhưng, những giải pháp này cũng không mang lại hiệu quả rõ rệt, bởi nhà đầu tư và người dân cần những cơ chế, chính sách nằm ngoài “tầm” của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị, nhìn nhận, việc thay đổi điều kiện, cơ chế hoạt động nhưng thiếu tính định hướng đã khiến Khu kinh tế - thương mại, đặc biệt là Lao Bảo và một số khu kinh tế cửa khẩu khác rơi vào thế bị động, kinh doanh trì trệ.

“Hệ lụy đi kèm là doanh nghiệp ôm nợ, người dân mất việc làm, hạ tầng kỹ thuật đầu tư hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và vốn doanh nghiệp bị bỏ hoang, lãng phí” - ông Bình chia sẻ.

Tác giả: Quang Thành - Lê Minh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP