Tin Hà Tĩnh

Doanh nghiệp Xuân Trường không sửa đường: Vì sao?

Nhà thầu thi công không thực hiện đúng quy định của hợp đồng thì trách nhiệm lớn nhất thuộc Ban quản lý dự án.

Có vướng mắc gì không?

Liên quan đến công tác khắc phục hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên QL1 đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh, Ban QLDA ATGT (nay là Ban QLDA 2) cho biết thông tin tuyến tránh TX Kỳ Anh bị hằn lún nhiều, đã sửa đến 6 lần. Tuy nhiên, nhà thầu thi công - DNTN Xuân Trường chỉ tham gia sửa chữa trong lần đầu tiên.

Về thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết: "Trong thời gian bảo hành mà doanh nghiệp không tiến hành sửa chữa là đã có hành vi vi phạm hợp đồng, nếu vậy chỉ cần căn cứ theo điều kiện trong đó để xử lý.

Tôi thấy hơi băn khoăn khi chủ đầu tư là Ban quản lý dự án 2 không xử lý mà lại chỉ đi báo cáo, rồi tự bỏ tiền sửa chữa, mà có quy chế, quy định sao không áp dụng?".

Bên cạnh đó, theo ông Phương, nhất là doanh nghiệp làm các tuyến đường Quốc lộ dưới hình thức BOT, trong thời gian bảo hành mà đường xuống cấp thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm sửa chữa.

QL1A đoạn qua Hà Tĩnh vừa sửa xong đã hằn lún. Ảnh Lao Động

Nếu doanh nghiệp không tiến hành thì dừng thu phí, cấm tham gia đấu thầu vĩnh viễn đó là giải pháp mạnh mẽ nhất, cùng với đó các cơ quan rà soát kiến nghị.

"Ở đây là doanh nghiệp mắc rất nhiều lỗi làm đường chất lượng kém, thiếu ý thức thực hiện quy định hợp đồng khi triển khai. Trong khi, hiện nay, có quá nhiều doanh nghiệp họ đảm bảo chất lượng tốt từ 5-10 năm, tại sao phải chấp nhận doanh nghiệp làm chất lượng kém?

Cho nên, ngay từ khi đấu thầu cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực thực sự tham gia các dự án của Bộ GTVT.

Với các doanh nghiệp vi phạm thì phải có biện pháp xử lý thẳng tay, nghiêm khắc hơn. Nếu còn hiện tượng trên tái phạm thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm ở góc độ quản lý trực tiếp.

Nhất là khi với dự án trên, 6 lần sửa đường, chủ đầu tư phải đi thuê đơn vị khác, vì sao vẫn còn bảo hành không yêu cầu nhà thầu sửa, ở đây có tồn tại vướng mắc gì không?", ông Phương nhận định.

Ban quản lý nghiêm thì mới có nhà thầu tốt

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Trưởng Bộ môn quản lý và công nghệ xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, bản thân ông không bất ngờ trước thông tin có doanh nghiệp chây ì, không chịu sửa chữa đường hư hỏng theo đúng hợp đồng, khi thời hạn bảo hành còn 1 năm.

Thực trạng trên theo ông Thám không phải chỉ có một công trình mà ông đã từng gặp ở nhiều công trình khác, không thiếu.

"Bình thường một dự án công trình giao thông sẽ có hai dòng tiền, tiền bảo hành và tiền duy tu bảo dưỡng, riêng tiền duy tu bảo dưỡng thì phải hết bảo hành thì mới được sử dụng, còn tiền bảo hành thì nhà thầu phải thực hiện theo đúng quy định của hợp đồng.

Ở đây cũng có thể do nhà thầu và chủ đầu tư có sự thông đồng, có nhóm lợi ích với nhau thì mới có sự nhân nhượng như vậy, chủ đầu tư phải đi thuê đơn vị khác sửa trong khi nhà thầu thi công còn hiện hữu ở đó.

Khi hợp đồng đã được giao cho bên thi công thì có nêu rõ thời hạn bảo hành bao lâu, thời gian đó nhà thầu phải chịu trách nhiệm xử lý xuống cấp, hằn lún và mọi hư hỏng, nếu chất lượng kém thì không được phép bàn giao.

Số tiền tạm giữ bảo hành 5% về nguyên tắc ban quản lý phải giữ lại khi nào bàn giao công trình thì mới thanh toán hết. Nhưng ở đây công trình vẫn còn hằn lún, chưa bàn giao, mà tiền tạm giữ bảo hành đã hết, đó là sai nguyên tắc, chủ đầu tư đã làm sai", ông Thám phân tích.

Về những sai phạm trên, theo vị chuyên gia này, Ban quản lý phải quản lý nghiêm thì mới tuyển được nhà thầu tốt, làm đúng quy định.

Luật quản lý các công trình giao thông đã có quy định tương đối đầy đủ, thực hiện đúng là sẽ tốt, không cần bổ sung thêm. Điểm quan trọng ở đây là người thực hiện không nghiêm thì dù có nhiều quy định cũng không xử lý dứt điểm được.

Tức điểm mấu chốt là khâu quản lý, vận hành thực hiện, áp các quy định.

"Ở đây, cứ quy trách nhiệm cho Ban quản lý dự án vì họ làm không nghiêm họ phải nhận lỗi, dung túng cho sai trái của doanh nghiệp, cho nhà thầu thi công, quá phi lý. Dư luận sẽ đặt ra câu hỏi liệu ở đây có lợi ích nhóm hay không?.

Trong sự việc này, Bộ GTVT phải vào cuộc xử lý, trách nhiệm của đơn vị nào đến đâu thì xử lý đến đó. Với Ban quản lý làm không nghiêm, không quản lý được nhà thầu thì xử lý người đứng đầu, cho thôi chức.

Với nhà thầu không chấp hành thì cấm thầu vĩnh viễn, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm = vì làm thất thoát, làm hỏng công trình nhà nước, nếu có gây ra tai nạn thì xử lý hình sự được", ông Thám khẳng định.

Tác giả: Châu An

Nguồn tin: Báo Đất Việt

  Từ khóa: doanh nghiệp , xuân trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP