Kinh tế

Doanh nghiệp – lực lượng nòng cốt thúc đẩy phát triển nền kinh tế huyện Lộc Hà

Để góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, các cấp ủy, chính quyền ở huyện Lộc Hà luôn quan tâm, hỗ trợ và  chia sẻ khó khăn để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể ngày càng phát triển. Bởi đây là lực lượng đóng  vai trò quan trọng làm động lực thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế huyện nhà.

Hatinh24h 01

Tuy một huyện mới thành lập được hơn 8 năm từ một vùng quê nghèo ven biển bao gồm 13 đơn vị hành chính xã, đến nay, trên địa bàn huyện Lộc Hà có 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 61 hợp tác xã, quỹ tín dụng, 50 tổ hợp tác và gần 2.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động,liên kết sản xuất kinh doanh. Đây là lực lượng hùng hậu đóng góp phần lớn ngân sách cho huyện, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động góp phần đắc lực trong việc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Sự đổi thay của miền quê Lộc Hà trên lĩnh vực phát triển kinh tế không thể không nói đến vai trò chủ lực của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã và các hộ kinh doanh cá thể này.

Theo báo cáo của chi cục thuế huyện Lộc Hà, việc thu ngân sách trên địa bàn năm sau cao hơn năm trước phát triển theo tỷ lệ thuận từ khi thành lập huyện đến nay. Minh chứng cho thấy từ năm 2011 đến nay thực hiện hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách hàng năm. Số thu năm 2014 đạt hơn 73 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là nguồn đóng thuế của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn toàn huyện. Sự tăng thu ngân sách bền vững cũng đồng nghĩa với con số đăng ký thành lập doanh nghiệp, HTX,  hộ kinh doanh cá thể ngày một tăng và làm ăn có hiệu quả.

Ðể hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh phát triển, huyện Lộc Hà đã có các cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực này ưu ái và mạnh mẽ. Điển hình như Quyết định 05 ngày 15/10/2014 Ban hành quy định một số chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tập trung vào hỗ trợ, kích cầu các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đầu tư vào sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Quyết định số 1225 và Hướng dẫn số 04 của UBND huyện Lộc Hà ban hành một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim; hướng dẫn trình tự, thủ tục đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Lộc Hà. Đó là những căn cứ để giúp đỡ các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, đầu tư làm ăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Bên cạnh những thuận lợi, huyện cũng cần tạo hành lang pháp lý, tạo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, từ tiếp cận vốn, lãi suất, thuế, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực… Tăng cường năng lực tiếp cận thông tin chính sách pháp luật cho lực lượng doanh nghiệp này, như xây dựng Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp làm cầu nối cho tổ chức tín dụng và doanh nghiệp tiếp cận nhau, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường đầu ra, chủ động gửi danh sách các doanh nghiệp cần vay vốn để các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nhanh và hiệu quả.

Mô hình trang trại nuôi lơn tập trung

Cùng với các doanh nghiệp, lĩnh vực hợp tác xã, tổ hợp tác ở Lộc Hà đã quy tụ được các xã viên cùng chung sức, chung lòng, hùn vốn, góp công, góp của cùng làm ăn. Hình thức kinh tế tập thể này đã cho thấy hợp sự tác để tạo nên sức mạnh trong vốn liếng và cạnh tranh thị trường. Đến nay trên địa bàn toàn huyện đã có 61 hợp tác xã, quỹ tín dụng và 50 tổ hợp tác đã tạo công ăn việc làm cho gần 3.000 lao động. Các hợp tác xã hoạt động kinh doanh khá tốt, doanh thu đạt hàng tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân lao động thường xuyên từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Phần lớn thành viên vừa tham gia góp vốn vào hợp tác xã cũng là vừa lực lượng lao động chủ yếu.

“Doanh nghiệp hưng thịnh thì kinh tế phát triển”. Dù bất kỳ một địa phương  nào trong đẩy mạnh phát triển kinh tế đều lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. Bởi cho dù suy thoái kinh tế đi chăng nữa thì doanh nghiệp vẫn tồn tại và vẫn chứng minh sản xuất ra của cải vật chất chiếm tỷ lệ cao nhất trong các thành phần kinh tế của xã hội. Chính vì vậy, doanh nghiệp luôn có vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Nguồn thu ngân sách của nhà nước thông qua nộp thuế, trong đó doanh nghiệp luôn đứng hàng đầu. Để có nguồn thu lớn và bền vững thì cấp ủy, chính quyền các cấp cần chăm lo phát triển doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận một cách đầy đủ các chính sách và nguồn vốn để tạo dựng cơ nghiệp. Để góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, đối với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã luôn ý thức được vai trò, sứ mệnh quan trọng của mình. Phải thực sự đoàn kết, hợp tác giữa các thành viên, các doanh nghiệp hợp tác xã với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp, đủ sức vượt qua mọi khó khăn thách thức.

Huyện Lộc Hà luôn đề cao vai trò và đặt trọng tâm vào việc phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp, tác động tích cực gián tiếp thông qua việc cải cách môi trường kinh doanh, trợ giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực như tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực. Bên cạnh đó cũng quán triệt, phổ biến các chính sách phát triển doanh nghiệp, chính sách ưu đãi về thuế, bảo hiểm xã hội, chính sách sử dụng vốn vay ưu đãi để tạo tiền đề cho việc thành lập các doanh nghiệp mới đa ngành nghề, lĩnh vực hoạt động cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. Hướng các doanh nghiệp mới tham gia vào Hội Doanh nghiệp huyện, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như cùng nhau xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển; Đồng thời, quan tâm tuyên truyền về cơ hội phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong điều kiện trên địa bàn huyện đang thu hút đầu tư vào các các dự án Cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim, Thạch Châu, Thạch Bằng, Hộ Độ, đặc biệt là khu du lịch biển Xuân Hải.

Cùng với những khó khăn thuận lợi, doanh nghiệp phải tự xây dựng kế hoạch kinh doanh để có thể tiếp nhận được những điều kiện tốt và phù hợp, tăng năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường. Biết khai thác thế mạnh của vùng miền, địa phương trên địa bàn mình đang hoạt động để có định hướng phù hợp với công việc kinh doanh được thuận lợi trong hiện tại và tương lai. Nhận biết được đặc trưng của vùng miền để khởi nghiệp kinh doanh, đó cũng là khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế của huyện nhà ngày càng giàu mạnh, văn minh./.

Ngọc Quang  / VQO

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP