Doanh Nghiệp Hà Tĩnh

Doanh nghiệp Hà Tĩnh: “lửa thử vàng” (bài 1)

Sản xuất vật chất – bắt nhịp “cuộc chơi”

Dẫu chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, nhưng những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) sản xuất vật chất đã nỗ lực rất lớn để không “lép vế” trên sân nhà. Từ DN mới xuất hiện đến những DN uy tín nhiều năm đều đang vươn lên bằng chiến lược đầu tư mở rộng sản xuất, hướng tới 2 mục tiêu: tăng doanh thu và giải quyết việc làm cho người lao động.

Theo ông Trần Viết Sao – Phó phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH&ĐT), trong gần 4.000 DN, HTX, DN sản xuất vật chất chiếm 25%. So với năm 2013, số DN này tăng khoảng 15-20% và gấp 2 lần so với 5 năm trước. Đáng mừng hơn, trong số đó có khá nhiều DN đi đầu trong đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa nông sản chủ lực, xây dựng liên kết giữa DN với nông dân trong việc ứng dụng KHKT tiên tiến vào phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: chăn nuôi lợn siêu nạc; sản xuất thức ăn gia súc; chế biến súc sản; nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh - “lửa thử vàng” (bài 1): Sản xuất vật chất - bắt nhịp “cuộc chơi”
Dự kiến, năm 2014, tổng doanh thu của Công ty TNHH Châu Tuấn đạt trên 200 tỷ đồng.

Mới đây, qua kết nối và hỗ trợ của dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo Hà Tĩnh (SRDP), Công ty CP Dược Hà Tĩnh (Hadiphar) – một trong những DN sản xuất có thương hiệu và uy tín lớn đã ký kết hợp đồng sản xuất thuốc đông dược, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm với HTX trồng rau an toàn tại xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) trên diện tích 4 ha. Dự án thành công sẽ mở ra hướng làm giàu cho bà con nông dân trên địa bàn toàn tỉnh. Không chỉ hiệu quả gấp 5-10 lần so với các loại cây trồng khác trên cùng một diện tích mà đầu ra sản phẩm cũng ổn định.

Ở lĩnh vực sản xuất gạch tuynel, sau một thời gian trầm lắng, thị trường tiêu thụ ở Hà Tĩnh có chuyển biến tích cực khi đại công trường Vũng Áng đẩy nhanh tiến độ. Nhu cầu lớn nên có thời điểm hàng hóa sản xuất không đủ cung ứng thị trường xây dựng. Công ty CP Gạch ngói Cầu Họ, Xí nghiệp Gạch Cẩm Minh, Nhà máy Gạch ngói Thuận Lộc, Xí nghiệp Gạch Vượng Lộc Sông Đà đang tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất để nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn, nắm bắt cơ hội mới. Cũng nhờ thị trường “mở” tại Khu kinh tế Vũng Áng, những DN sản xuất đá và bê tông nhựa nóng đang nâng dần công suất để chiếm lĩnh thị phần. Công ty CP Lạc An, mỏ đá Cây Khế, Công ty CP Phát triển công nghiệp xây lắp và Thương mại Hà Tĩnh… là những đơn vị đang ăn nên làm ra trong số các DN sản xuất vật liệu xây dựng.

Sau nhiều năm “thai nghén”, Nhà máy Sản xuất thuốc đông dược (Hadiphar) ra đời ngay trong giai đoạn nền kinh tế còn nhiều thách thức. Theo tính toán, sau khi được Bộ Y tế cấp phép (tháng 7/2014), công suất nhà máy sẽ đạt 700-800 triệu sản phẩm/năm, tạo việc làm mới cho khoảng 100 lao động. Tương tự, với tổng số vốn đầu tư 142 tỷ đồng được xây dựng trên khuôn viên 176.000 m2, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh đã tạo điểm nhấn tại cụm công nghiệp Nam Hồng. Trong bước đi chập chững đầu tiên (2013 đi vào hoạt động), công ty đã đạt 900 tấn sản phẩm, tương đương 63 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 300 lao động. Không dừng lại ở đó, thời gian tới, công ty dự kiến đầu tư dây chuyền công nghệ, nâng công suất từ 2,8 vạn lên 3,9 vạn cọc sợi. Trong khó khăn, các cụm công nghiệp Nam Hồng, Trung Lương (TX Hồng Lĩnh), Bắc Cẩm Xuyên… vẫn đang được lấp đầy bởi sự phát triển về quy mô của các DN cũ và sự có mặt của các DN mới.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh - “lửa thử vàng” (bài 1): Sản xuất vật chất - bắt nhịp “cuộc chơi”

Dây chuyền sản xuất tại Công ty Nhựa bao bì Vinh (Xuân An – Nghi Xuân).

Trong khi thị trường xuất khẩu chè trầm lắng và phần lớn các DN sản xuất mặt hàng này trong toàn quốc gặp khó, thì Công ty CP Chè Hà Tĩnh vẫn mở được lối đi riêng. Con đường nông sản sạch được công ty nỗ lực thiết lập với quy trình sản xuất được kiểm soát chặt từ hạt giống, quá trình chăm sóc các vùng nguyên liệu đến tận khâu bảo quản, chế biến. “Sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu, nhờ đó, không chỉ dừng lại các bạn hàng truyền thống Trung Đông, chè Hà Tĩnh đang vươn tới thị trường khó tính châu Âu với những bước đi vững chắc. Dự kiến, năm 2014, công ty sẽ xuất khẩu 960 tấn với kim ngạch đạt 2.560 ngàn USD” – Giám đốc Công ty CP Chè Hà Tĩnh – Trần Công Lệ cho biết.

2014 được coi là năm khó khăn nhất đối với Công ty CP Nhựa bao bì Vinh (đứng chân tại cụm công nghiệp thị trấn Xuân An – Nghi Xuân), do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế kéo dài, bất động sản đóng băng, giá nguyên liệu tăng cao trong khi giá bán ra không thay đổi. Tuy vậy, mọi khó khăn không làm cho hoạt động của một “ông lớn’ chuyên ngành sản xuất nhựa bao bì ngưng trệ. Bằng chứng là kế hoạch đặt ra năm 2014: xấp xỉ 50 triệu vỏ bao các loại, doanh thu 307 tỷ đồng, đến thời điểm hiện tại đã đạt 75%. 500 lao động vẫn ổn định mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/tháng và dự kiến mức nộp ngân sách cho tỉnh 8,288 tỷ đồng. Chia sẻ về dự định trong những năm tới, Giám đốc Công ty CP Nhựa bao bì Vinh – Nguyễn Xuân Hải cho biết: “Công ty tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại, phấn đấu năm 2015 nâng công suất 10-15%/năm để tăng doanh thu, đồng thời tạo việc làm mới cho người lao động”.

Trong chiến lược phát triển DN tỉnh nhà, DN sản xuất vật chất luôn là đối tượng tập trung thu hút đầu tư và có lợi thế trong tiếp cận các cơ chế, chính sách. Chính vì vậy, với sự hồi phục của nền kinh tế và những cơ hội đang mở ra từ những dự án công nghiệp nặng quy mô lớn, các DN sản xuất sẽ vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn về cả chất và lượng, xứng đáng là lực lượng nền tảng trong cơ cấu DN tỉnh nhà.

Hoài Nam – Mai Thủy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP