Trong nước

Đinh La Thăng và chuyện quy trách nhiệm cá nhân

Hệ thống rất cần những lãnh đạo bản lĩnh và quyết đoán như Đinh La Thăng. Nhưng hành vi cá nhân của Đinh La Thăng phải được chuyển thành cơ chế thì mới có hiệu quả – Ts Trần Đình Thiên nêu quan điểm.

VietNamNet giới thiệu phần tiếp bàn tròn với Ts Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN và anh Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright VN.


Không ai sai cả, chỉ tại tình hình!

Việt Lâm: Hai chuyên gia đã điểm huyệt tình trạng đầu tư công lãng phí do hai nguyên nhân cốt lõi: Thứ nhất là cơ chế xin-cho. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng nói nếu tái cơ cấu mà không đụng vào được cơ chế xin-cho thì mọi nỗ lực đều khó đem lại hiệu quả. Thứ hai là cơ chế quy trách nhiệm cá nhân. Đây cũng là câu hỏi của rất nhiều độc giả gửi về chương trình. Tôi xin phép đọc câu hỏi đại diện: Ai là người chịu trách nhiệm đối với những công trình bạc tỷ lãng phí đó?

Nguyễn Xuân Thành: Tôi muốn lấy ví dụ dự án xây một cây cầu ở thành phố. Dự án này thuộc nhóm A, với tổng mức đầu tư 100 triệu USD, thực hiện cách đây 5 năm. Vì dự án là công trình kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, có nằm trong quy hoạch nên UBND các tỉnh thành có trách nhiệm chuẩn bị, lập dự án, làm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi rồi trình Chính phủ để Thủ tướng phê duyệt chủ trương. Vì dự án thuộc nhóm A nhưng chưa phải trọng điểm quốc gia nên không cần đưa ra Quốc hội. Sau khi Chính phủ phê duyệt chủ trương, đánh giá dự án có hiệu quả kinh tế-xã hội thì UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu tính khả thi, đưa ra quyết định đầu tư với ý kiến của các bộ ngành. Sau khi dự án được duyệt, được bố trí vốn thì triển khai.

Thế nhưng trong quá trình triển khai, vì trục trặc hợp đồng trong vấn đề xây dựng, đền bù giải tỏa nên bị đội vốn. Thành ra phải vay thêm tiền để đầu tư, trách nhiệm trả nợ cao hơn, nên mức thu phí không đủ để trả nợ. Cuối cùng phải bố trí thêm ngân sách để thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai? Dự án được đánh giá là tốt, vậy việc đội vốn, chậm đền bù giải tỏa là lỗi của ai: nhà thầu, chủ đầu tư hay cơ quan địa phương chậm trong giải tỏa đền bù hay là do trách nhiệm của chính quyền địa phương hay cơ quan TƯ trong quá trình thẩm định?

Thế nhưng, theo cơ chế hiện tại của VN thì cuối cùng không ai chịu trách nhiệm cả. Đọc lại tất cả các văn bản thì các bộ, ban, ngành đều bảo tôi làm đúng luật đấy chứ. Vấn đề là tình hình thay đổi. Ví dụ: đền bù chậm trễ là do mức giá đền bù không phù hợp rồi, người dân không đồng ý. Cuối cùng không ai sai cả, chỉ tại tình hình!

Nếu chúng ta muốn quy trách nhiệm thì phải quy định rõ, trong quá trình thực hiện dự án ấy, ai là người chịu trách nhiệm trong từng khâu một. Chẳng hạn, ai là người chịu trách nhiệm theo dõi quá trình công tác? Ai chịu trách nhiệm đền bù giải tỏa, chủ tịch quận, huyện này hay tổ đền bù giải tỏa? Về hợp đồng, đối với vấn đề giám sát là chủ đầu tư, hay vấn đề vốn theo kế hoạch là sở đầu tư. Vấn đề là hệ thống văn bản thì đúng pháp luật, nhưng từng chỗ ra quyết định không chỉ ra tên người hay tên cơ quan phải chịu trách nhiệm.

Hệ thống của mình thiếu quy trình gắn trách nhiệm cụ thể đó. Thiếu không phải bởi vì chúng ta không biết mà vì chúng ta muốn nó thiếu để sau có gì thì chịu trách nhiệm tập thể. Chính điều này làm quy trình đầu tư công nhiều thủ tục, nhiều cơ chế như thế.

Ts Trần Đình Thiên: Tôi đồng ý với anh Thành là chỗ này liên quan đến cơ chế trách nhiệm tập thể, lãnh đạo tập thể. Nghĩa là phần của cá nhân rất ít, cho nên không ai chịu trách nhiệm cả. Như mọi người vẫn đùa vui, bắt cái “thằng cơ chế” chứ không bắt được thằng nào cả.

Còn về trách nhiệm cá nhân, trong thực tiễn có những trường hợp hư hỏng đến mức không thể không có ai chịu trách nhiệm. Ví dụ như chuyện cần cẩu rơi chết người hay sập cầu gì đấy, phải có một ông chịu trách nhiệm. Đến lúc đó, rơi vào ông nào thì ông ấy phải chịu thôi. Thế nhưng khi chỉ có một ông chịu trách nhiệm thì xã hội lại bức xúc rằng như thế chưa công bằng vì toàn bộ hệ thống phải chịu trách nhiệm chứ. Cho nên, do ở ta không có quy định cụ thể về trách nhiệm cá nhân, nên khi buộc phải xử lý cá nhân thì lại gây ra bức xúc xã hội.

Gần đây tôi thấy có một xu hướng tích cực là khuynh hướng thị trường hóa tác động, buộc anh phải quy trách nhiệm cá nhân. Và cứ gắn với trách nhiệm cá nhân là mọi chuyện tốt hơn nhiều. Ví dụ như chuyện thuế. Lãnh đạo Chính phủ gọi các ông lên bảo 7-800 giờ làm thuế như thế quá lãng phí, không thể chấp nhận được. Các ông tìm cách mà giảm đi. Nếu không giảm được thì đi chỗ khác mà làm. Những ông này về bổ đầu trách nhiệm cá nhân xuống cấp dưới. Đó là việc của các ông, còn người lãnh đạo chỉ biết đấy là việc của các ông. Mấy tháng sau quả nhiên giờ làm thuế giảm ầm ầm.

Câu chuyện lớn hơn là khi ràng buộc được trách nhiệm cá nhân là phải hành động ngay. Từ lúc cam kết mà ông không làm để kiếm thêm tí nữa thì ông phải ra đi. Còn nếu ông muốn ở lại thì ông phải làm đi. Ông buộc phải lựa chọn rõ ràng: một là ông ở lại, hai là ông không làm, ông kiếm thêm một tí rồi ông ra đi. Khi rõ ràng như thế thì mọi chuyện thay đổi ngay.

Hay chuyện cổ phần hóa DNNN. Bộ trưởng Bộ GTVT có lần nói: Đấy, các ông tổng giám đốc đã cam kết rồi nhé! Nếu từ giờ đến cuối năm mà các ông không làm đúng cam kết thì mời các ông đi! Kết quả là cổ phần hóa được.

Dĩ nhiên, ở ta những ví dụ ấy chưa nhiều. Điều tôi muốn nói ở đây là phải thay đổi hệ thống, cơ chế để tách cá nhân phải chịu trách nhiệm về phần việc chức năng của mình. Chứ còn không có định rõ chức năng mà ông bao sân hết thì lại viện dẫn trách nhiệm tập thể thôi.

đầu tư công, công trình bạc tỷ bỏ hoang, Đinh La Thăng
Giám đốc FETP Nguyễn Xuân Thành. Ảnh: Lê Anh Dũng

Hành vi cá nhân của Đinh La Thăng phải chuyển thành cơ chế

Việt Lâm: Anh Thiên đã đề cập đến một số trường hợp thú vị, đó là những người lãnh đạo quyết liệt có thể làm mọi thứ chuyển động được. Như bây giờ có rất nhiều người nhắc đến hiện tượng Đinh La Thăng. Nếu nhà thầu chậm tiến độ, hay anh nào làm sai thì Bộ trưởng Thăng trảm tướng ngay lập tức. Trong khi chờ đợi chuyện thay đổi cơ chế, mà chắc sẽ rất dài, rất nhiều trở ngại thì có lẽ chúng ta phải trông chờ vào những cá nhân lãnh đạo quyết liệt như vậy?

Ts Trần Đình Thiên: Thời gian qua không chỉ có ông Đinh La Thăng mà còn một vài ông đứng đầu các tỉnh, như trường hợp Bí thư Quảng Ninh hay Hà Tĩnh đều đẩy hoạt động bộ máy lên rất mạnh. Việc một người hành động quyết liệt, bản lĩnh cá nhân mạnh là rất tích cực nhưng với điều kiện là phải nhận thức được đúng việc mình làm. Nếu ông quyết sai ông chết ngay. Nói cách khác, phẩm chất cá nhân phải phù hợp với xu hướng, nếu không cũng rất nguy hiểm.

Tôi rất thích cách làm của anh Thăng. Phải rõ ràng, dứt khoát và gắn với trách nhiệm như vậy. Nhưng chính anh Thăng phải thừa nhận cách chức một ai đó là không dễ. Bởi đây đâu phải là một cá nhân mà là con người của một bộ máy. Trách nhiệm tập thể ở đâu khi mà người ta làm như vậy. Nhiều khi mình cách chức lại oan cho người ta chứ không phải đã thực sự đúng.

Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là hành vi cá nhân của Đinh La Thăng phải được chuyển thành cơ chế thì mới ăn thua. Tức là không có Đinh La Thăng thì câu chuyện trách nhiệm vẫn phải rõ ràng, và có chuẩn mực, chứ không phải cứ bắt tại trận. Cứ bắt tại trận thế này thì trời đất nào mà làm được! Phải có cơ chế để bộc lộ tất cả những cái sai thì mới được.

Công khai hệ thống chỉ báo đánh giá hiệu quả

Nguyễn Xuân Thành: Theo tôi, vấn đề quản lý nhà nước trong thực hiện đầu tư rất quan trọng. Và anh lãnh đạo phải tạo được sức ép như thế nào để bộ máy của anh chịu sức ép ấy và buộc phải làm. Muốn vậy, phải có những chỉ báo về hiệu quả và kết quả. Nếu như anh không đạt được những chỉ báo ấy thì người lãnh đạo có đủ thẩm quyền để kỷ luật, cách chức anh. Những biện pháp ấy phải được thể chế hóa. Nếu không, như anh Thiên vừa nói, chúng ta sẽ lâm vào tình trạng là: nếu anh làm đúng, tức là chỉ đúng bệnh, bắt đúng tội mà anh làm mạnh thì rất tốt. Nhưng nếu anh bắt sai tội mà anh làm mạnh thì hiệu ứng ngược.

Luật Đầu tư công có hiệu lực vào năm sau đã có một phần nói về trách nhiệm giải trình của các dự án. Theo tôi, trong quá trình soạn thảo nghị định cũng như các thông tư hướng dẫn sắp tới, Bộ Kế hoạch Đầu tư cần làm mạnh, làm chi tiết các vấn đề này. Đó là gì? Dự án thuộc trọng điểm quốc gia, hay nhóm A, B, C thuộc các cấp phê duyệt là Chính phủ, bộ ngành TƯ hay UBND các tỉnh thì quá trình phê duyệt minh bạch là gì,  mục tiêu phát triển là gì? Không chỉ dừng lại ở mục tiêu phát triển mà còn phải xây dựng và công khai các chỉ báo đánh giá tính hiệu quả của dự án để dư luận được biết.

Hiện tại, chúng ta chưa có hệ thống chỉ báo này nhưng các dự án được tài trợ bằng vốn ODA, đặc biệt là của Ngân hàng Thế giới đều có các chỉ báo. Ví dụ xây một con đường thì các chỉ báo là gì? Chẳng hạn dự án này sẽ chỉ đạt hiệu quả nếu tổng mức đầu tư không vượt quá mức này và được thực hiện trong ngần này thời gian. Tức là có thể trễ tiến độ đến hai năm vẫn có hiệu quả nhưng đến năm thứ ba thì sẽ mất hiệu quả. Dự án nếu như xây xong và từng này xe tải đi từng này xe bốn chỗ, từng này xe máy đi qua thì hiệu quả, thấp hơn mức này thì không hiệu quả. Tuy nhiên, những thông tin này chỉ được chia sẻ trong các cơ quan nhà nước chứ không công bố. Trong khi đó các dự án từ vốn trái phiếu chính phủ và các nguồn ngân sách khác thì hoàn toàn không có chỉ báo.

Bây giờ, khi thiết lập hệ thống chỉ báo, chúng ta có thể lấy tham chiếu là các dự án ODA của Ngân hàng Thế giới, và bổ sung thêm các chỉ báo của VN. Cần quy định luôn trong các nghị định là bắt buộc tất cả dự án ở các cấp phải công bố các chỉ báo ấy để đánh giá. Khi đó, anh mà làm không đúng thì tôi biết ngay có lỗi ở đâu, có trách nhiệm cụ thể. Người lãnh đạo có đủ mạnh mẽ, lại có sự hỗ trợ của cơ chế để làm đúng và người dân và xã hội có thể quan sát được. Đây vừa là sức mạnh của nhà nước vừa là trách nhiệm giải trình trước xã hội. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể tăng được hiệu quả của đầu tư công.

Ts Trần Đình Thiên: Ý kiến của anh Thành làm tôi nhớ đến chuyện “đường cong mềm mại” lùm xùm trên báo chí gần đây. Chính vì những chỉ báo, chuẩn mực để đo lường hiệu quả không có, lại không được công khai nên nó cứ u u minh minh.

Đến lúc may mà dân phát hiện ra, rồi báo chí vào cuộc mới rõ ra. Nhưng có khi phát hiện ra rồi người ta vẫn lẳng lặng làm như cũ thôi bởi vì cơ chế trách nhiệm không rõ ràng.

Ở đây có mấy yếu tố: Một là, quy hoạch phải được công khai, đất chỗ nào là ranh giới chứ không phải ông cứ xà xẻo, uốn lung tung lên. Hai là, các tiêu chuẩn đo hiệu quả phải rõ ràng. Thứ ba, ông phải treo đầu làng cho người ta xem, để ai cũng biết. Cuối cùng là bộ chế tài để quy trách nhiệm. Kể ra thì nó không khó đến mức như chị Lâm nói. Nếu chúng ta muốn làm thì làm được ngay.

đầu tư công, công trình bạc tỷ bỏ hoang, Đinh La Thăng
Ts Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nguyễn Xuân Thành: Quay lại vấn đề lúc đầu anh Thiên đã phân tích là chuyện khan hiếm nguồn lực. Nguồn lực dễ dãi cũng có vấn đề mà khan hiếm thì lại tạo điều kiện cho chạy chọt, phong bì. Kiểu gì cũng thấy bi quan.

Nhưng tôi lại thấy chính những khó khăn, khan hiếm hiện nay là cơ hội. Bởi nếu chúng ta không làm được thì tăng trưởng kinh tế chậm, mọi thứ dễ đổ bể. Cho nên, khó khăn lại là cơ hội để có quyến tâm chính trị mà làm.

Thay đổi cốt lõi cơ chế phân bổ đầu tư bằng chùm luật

Việt Lâm:Có lẽ cơ hội mà anh Thành vừa nói đã ló dạng đâu đó. Bởi chúng ta có thể thấy Chính phủ đã nhận thức về thực trạng đầu tư công dàn trải, lãng phí và quyết tâm muốn thay đổi, như những phát biểu vừa qua trên Diễn đàn Quốc hội. Và cách đây 3 năm thì Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 1792 mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh ví như một cú sốc đối với các địa phương. Lần đầu tiên trách nhiệm cá nhân được nhắc đến, cụ thể nếu dự án không bố trí đủ nguồn vốn mà người đứng đầu vẫn phê duyệt thì sẽ bị xử lý trách nhiệm. Các anh nhìn nhận thế nào về hiệu quả của những quyết sách này?

T.S Trần Đình Thiên: Bản chất của chỉ thị 1792 là nhằm khắc phục cơ chế chia vốn dàn trải, tùy tiện. Dự án chỉ được cấp cao nhất duyệt khi nguồn vốn cho dự án được cam kết rõ ràng và trong một thời hạn xác định chứ không phải cam kết 100 năm sau. Chẳng hạn dự án 5 năm 100 tỷ thì 100 tỷ cam kết phân bổ trong 5 năm. Có thể 50 tỷ là ngân sách, 50 tỷ đi vay ngân hàng. Nhưng các ông ngân sách, ngân hàng đều phải ký xác nhận vào đấy. Theo đó, chỉ thị 1792 nghe chừng là một bước tiến rất căn bản về mặt cơ chế.

Tuy nhiên, cơ chế xin-cho vẫn chưa được giải quyết. Như tôi đã nói từ đầu, nếu chỉ giải quyết một khâu hay một số khâu thôi mà không giải quyết cả quá trình thì vẫn có khả năng bị hỏng như thường.

Dĩ nhiên, cách tiếp cận như 1792 có thể xem như một cánh chim báo bão để thay đổi hệ thống. Nhưng tôi tin rằng cần phải có những xoay chuyển khác đi theo nó. Tái cơ cấu đầu tư công chưa thực sự hiệu quả là do cốt lõi cơ chế phân bổ đầu tư công chưa thay đổi, chứ không phải bằng cách cắt giảm nọ kia.

Cơ chế nằm ở đâu? Nó nằm ở luật ngân sách. Hiện tại chúng ta mới làm xong dự thảo luật để Quốc hội thảo luận lần đầu. Cho nên ngân sách vẫn phân bổ theo kiểu xin cho được, không theo đúng chuẩn mực ngặt nghèo của thị trường. Như thế, vấn đề đặt ra là phải đồng bộ tất cả những luật liên quan đến đầu tư công, như luật ngân sách, luật quy hoạch, luật doanh nghiệp nhà nước…thì mới xử lý được vấn đề cơ chế. Đáng lẽ cách tiếp cận phải là xử lý cả hệ thống luật, chùm luật liên quan một cách đồng bộ, chứ không phải từng luật rời rạc như hiện nay. Chính phủ cũng muốn thảo luận cả một chùm luật như thế vì khái niệm nền tảng giống nhau. Ta tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công thì các luật liên quan đến tái cơ cấu nên xử lý đồng bộ, coi như đây là linh hồn cơ chế. Thế nên, tôi đề nghị Quốc hội dành ra một phiên, hay một kỳ họp đặc biệt để tập trung làm mấy luật này. Chứ nếu cứ chờ đến xuân thu nhị kỳ Quốc hội họp một lần, mà mỗi lần họp bao nhiêu luật cần xử lý, luật nào cũng thấy cấp bách cả, thì không bao giờ xử lý được. Làm luật dàn trải cũng thiếu hiệu quả như đầu tư dàn trải vậy. Nếu cứ triển khai manh mún, rời rạc sẽ mất hiệu lực.

Cơ hội của chúng ta đang rất lớn và nếu không làm thì nguồn lực sẽ suy kiệt và có thể xin cho lại tăng lên.

(còn tiếp)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP