Thế giới

Điện thoại hành khách máy bay MH370 vẫn đổ chuông sau 4 ngày mất tích?

Một chuyên gia về viễn thông tiếp tục đưa ra một giả thuyết khác về số phận của máy bay MH370, vốn mất tích năm 2014. Ông cho rằng chiếc Boeing 777 không rơi xuống biển vì thân nhân của một hành khách cho biết điện thoại của em trai cô vẫn đổ chuông 4 ngày sau khi vụ mất tích.

Hình ảnh 3D tái hiện lại giả thuyết MH370 rơi xuống Ấn Độ Dương (Ảnh: Nat Geo)

Ngày 8/3/2014, máy bay MH370 của hãng Malaysia Airlines chở 239 hành khách đã mất tích bí ẩn khi đang thực hiện hành trình bay từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh. Đã có rất nhiều giả thuyết được đặt ra, trong đó có giả thuyết rằng MH370 đã bị hỏng cả 2 động cơ, trước khi rơi theo hình xoắn ốc, vỡ thành nhiều mảnh tại Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, chuyên gia về viễn thông Paul Franks cho biết ông có bằng chứng về việc dường như MH370 không rơi xuống biển, dựa vào việc điện thoại của các hành khách trên chiếc Boeing 777 vẫn đổ chuông khi gia đình liên lạc 4 ngày sau khi vụ việc xảy ra.

Theo ông Franks, một thành viên gia đình thậm chí dường như còn lên sóng truyền hình Trung Quốc và cho mọi người thấy rằng điện thoại của em trai cô vẫn tiếp tục đổ chuông. Người phụ nữ này cho biết cô đã thử liên lạc lại nhiều lần và chuông vẫn kêu từ đầu dây bên kia trước khi hoàn toàn mất liên lạc.

Sau đó, một số gia đình khác cũng thử theo. Một nhóm 19 gia đình nói rằng điện thoại của người thân của họ dường như vẫn reo 4 ngày sau khi vụ mất tích diễn ra, nhưng họ không nhận được bất cứ phản hồi nào từ các cuộc gọi.

Ông Franks cho biết các gia đình đã gửi một thông báo lên các quan chức hãng hàng không Malaysia Airlines nhưng không được phản hồi.

Ông Franks cho rằng nếu như máy bay đã rơi xuống Ấn Độ Dương, sẽ không có cách nào để nó tiếp tục đổ chuông vì khi điện thoại chìm sâu xuống trong mực nước biển, nó sẽ hỏng ngay lập tức. Ngay cả khi điện thoại không hỏng, nó cũng không thể nhận được tín hiệu người khác gọi tới khi đang ở dưới đáy đại dương.

Tuy nhiên, theo Daily Stars, lý giải trên chưa hẳn hoàn toàn chính xác tuyệt đối. Một số chuyên gia về viễn thông khác nói rằng tín hiệu đổ chuông không phải lúc nào cũng có nghĩa là điện thoại ở đầu dây bên kia đang hoạt động. Trong một số trường hợp, nhà mạng thường dùng tiếng đổ chuông như một thủ thuật tâm lý để giữ người gọi trên đường dây khi họ đang cố kết nối với bên kia.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP