Giáo dục

Dịch tai xanh ở Hà Tĩnh : Thiệt hại nặng vì ngại tiêm phòng

Sau khi phát hiện các ổ dịch tai xanh ở lợn, mặc dù cơ quan chức năng, chính quyền các cấp ở tỉnh Hà Tĩnh đang khẩn trương thực hiện các biện pháp bao vây chống dịch, nhưng nguy cơ lây lan trên diện rộng vẫn rất cao.

Kể từ khi phát hiện ổ dịch tai xanh đầu tiên (ngày 25- 4) với 131 con lợn bị mắc bệnh tại 46 hộ ở phường Đại Nài, thành phố (TP) Hà Tĩnh đến nay, dịch bệnh đã lan rộng tại ba xã: Cẩm Vịnh, Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên) và Thạch Tân (huyện Thạch Hà) với tổng số lợn bị mắc bệnh 371 con. Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, tại các địa phương trên đã tiêu hủy hết số lợn bị mắc bệnh.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương khá mạnh tay và kịp thời là hỗ trợ 100% kinh phí mua vắc xin tại vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp cho người dân. Nhờ đó, cơ quan thú y các địa phương huy động hết lực lượng cán bộ thú y cơ sở tổ chức tiêm phòng trên 22.000 liều. Một số địa phương thực hiện công tác tiêm phòng đạt kết quả cao như Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh.


Tại Cẩm Xuyên, trạm Thú y huyện đã huy động hơn 40 cán bộ thú y của các xã trong toàn huyện về tập trung tiêm phòng tại hai xã đang có dịch và hai xã vùng khống chế dịch. Trong ba ngày, lực lượng cán bộ thú y đã tiêm gần 9.000 liều vắc xin tai xanh, đạt tỷ lệ tiêm phòng 100%.


Trưởng phòng kỹ thuật Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh Trần Quốc Chiến cho biết: “Trong khi chưa có thuốc đặc trị, biện pháp ngăn chặn hiệu quả là tiêm phòng vắc xin. Năm 2010, khi dịch bệnh xuất hiện ở một số xã thuộc huyện Can Lộc và Thạch Hà, Chi cục Thú y tỉnh đã sử dụng vắc xin nhược độc đông khô chủng JXA1-R để tiêm phòng cho vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng nguy cơ cao và đạt hiệu quả tốt. Vì vậy, năm nay, Chi cục Thú y tỉnh tiếp tục sử dụng vắc xin này. Tuy nhiên, nếu tiêm vắc xin ở những đàn lợn đang mắc bệnh hoặc có thể lực kém thì hiệu quả phòng bệnh rất thấp.”.


Chúng tôi có mặt tại thôn 7, xã Cẩm Vịnh khi người dân và chính quyền địa phương đang tập trung tiêu hủy số lợn bị bệnh. Nỗi bi quan, chán nản hiện rõ trên từng gương mặt nông dân. Đợt dịch này toàn thôn có 152/300 con lợn bị “tai xanh”, thiệt hại ước tính 120 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Thắng – hộ chăn nuôi có số lợn bị tiêu hủy lớn nhất xót xa: “Chỉ trong vòng mấy ngày cả đàn lợn 12 con bỗng dưng có biểu hiện tai cụp, tím tái bỏ ăn, sổ mũi trào bọt mép. Gia đình tôi đã gọi bác sỹ thu y tiêm khá nhiều loại thuốc nhưng không có tác dụng. Biết được thiệt hại lớn như thế này thì chúng tôi đã chủ động tiêm phòng vắc xin từ trước”.


Ông Nguyễn Trọng Đồng – người cùng thôn, bị thiệt hại 10 con lợn thịt trong đợt dịch này cũng cho biết, do gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ nên không muốn tốn thêm tiền mua vắc xin. Tuy nhiên, sau trận dịch này gia đình sẽ chủ động trong công tác tiêm phòng để hạn chế tối đa thiệt hại.


Theo tính toán của ông thì một liều vắc xin hiện nay có giá 33.000 đồng cộng với 2.000 tiền công tiêm thì vẫn chưa bằng một kg lợn hơi. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi lợn ở thôn 7 không bị dịch bệnh cũng không vui vẻ so với những nhà bị lợn dịch là mấy vì họ không thể bán được được lợn và giá lại rất bèo so với trước khi bị dịch.


Ngoài ý thức người dân “ngại” tiêm phòng vì sợ tốn tiền thì dịch tai xanh ở Hà Tĩnh vẫn có nguy cơ lây lan và bùng phát trên diện rộng là do nằm ở cạnh hai tỉnh Nghệ An và Quảng Trị đang bùng phát dịch tai xanh. Một số tư thương hám lời đã lén lút mua bán lợn bị dịch vận chuyển đi tiêu thụ theo trục đường Hồ Chí Minh và QL 1 nên các tỉnh cần có phương án phòng chống dịch bệnh tai xanh theo vùng (liên tỉnh) để hạn chế sự lây lan từ tỉnh này sang tỉnh khác.


Do đang có dịch bệnh tai xanh nên ở nhiều nơi, người dân ngại mua phải thịt lợn bị dịch về ăn, nhiều hàng thịt lợn ở chợ cóc ế ẩm. Người chăn nuôi lợn ở vùng dịch gặp nhiều khó khăn do không xuất bán được lợn.



THÀNH CHÂU-THANH HOÀI

Nhân Dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP