Văn hoá Dân gian

Đi tìm vẽ đẹp Ca Trù (phần cuối)

Tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, mà mỗi một tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái tòa lâu đài ấy. Tiếng hát ấy vừa cao sang bác học, vừa mê hoặc ám ảnh, diễn tả ở mức tuyệt đỉnh nhất các ý tứ của văn nhân thi sĩ. Những câu thơ tưởng chừng đã ngủ yên trên mặt giấy bỗng được tái sinh và trở nên hào hoa, sang trọng và sống động.


Phần 7: Quách Thị Hồ – Sênh phách giọng sầu gửi bóng mâyCó một thời gian rất dài ca trù không được quan tâm. Có lẽ từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cùng với những tàn dư xấu xa của chế độ phong kiến, sinh hoạt cô đầu, hay hát ả đào, vốn đã có tiếng rất xấu từ đầu thế kỷ, cũng bị quét đi, không thương tiếc. Các cô đào, dù hát còn hay, dù còn thanh sắc cũng giấu kỹ phách, các kép hát thì gác đàn lên xà nhà, giấu đi cái hành trạng một thời làm nghề hát xướng của mình để nhập vào cuộc sống mới. Không ai dám hát, không ai dám đàn, không ai dám nhận mình là cô đầu nữa. Con cái các đào kép một thời lững lẫy bỗng đâm ra xa lánh, sợ sệt cha mẹ mình. Tiếng xấu sinh hoạt ả đào trùm lên cả xã hội. Nhắc đến cô đầu người ta sợ. Nhắc đến hát ả đào, người ta nghĩ đến một thú ăn chơi làm cho người ta khuynh gia bại sản, có hại cho phong hoá và luân lý. Người ta cho cô đầu là cái người: “Lấy khách – khách bỏ về Tàu, lấy nhà giàu – nhà giàu hết của”. Mà cũng có chỗ không oan. Với vẻ thanh thoát của vóc dáng của những người không phải chịu cảnh chân lấm tay bùn, các cô lại khéo ăn nói, do được tiếp xúc toàn với văn nhân nho sĩ, nên nhiều người đã bị các cô làm cho mê mẩn. Có người phải bán ruộng, bán nhà; có kẻ phải giấu lương tháng, lừa dối vợ con để lấy tiền đi hát. Nhà hát lại là nơi hấp dẫn nhất trần đời: nào các cô hát hay, nào các cô tiếp rượu khéo, nào các cô đấm bóp ấm êm. Biết bao cảnh đánh ghen tầy trời nơi các ca quán. Biết bao đôi vợ chồng phải ly biệt, tan cửa nát nhà vì cô đầu. Tiếng xấu ấy, trăm năm còn in vết. Các người ca thưở trước đều tìm một nghề khác kiếm sống, giấu biệt cái nghề ca hát của mình đi. Có đào nương phải kiếm một gánh nước chè độ nhật cho đến tận lúc cuối đời. Nhiều đào nương lần hồi kiếm các công việc để độ nhật, và giấu biệt đi cái nghề ca hát của mình, cho dù nó đã từng đem lại ít nhiều vinh quang cho bà trong thời trẻ trung. Có đào nương trở về với công việc đồng áng, cố che lấp đi cái nghề ca hát của mình. Gặp lại các bà để hỏi về ca trù, các bà còn run sợ, các bà không dám nói. Mặc dù thưở trước Tổ đã cho các bà ăn lộc, cho các bà những hào quang, nhưng nay thì các bà dứt khoát dứt ra khỏi cái liên hệ này. Tìm gặp các bà, có cảm giác như họ đang ôm trong mình một khối u lớn. Có bà trả lời giằn dỗi, như hắt nước lạnh vào người đang hỏi chuyện. Lâu dần trong số họ trở nên kiêu ngạo, cao đạo, nào tránh gặp báo chí, nào tránh gặp truyền hình, nào tránh các cuộc giao lưu. Không ai dám đến gần khiến cho người đào nương già nua lại trở nên cô độc, thù ghét xung quanh, khinh ngạo mọi người trong và ngoài nghề. Trong hoàn cảnh ấy, chỉ có một người phụ nữ, người mà nét tài hoa và đa tình còn in trên khuôn mặt đã nhăn nheo, mà nét kiêu sa lừng lẫy chốn ca trường còn trong từng âm thanh giọng nói – vâng chỉ có người ấy là dám nhận mình là một ả đào, như bà đã từng nói là bà dám đeo cái biển trước ngực “Tôi là ả đào”. Bà kể rằng: Hồi trước có mấy ông lãnh đạo văn hóa nói thẳng vào mặt tôi rằng: “Cái nghề ca trù của bà chỉ phục vụ bọn thực dân phong kiến, cái cây đã chết, cho nó chết, lấy đâu hoa mà nở”. Lúc đó tôi cười: “Rồi xem, hoa có nở không?”.(Báo Lao Động cuối tuần, số 40, ngày 20.10.1991, tr.5). Đấy, thái độ của bà rõ ràng và tự tin như vậy! Vâng, cả cuộc đời của bà lúc nào cũng một niềm thuỷ chung với nghề tổ. Bà được Tổ cho ăn lộc, đem cho bà vinh quang và cả đắng cay nữa. Bà dám sống cho nghề tổ, chịu vinh, chịu nhục vì nghề. Khi bà ba mươi tuổi, đang lừng lẫy chốn ca trường, thi sĩ Trần Huyền Trân viết tặng bà bài thơ Sầu chung. Một bài thơ mà từng chữ, từng lời hiểu bà từ gan ruột. Bà là Quách Thị Hồ nghệ sĩ lớn nhất của ngành ca trù trong thế kỷ XX. Cho đến một hôm, GS Trần Văn Khê, từ Pháp trở về. Ông ghi âm tiếng hát của bà để đem đi giới thiệu với thế giới. Năm 1978, Hội đồng Âm nhạc quốc tế của UNESCO và Viện Nghiên cứu quốc tế về âm nhạc so sánh đã trao bằng danh dự cho bà vì bà có công lao đặc biệt trong việc bảo tồn một bộ môn nghệ thuật truyền thống có giá trị văn hóa và nghệ thuật cao. Và từ đó tên tuổi của bà cùng tiếng hát ca trù độc đáo của Việt Nam trở nên vang lừng trong bốn biển. Năm 1988, tại Liên hoan quốc tế Âm nhạc truyền thống tại Bình Nhưỡng, có sự tham gia của 29 quốc gia, băng ghi âm tiếng hát của Quách Thị Hồ, đại diện cho Việt Nam được xếp hạng cao nhất. Bà được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Và cho đến hôm nay, bà là người đầu tiên và duy nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân ngành ca trù. Sau bà, không còn ai được phong Nghệ sĩ Nhân Dân về ca trù nữa. Và bà thật xứng đáng với danh hiệu này. Tiếng hát ca trù độc đáo, lạ lùng và đầy sức hấp dẫn của Quách Thị Hồ đã vang lên, đại diện cho Việt Nam, làm rạng rỡ cho âm nhạc và văn hoá Việt Nam. Sau đó, Đài Tiếng nói Việt Nam mới ghi âm tiếng hát của bà, phát trong các chương trình ca nhạc cổ truyền. Năm 1984, Trung tâm Nghe Nhìn (nay là Hãng Phim Truyền hình) tổ chức làm phim “Nghệ thuật ca trù” (Kịch bản và đạo diễn Ngô Đặng Tuất) tại Lỗ Khê. Đây cũng là dịp tập trung nhiều nhất các danh ca, danh cầm nổi tiếng trong giới ca trù như: Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Hào, Chu Văn Du, Nguyễn Thế Tuất, Phó Đình Kỳ, Đinh Khắc Ban, Phó Thị Kim Đức, Nguyễn Thị Mùi. Nhà nghiên cứu Ngô Linh Ngọc dẫn chương trình và đọc lời bình cho toàn phim. Năm 1980, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội tổ chức biên soạn cuốn sách Hát Cửa đình Lỗ Khê, được dư luận đánh giá tốt. Nghệ sĩ Quách Thị Hồ tạ thế lúc 3h 45 phút, ngày 4 tháng Giêng năm 2001, tức ngày 10 tháng Chạp năm Canh Thìn. Thọ 92 tuổi. Trong sổ tang đọc thấy dòng chữ của một nhà nghiên cứu: “Nghệ sĩ Quách Thị Hồ ra đi có mang theo tất cả những gì là cao quý, sang trọng và bác học của nghệ thuật ca trù trong thế kỷ XX”. Nghĩ đến hôm bà mất, càng thấy thương bà, khi mất, không có đất chôn. Con cháu phải mua một mảnh đất mấy mét vuông bên Gia Thuỵ để làm nơi yên nghỉ cho bà. Ba thước đất đã vùi sâu một nghệ sĩ tài hoa, sống đã làm vẻ vang cho ca trù, danh thơm bốn bể, cùng với cả trăm cay nghìn đắng, mà vẫn sáng ngời lòng thuỷ chung với Tổ với nghề. Nay bà khuất nẻo suối vàng, nhưng tiếng hát của bà còn vang mãi, với non sông này, với nghệ thuật này.


Phần 8: Hồn cổ nhạc trong tranhTrong bài Giai nhân nan tái đắc (Người đẹp khó gặp lần hai) của Cao Bá Quát có câu: Phong lưu công tử đa xuân tứ/ Trường đoạn tiêu nương nhất chỉ thư (Chàng công tử phong lưu lòng tràn ngập ý xuân, có thể làm đứt ruột người con gái đẹp chỉ vì một bức thư tình). Người đẹp khó gặp lần hai, có phải vậy nên đó ở bên nhau rồi, không muốn rời nhau một bước? Và người nghệ sĩ cầm cọ đó được trời phú cho một “nghề riêng” là chép lại những cảm xúc đó thành những hình hài trên tranh. Những cung cầm, tiếng hát dìu dặt được biến hóa trong màu, trong sắc để ghi lại những cuộc tao ngộ đầy xúc cảm. Những bức tranh về đề tài đào nương, ca trù đó ra đời trong những khoảnh khắc như vậy.Năm 1943, để minh họa cho tập Giai phẩm của Nhà xuất bản Đời Nay, họa sĩ Nguyễn Gia Trí cũng đó ký họa một cảnh hát ả đào. Ca nữ với khuôn mặt đẹp và búi tóc vấn khăn như đang chuẩn bị dạo đầu cho một khúc hát. Vận một chiếc áo dài may bằng lụa của người con gái Hà thành trước năm 1945, đơn giản nhưng ở cô lại toát nên được một nét đẹp quí phái. Cái mỏng manh mềm mại của lụa, cái đoan trang của nét mặt ca nữ, như đối lại với mảng đậm, mảng chìm của hộp đàn, như thể nhấn nha thể hiện tâm tình của lời hát lúc thăng trầm diệu vợi. Tranh sơn mài của Chu Mạnh Chấn về ca trùKhông chỉ là những ký họa để nắm bắt những giây phút xuất thần của các đêm hát, không ít các tác giả cũng dựng những chất liệu rất đa dạng để mô tả cái sâu lắng của nghệ thuật ca trù. Họa sĩ Chu Mạnh Chấn (Hà Tây) cũng có một bức tranh sơn mài vô cùng sinh động về đề tài này. Trong một phòng khách ấm cúng của một ca quán phong lưu, với bức tranh tứ bình trên vách, các câu đối và bức trung đường treo trang trọng, giọng ca của cô đào cất lên như vấn vít cả không gian. Một chậu cây cảnh được kê giữa nhà như điểm thêm cho cái thú chơi tao nhã của những tay sành điệu. Một quan viên cầm chầu như đang lắng nghe từng nhịp phách, cung đàn để khen, để thưởng. Tiếng hát cất lên trầm bổng, tiếng phách reo như tôn như nhấn cho từng câu chữ, đến nỗi cô đào rượu phải khép nép sau tấm rèm cửa đợi cho trọn khúc hát mới dám bước vào. Cái thẳm sâu, trong veo của chất liệu sơn mài, cái óng ánh của nét vàng nét bạc, khiến cho thần thái của đêm hát như càng khắc sâu vào tâm khảm của người xem. Cho dù người ta không nghe thấy tiếng hát cất lên trực tiếp từ bức tranh nhưng dường như cái không gian này lại gợi nhớ da diết cái không gian văn hóa cổ xưa khi ca trù trở thành một nếp sinh hoạt không thể thiếu trong xã hội cổ truyền. Ca trù xưa không chỉ là một thú vui của các gia đình phong lưu, mà nó cũng là một sinh hoạt mang tính chất lễ nghi ở các đình làng. Họa sĩ Phạm Văn Đôn đã mô tả cảnh này trong một bức tranh sơn mài khác Lễ hội ca trù. Trước ban thờ tổ ở một đình làng, cảnh hát ca trù được diễn ra long trọng. Quan viên, kép đàn và đào nương như đang say sưa dâng tiếng hát của mình lên đấng linh thiêng. Người ta như nghe thấy đâu đây âm vang của những khúc tiên nhạc dìu dặt. Tác phẩm của họa sĩ Phạm Công Thành


Vẽ nhiều và gần như trở thành một niềm đam mê không dứt với đề tài này phải kể đến họa sĩ Phạm Công Thành. Ông là một giáo sư danh tiếng của Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Các tác phẩm sơn mài của ông về Ca trùít nhiều mang những sắc thái và giá trị đương đại đối với các vấn đề của bộ môn nghệ thuật này, mà tác phẩm ở Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005 là một ví dụ. Ông cho biết dù vẽ không có mẫu, chỉ thuần túy là vẽ trong tưởng tượng, nhưng ông vẫn nhớ như in nét mặt của cụ Quách Thị Hồ. Người mà ta có thể nhận thấy lẫn trong đám đông, bà đang ngồi nghe những tiếng phách tiếng đàn của thế hệ con cháu mình. Ở tác phẩm này ông muốn đặc biệt chú trọng đến những người thưởng thức ca trù, những công nhân, công chức, học sinh và cả những “phó thường dân” trong xó hội. Đó cũng là ước vọng của người tâm huyết với bộ môn nghệ thuật ca trù đang có nguy cơ mai một. Ông mong rằng nghệ thuật ca trù có ngày sẽ trở thành tài sản của tất cả các tầng lớp trong xã hội, và sức hấp dẫn của nó là vượt ra khỏi biên giới của tuổi tác, nghề nghiệp, đến với tất cả mọi người. Nó sẽ mãi tồn tại trong xã hội đương đại, giống như đó từng ghi một dấu ấn không phai trong quá khứ. Nói về ca trù, không ai là không nhắc đến Nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ. Say tiếng ca của bà, họa sĩ Nguyễn Mộng Bích đó vẽ một bức tranh lụa Chân dung Nghệ sĩ Quách Thị Hồ. Tác phẩm này đã nhận được giải thưởng ở Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1995. Khuôn mặt bà vừa toát lên vẻ thanh thản, nhưng cũng chứa chất trong lòng không ít nỗi ưu tư với nụ cười nụ chúm chím rất đặc trưng của cụ trên môi. Bà được khắc họa ngồi bên một trong số bốn bức tranh tứ bình của tranh Hàng Trống. Cái uy danh lừng lẫy của một con người như được hiện ra, nhưng cái cô độc, cực nhọc của một nghệ nhân đó luống tuổi cũng đó được toát lên. Vẽ về đề tài ca trù, không chỉ các thế hệ cao niên từng được tham dự và thưởng ngoạn ca trù trong các đình, tại các tư gia, không ít các họa sĩ trẻ nghe âm hưởng ca trù cũng đó đắm say lòng. Đối với họ, ca trù không chỉ là sự miêu tả một cảnh hát, mà còn là âm vang của hồn đàn, hồn phách. Do đó ngoài một không gian hiện thực, cái không gian ảo ít nhiều đó được chú trọng. Ví dụ ở bức tranh khắc thạch cao của Nguyễn Anh Tuấn cái không gian của cuộc hát dưới một đêm trăng như mờ, như tỏ, ít nhiều có tính trừu tượng, làm lay động cả tâm can con người. Không ít các tác giả chọn cách vẽ có tính đương đại hơn là cách kể một câu chuyện thuần túy. Âm hưởng của ca trù được biến hóa ra thành những không gian trừu tượng vô hình. Hội họa có cách hưởng thụ và trải nghiệm văn hóa riêng của mình. Và ca trù cũng nhờ đó mà được lưu giữ hình hài cho muôn đời sau, như ngày nay chúng ta cũn biết đến ca trù qua nhiều bức chạm ở đình làng. Hôm nay những thanh âm vọng từ muôn xưa lại hiện lên trong sắc màu trên toan, trên vóc, trên lụa lưu giữ lại cho các thế hệ sau một chút hồn Việt. Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời.

Nhacvietplus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP