Di tích - Thắng cảnh

Di tích Nhà thờ họ Nguyễn Duy – thị trấn Nghèn

Mảnh đất Đan Liên, Trảo Nha xưa, thị trấn Nghèn nay là vùng đất giàu truyền thống hiếu học, đấu tranh cách mạng anh hùng.

Là giải đất nằm bao quang ngọn núi Ngạn Sơn tươi đẹp, có tháp Nghèn, chùa Nghèn, đền Linh nha; là trung tâm cựu đô Ngàn Hống của nước Việt Thường, thiết chế Nhà nước xuất hiện sớm nhất ở nước ta thời Kinh Dương Vương. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử mảnh đất này đã sản sinh cho quê hương dân tộc những người con ưu tú như: Ngô Phúc Vạn, Nguyễn Nhân Hiếu, Ngô Đức kế, Ngô Xuân Diệu… và có dòng họ Nguyễn Duy để lại nhiều dấu ấn lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển ở vùng đất này.

Căn cứ tài liệu lịch sử và bản gia phả chữ Hán do Đức tổ Nguyễn Duy Bình ( đời thứ 10) soạn vào năm Đinh Dậu, Minh Mạng thứ 18 (1837), dịch sang chữ quốc ngữ năm 1987, bổ sung năm 1981, cho biết dòng họ Nguyễn Duy sinh cơ lập nghiệp đã trên 500 năm tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc ngày nay, thời Lê gọi là xã Đan Liên, phủ Thạch Hà, thời Nguyễn gọi là thôn Nha Kỳ, xã Trảo Nha, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, trấn Nghệ An. Trong quá trình hình thành và phát triển trên 500 năm, họ Nguyễn Duy có nhiều tên đệm khác nhau như “Nhân”, “Thọ”, “Duy”, có nhiều người học hành gỏi giang, làm quan thanh liêm trung trực, có đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, trong đó có Đức tổ thứ 2 là Tiến sỹ Nguyễn Nhân Hiếu. Theo gia phả họ Nguyễn Duy và sách ” Các nhà khoa bảng Việt nam 1075 – 1919″ cho biết Nguyễn Nhân Hiếu (1480 – ?) người xã Đan Liên, huyện Thạch Hà, 26 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Ất Sửu niên hiệu Đoan Khánh thứ nhất (1505) đời vua Lê Uy Mục. Sau khi đỗ, ông được bổ nhiệm chức Hàn lâm Viện biên tu, sau chuyển sang bộ Lê, thăng đến chức Giám sát Ngự sử, kiêm võ chức Đô chỉ huy sứ, phụng gia hùng liệt tướng quân. Ông là người văn võ toàn tài, có nhiều đóng góp cho đất nước trong một giai đoạn lịch sử đầy rối ren của những năm đầu thế kỷ XVI, thời Lê bước vào giai đoạn khủng hoảng suy vong, đẩy đất nước vào cảnh loạn lạc kéo dài, tranh giành quyền lực giữa thế lực phong kiến Lê- Mạc – Trịnh,… Cũng chính trong bối cảnh lịch sử ấy, cho nên Tiến sỹ Nguyễn Nhân Hiếu không thể truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm nước an dân cho thế hệ sau nối nghiệp được.
Giáo sư Ngô Đức Thọ – Viện Hán Nôm phát biểu tại Nhà thờ họ Nguyễn Duy
Đời thứ 8 họ Nguyễn Duy có Hiệu sinh Nguyễn Thọ Diên, sinh vào khoảng đầu thế kỷ XVIII, làm quan Đô hộ phủ, Kiệt trung tướng quân. Ông là người trí dũng song toàn, sức lực phi thường, nhân đức trung thành vô hạn, đã lập nhiều công tích với dân với nước. Ông làm quan cùng thời với Thái bảo Tào Quận công Ngô Phúc Vạn, người cùng xã. Trong bia đá của dòng họ Ngô Trảo Nha có ghi cụ Nguyễn Thọ Diên như sau: ” Nội dinh Câu nghê, quản trị cổ hầu, Đặc tiến kinh tử vinh lộc đại phu Cẩm y vệ, đoán sự văn hiếu tử” ( Nguyễn Thọ Diên là một ông quan lớn có uy tín, đồng thời có quyền lực và hiểu biết rộng, hêt sức trung thành với triều đình). Đối với quê hương bản quan, ông có xây dựng một số công trình, mà đến nay vẫn còn dấu tích: đắp cồn lập nghiệp ở bến tắm Lốp Ngốp, làm con đường lát đá tảng từ lùm Lót Mót đến Nương Lậm, bắc cầu Phong Cốc từ Mu Nen đến Vĩnh Phong, tu sủa lăng mộ tổ tiên và các công trình khác. Đặc biệt thời kỳ làm quan, ông Nguyễn Thọ Diên đã làm được công minh, xử lý nhiều công việc, đem lại hạnh phúc cho muôn dân. Theo gia phả dòng họ có một số việc đem lại phúc hậu cho dòng họ như: Việc giải oan cho ông Đỗ Đạm ở thôn Kiều Miếu xã Hương Cần huyện Quỳnh Lưu bị bọn xấu âm mưu gây hiềm khích để chiếm tài sản. Ông Đỗ Đạm vô cùng đội ơn ông Nguyễn Thọ Diên nên đã sắm lễ vật rất nhiều để tạ ơn, nhưng ông không nhận. Sau đó ông Đỗ Đạm đã gả con gái mình là bà Đỗ Thị Sáng cho ông Nguyễn Thọ Diên. Chính bà là người mang nghề dệt chiếu cói truyền thống từ quê hương mình vào cho con cháu dòng họ Nguyễn Duy và nhân dân làng Nam Sơn thực hiện và trở thành Bà Tổ của nghề dệt chiếu cói Nam Sơn – thị trấn Nghèn. Và bà cũng chính là người sinh ra đức tổ ” Bách tuế – Ngũ đại đồng đường” Nguyễn Duy Phiên (đời thứ 9). Nguyễn Duy Phiên sinh năm Đinh Mùi, đời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Bỏa Thái thứ 8 (1727), mất năm Đinh Hợi, đời vua Minh Mạng thứ 8 nhà Nguyễn ( 1827), là sinh đồ thời cự nhà Lê, khoa Canh Tý, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39 (1780) thi Hương đậu Tam trường, sống lương Thiện làm nghề dạy học và canh nông. Ông là người có tài cao học rộng, sức khỏe hơn người, nhưng sinh sông trong thời kỳ loạn lạc, nhà lê suy tàn, Trịnh – Nguyễn phân tranh, nạn ngoại xâm và binh đao liên miên, làm cho đất nước khốn đốn và nhân dân lâm vào cảnh lầm thao cơ cực. Chính vì vậy ông đã ẩn thân nơi quê hương dân dã. Ông thọ trên 100 tuổi và có 5 đời cùng chung một mái nhà. Đây trường hợp hiếm trong lịch sử nước nhà được vua Minh Mạng thứ 7 (1826) ban cho danh hiệu “Ngũ đại đồng đường” được cấp bạc nén, vải lụa để xây cổng chào treo biển “Dịch thế diễn tường“. Hiện nay con cháu dòng họ đang giữ nguyên vẹn tấm biển ” Ngự tứ kim biển” ( Biển chữ vàng vua ban ), được dịch nghĩa như sau:” Chữ lớn phúc thọ đời đời ban cho Nguyễn Duy Phiên, người xã Trảo Nha, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, trấn Nghệ An lên thọ 100 tuổi, một nhà đủ 5 đời. Đặc biệt ban cho tấm biển này treo ở bản quán để biểu dương đời thăng bình thịnh vượng, người hưởng phúc lành..” Sau 50 năm (1871), con cháu dòng học Nguyễn Duy lại tổ chức khắc bia đá ghi lại sự kiện này “Lê triều Hiệu sinh Nguyễn Thọ bi công”. Điều đặc biệt là nội dung văn bia do Hoàng giáp Ngô Đức Bình, người Trảo Nha, 42 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân khoa Nhã Sỹ niên hiệu Tự Đức 18 (1856) soạn văn bia. Nối tiếp truyền thống của dòng tộc, các thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Duy ở Trảo Nha xưa, nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc có nhiều đóng góp lớn cho quê hương đất nước qua các thời kỳ lịch sử. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống đế quốc và phong kiến tay sai, thế hệ con cháu hậu duệ dòng họ Nguyễn Duy đã hăng hái tham gia tích cực, có nhiều đóng góp lớn vào sự nghiệp gải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước. Dòng họ có 4 người tham gia Tiền khởi nghĩa, 01 chiến sỹ tù Côn Đảo, 12 liệt sỹ qua 2 cuộc kháng chiến, 2 bà mẹ Việt nam anh hùng…
Bia đá tại Nhà thờ
Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, con cháu dòng họ Nguyễn Duy đã tích cực phấn đấu học tập, rèn luyện và công tác. Hiện nay dòng họ có 1 Tiến sỹ, hàng trăm cử nhân, kỷ sư, bác sỹ, sĩ quan quân đội và công an đang công tác khắp mọi miền đất nước.Nhà thờ họ Nguyễn Duy được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 360/QĐ-UBND ngày 29/01/2013. Nhà thờ hiện nay nằm trong khu dân cư thuộc xóm Nam Sơn, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1843 đời vua Minh Mạng, nhà Nguyễn gồm có 3 tòa hạ trung thượng điện và cổng tam quan. Trải qua thời gian và biến cố của lịch sử, Nhà thờ đã bị xuống cấp và được con cháu trùng tu xây dựng lại vào năm 1980 – 1981. Nhà thờ họ Nguyễn Duy quy mặt về hướng nam, bao gồm các công trình: cổng vào, nhà bia, tắc môn, hạ điện, trung điện, bàn thờ liệt sỹ, bàn thờ cộng đồng, thổ địa và thượng điện. Việc Nhà thờ dòng họ Nguyễn Duy được công nhận di tích lịc sử văn hóa là niềm vinh dự to lớn đối với nhân dân thị trấn Nghèn nói chung và con em dòng họ Nguyễn Duy nói riêng. Qua đây giáo dục cho thế hệ trẻ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó là tinh thần hiếu học, lòng yêu nư­ớc, tự hào dân tộc và tôn vinh các danh nhân văn hoá, thể hiện đạo lý “Uống n­ớc nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam đối với những ng­ười có công xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Thu Hà – Phòng Văn hóa&TT

Can Lộc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP