Di tích - Thắng cảnh

Đền thờ tướng quân Nguyễn Biên: Di tích quốc gia có nguy cơ biến thành phế tích

Là một di tích lịch sử quốc gia có bề dày lịch sử hàng trăm năm song khu di tích Bình Ngô Thượng tướng quân Nguyễn Biên (xóm 5, Cẩm Huy, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã bị xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ trở thành phế tích trước sự tiếc nuối của người dân.

Dấu ấn của một vị tướng tài ba

Nguyễn Biên còn có tên là Nguyễn Dung, quê ở làng Phù Lưu, huyện Phi Lộc (nay là xã Hồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Tương truyền, ông vừa là một nông gia, vừa là thương gia chuyên chở hàng bằng thuyền giao lưu đây đó. Vào những năm 20 của thế kỷ XV, nhà Minh vào đánh chiếm và đặt đô hộ trên nước ta. Không cam chịu sự thống trị của quân Minh, Nguyễn Biên đã chiêu mộ dân nghèo ở vùng quê Can Lộc vào lập căn cứ tại động Choác thuộc làng Khả Luật, nay là xã Cẩm Hưng. Đầu tiên ông lập cứ tại Kẻ Cấm, một thung lũng dưới chân núi Choác. Từ đây, ông khai hoang trồng lúa, xây dựng đồn trại, sắm binh khí, chiêu mộ quân sĩ chờ thời cơ phất cờ khởi nghĩa.

Sau một thời gian, được nhân dân các vùng hưởng ứng, Nguyễn Biên nhanh chóng xây dựng được một nghĩa quân hùng hậu, ông quyết định dựng cờ khởi nghĩa. Thanh thế của Nguyễn Biên ngày càng lớn mạnh làm cho quân Minh lo sợ. Chúng đưa một đạo quân từ thành Nghệ An vào tiêu diệt căn cứ động Choác. Nhân lúc giặc mới vào chưa kịp ổn định, ông đã đưa quân bao vây đánh úp khiến cho quân giặc không kịp trở tay. Chỉ trong một thời gian ngắn quân địch đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Chiến thắng này đã cổ vũ mạnh mẽ cho nghĩa quân và nhân dân trong vùng. Nguyễn Biên đưa quân đánh chiếm hai huyện Kỳ La và Hà Hoa (tức Kỳ Anh và Cẩm Xuyên ngày nay). Sau đó ông dời căn cứ từ Kẻ Cấm ra thôn Cát Thiên, xã Thạch Khê Trung, tức Cẩm Huy ngày nay tiếp tục khai hoang, làm ruộng và luyện tập.

Tháng 9 năm Giáp Thìn (tức tháng 10 năm 1424), nghĩa quân Lam Sơn từ Thanh Hóa tiến vào Kỳ Sơn (Nghệ An), Nguyễn Biên tự nguyện quy tụ dưới ngọn cờ đại nghĩa Lam Sơn. Ông được Lê Lợi phong chức “Bình Ngô Thượng tướng quân”, chỉ huy nghĩa quân đánh chiếm châu huyện giải phóng Châu Nam tỉnh và trấn giữ mặt Nam phủ Nghệ An. Trong một trận đánh lớn ông đã bị thương rồi mất và được mai táng tại đền thờ ông ngày nay.

Mối đang gặm nhấm từng cái cột trong đền

Xuống cấp trầm trọng

Sau khi ông mất, năm 1425 nhân dân đã lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn của vị tướng tài ba. Lúc đầu đền thờ được lợp bằng mái tranh, đến năm 1894, Tổng Văn Tản khởi công xây dựng lại đền. Đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc thời Nguyễn: Thượng điện gồm 3 gian, trong điện thờ gồm bức hoành phi đề “Vạn cổ tồn” và nhiều câu đối. Tiếp đến tả vu và hữu vu có chạm long, li, quy, phượng. Nhà bái đường có 5 gian, vọng lâu gồm 3 cửa nay vẫn còn di tích. Với kiến trúc đặc biệt, có giá trị văn hóa, lịch sử lớn lao, đền thờ Thượng tướng quân Nguyễn Biên được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 29-10-2003 theo Quyết định số 59/2003/QĐ-BVHTT.

Từ đó, ngôi đền đã trở thành điểm văn hóa tâm linh tiêu biểu của Hà Tĩnh, là nơi để nhân dân tưởng nhớ công ơn to lớn của vị tướng tài ba Nguyễn Biên. Tuy nhiên, trải qua mấy trăm năm tồn tại, do sự phong hóa của thời gian, ngôi đền ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Từ ngoài bước vào, cảm giác đầu tiên là sự lạnh lẽo, hoang tàn, cũ rích. Đến gần thì chúng tôi thấy các cột trụ của nhà bái đường đã bị mối mọt làm mục và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Phía trong ngôi đền, cổng tam quan và các bệ thờ bị phủ kín rêu xanh. Hai vì chính của mái nhà thượng điện bị dột, mỗi lần mưa gió các linh vật và đồ thờ đều bị nước mưa nhuộm ướt nên rêu xanh mọc phủ xung quanh. Câu đối hai bên đều bị mờ, quanh đền cỏ dại mọc um tùm.

Ông Lê Thiếu Kỳ – người trông nom ngôi đền xót xa chia sẻ: “Tôi ở đây hằng ngày phải chứng kiến ngôi đền ngày càng bị xuống cấp như thế này mà thấy xót lắm. Nếu đền không sớm được tu sửa, người dân không dám vào cúng viếng, khách tham quan cũng sợ không dám đến, các em học sinh, sinh viên không có nơi để tham quan học tập….”

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Tài – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Huy cho biết: Với nguồn ngân sách hạn hẹp, địa phương chỉ có thể tu sửa nhỏ, hư chỗ nào sửa chỗ đó. Xã đã làm tờ trình đề xuất lên cấp trên để xin kinh phí trùng tu nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. “Chúng tôi cũng mong muốn ngôi đền sớm được tu sửa khang trang cho xứng đáng với công lao mà Thượng tướng quân Nguyễn Biên đã đóng góp, đồng thời để cho bà con địa phương và du khách thập phương có nơi thờ cúng dâng hương, dâng hoa, báo công trong những ngày lễ, tết”- ông Tài chia sẻ.
HẠNH NGUYÊN

Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP