Di tích - Thắng cảnh

Đền ông Hoàng Mười 'đền Củi' bị "tư nhân hóa"

Suốt 18 năm qua, di tích lịch sử quốc gia đền Củi được UBND xã Xuân Hồng, H.Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho một cá nhân đấu thầu quản lý. Đến nay, mặc dù thời gian hợp đồng đã hết, nhưng cá nhân này vẫn cố thủ quản lý đền, chứ nhất định không chịu bàn giao cho nhà nước…


Đền Củi còn được gọi là đền chợ Củi, đền ông Hoàng Mười, thuộc địa phận xã Xuân Hồng, H.Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được xây dựng từ cuối triều Lê sơ. Đền có kiến trúc gồm ba tòa: hạ điện, chính điện và thượng điện, với các cung thờ tam tòa Thánh Mẫu (mẫu tam phủ), Ngũ vị Tôn ông, cung Hoàng Mười, cung Chầu Mười, cung Trần Triều (thờ Đức Thánh Trần).


Đền Củi được dân gian xưa truyền tụng là linh thiêng, nên khách thập phương đến rất đông để vãn cảnh, cầu an. Hằng năm ở đền Củi có 3 ngày đại lễ: ngày 3.3 âm lịch giỗ Đức thánh mẫu Liễu Hạnh; ngày 20.8 âm lịch giỗ Hưng Đạo Vương; ngày 10.10 âm lịch lễ hội Đức thánh Hoàng Mười. Đền Củi đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1993.


Trước đây xã Xuân Hồng đã cho gia đình ông Nguyễn Sỹ Quý ở xóm 2 “thầu” quản lý đền Củi với mức giá là 420 triệu đồng/năm. Việc làm của xã Xuân Hồng không được Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh đồng ý, nên sở này đã nhiều lần có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị chỉ đạo H.Nghi Xuân và xã Xuân Hồng chấm dứt tình trạng cá nhân thầu khoán di tích quốc gia đền Củi, đồng thời chỉ đạo huyện phải thành lập một ban quản lý đền theo quy định, chấm dứt hợp đồng với cá nhân ông Nguyễn Sỹ Quý.


Sau khi có sự chỉ đạo của cấp trên, năm 2011, H.Nghi Xuân đã thành lập ban quản lý đền Củi, nhưng suốt một năm ròng ban này chỉ nằm trên giấy tờ… Nguyên nhân dẫn dến việc ban quản lý không thể đi vào hoạt động, theo ông Nguyễn Xuân Hương, Trưởng phòng Văn hóa H.Nghi Xuân là do bản hợp đồng thầu đền Củi giữa xã Xuân Hồng với gia đình ông Nguyễn Sỹ Quý còn đang có hiệu lực.


Vì vậy, ban quản lý đã phải chờ đến ngày 31.12.2011, khi thời hạn hợp đồng kết thúc để xã Xuân Hông thanh lý hợp đồng với gia đình ông Quý. Tuy nhiên cho đến nay, gia đình ông Quý vẫn không chịu bàn giao đền cho ban quản lý.


Ông Trần Duy Đệ, Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng khẳng định hợp đồng thầu đền Củi giữa xã với gia đình ông Nguyễn Sỹ Quý đã hết, xã đã gửi thanh lý hợp đồng về cho gia đình nhưng ông Quý vẫn không chịu ký.


“Gia đình ông Quý cho rằng mình có công tu sửa, bảo vệ đền nên vẫn tiếp tục quản lý. Trước mắt gia đình họ đang thu lệ phí, tiền công đức ở đền. Vấn đền quản lý đền nay thuộc thẩm quyền của huyện, xã làm sai thì đã sửa khi chấm dứt hợp đồng với ông Quý”, ông Đệ nói.


Ông Nguyễn Hải Nam, Phó chủ tịch UBND H.Nghi Xuân thừa nhận: “Cái khó của chúng tôi gặp phải là sự chống đối quyết liệt của gia đình ông Quý cùng sự phản đối của người dân sống xung quanh đền. Khi huyện cho xây dựng nhà làm việc đã có một số người dân ra cản trở. Hiện chúng tôi đang cố gắng tuyên truyền, vận động người dân hiểu về luật di sản. Sẽ dùng mọi biện pháp để thay đổi mô hình quản lý di tích đền Củi”.




Trước đền Củi hiện nay có đặt tượng hai con sư tử bằng đá trắng theo phong cách mỹ thuật Trung Quốc, hoàn toàn không ăn nhập với cảnh quan và truyền thống kiến trúc Việt.



Bài, ảnh: Trương Hoa

Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP