Pháp luật

Đề xuất tù tại gia: Sử dụng chíp gì?

Cho phạm nhân thi hành án tại gia đình, được kiểm soát thông qua công nghệ sẽ không mang tính răn đe.

Nhiều băn khoăn

Ngày 15/11/2018, chia sẻ với Đất Việt, PGS.TS Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật & Phát triển cho biết, khái niệm "tù tại gia" nghe rất lạ, buồn cười ở khía cạnh pháp luật.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, có nhiều vấn đề chưa phù hợp với hình thức quản thúc, cải tạo tại cộng đồng. Hơn nữa, phương pháp tù tại gia còn gây ra tâm lý e ngại cho những người xung quanh khi nghĩ rằng những người phạm tội này có thể gây ra mối nguy hại cho cộng đồng bất cứ lúc nào.

PGS.TS Hoàng Ngọc Giao kể: "Những nơi mà tôi biết (ngay cả Mỹ) cũng không có chuyện "tù tại gia". Đã là tù thì phải là cách biệt với xã hội, ở Mỹ có hình thức gần như thế là quản thúc tại cộng đồng.

Tức là cho phạm nhân ở nhà nhưng phải trình diện thường xuyên, đi lao động công ích tại địa bàn sinh sống với những điều kiện rất nghiêm ngặt để kiểm soát.

Tuy thế, đấy cũng không hẳn được gọi là tù tại gia mà hình phạt này giống như Việt Nam đang áp dụng là cải tạo tại cộng đồng".

Tù tại gia vẫn còn nhiều băn khoăn khi áp dụng tại Việt Nam (Ảnh minh hoạ)

Một điều khác cũng được ông Giao quan tâm nếu tù tại gia ở Việt Nam đi vào hiện thực thì các phạm nhân sẽ được gắn loại chíp gì?

"Ở đây tôi hiểu rằng chíp là thiết bị điện tử để theo dõi. Nhưng giờ công nghệ hiện đại cũng có rất nhiều loại chíp, mà có chíp thì sẽ có người vô hiệu hoá được cái chíp đó. Khi đó có cần phải tăng thêm cán bộ trại giam để phân công quản lý phạm nhân khi họ đang ở chính gia đình họ hay không?

Làm thế nào để tránh tình trạng phạm nhân vô hiệu hoá chíp hay tạo ra không gian giả như đang ở nhà nhưng thực chất là bay nhảy khắp các nơi?" - PGS.TS Hoàng Ngọc Giao băn khoăn.

Ngoài ra, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật & Phát triển cũng đặt ra câu hỏi về tiêu chí ai là người được tù tại gia? Trong khi vấn đề tham nhũng khiến người dân luôn bức xúc trong thời gian qua, sẽ rất có thể xảy ra tình trạng người có chức, có tiền khi phạm tội sẽ được hưởng tù tại gia. Như vậy, tác dụng răn đe của pháp luật không còn!

Ông Giao đánh giá, đề xuất tù tại gia là ý kiến của cá nhân hay của một chủ trương cụ thể nào thì cũng sẽ không ổn khi áp dụng ở Việt Nam. Thứ nhất là không đảm bảo tính răn đe, thứ hai là bối cảnh của Việt Nam hiện nay có nhiều vấn đề nên không thể bê quy định của các nước rồi về áp dụng.

Giải quyết vấn đề từ gốc

"Có ĐBQH nói lý do áp dụng tù tại gia là do nhà tù chật, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Từ đó cho thấy chủ trương tư pháp hay giải quyết án hình sự còn nhiều bất cập.

Chưa có thống kê nào cho thấy các phạm nhân có trong nhà tù của chúng ta từ trước đến nay có bao nhiêu % là bị oan sai? Trong những vụ án hình sự, bao nhiêu vụ án bị can được toà tuyên vô tội?

Tiếng nói của luật sư có được lắng nghe một cách khách quan và xem xét toàn diện để đưa ra lời tuyên án theo hướng tích cực cho các bị cáo? Nếu giải quyết được bất cập này thì chắc chắn số phạm nhân phải ngồi sẽ giảm đi" - PGS.TS Hoàng Ngọc Giao đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Một vấn đề nữa được PGS.TS Hoàng Ngọc Giao đưa ra từ bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Tại Mỹ đang áp dụng hình thức thoả thuận giảm án, tức là nếu tội phạm phạm tội rõ ràng nhưng đương sự chối không nhận thì luật sư có thể là nơi trung gian kết nối, thoả thuận giữa đương sự và toà án.

Luật sư sẽ thuyết phục đương sự nhận tội để được giảm án, bởi chứng cứ rõ ràng rồi, điều đó sẽ tránh kéo dài thời gian xét xử.

"Nếu làm được điều này thì sẽ đỡ rất nhiều thời gian kéo dài xét xử từ sơ thẩm, kháng án, phúc thẩm hay giám đốc thẩm... Việc giảm án cho những bị can thành khẩn nhận lỗi cũng tạo điều kiện cho nhà tù đỡ chật hẹp, đỡ tốn ngân sách hơn" - ông Giao cho biết.

Tác giả: Vân Hưng

Nguồn tin: Báo Đất Việt

  Từ khóa: tù tại gia , gắn chíp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP