Hot trong nước

Đề xuất thu phí vỉa hè tại Hà Nội và TPHCM: Để tránh lộn xộn, bảo kê ngầm!

Hà Nội và TPHCM đang trong chiến dịch ra quân dọn dẹp lại trật tự trên vỉa hè. Tại nhiều tuyến phố ở 2 thành phố lớn này, vỉa hè đã thông thoáng, sạch quán hàng rong. Tuy nhiên, có ý kiến đề xuất nên sắp xếp lại hợp lý để dành một phần vỉa hè cho người đi bộ, một phần để kinh doanh, buôn bán. Lao Động đã ghi nhận các ý kiến từ các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế về đề xuất này.

Lực lượng liên ngành phá bỏ bục bệ lấn chiếm vỉa hè trên phố Nguyễn Khuyến (Hà Nội). Ảnh: HẢI NGUYỄN

TS Nguyễn Sỹ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Nên thu phí nhưng phải minh bạch

Việc khai thác vỉa hè để thu phí thì trước hết phải đặt vấn đề, hiện nay cấm nhưng có cấm được không? Cấm nhưng vỉa hè vẫn bị chiếm dụng để kinh doanh. Đặt giả thiết nếu cấm kinh doanh vỉa hè thì sẽ xảy ra khả năng người kinh doanh sẽ chịu phạt, nhưng nếu không ra vỉa hè buôn bán thì sẽ chịu đói. Với hai khả năng này, thì khả năng chịu phạt sẽ cao hơn, chứ không chịu đói. Người buôn bán trên vỉa hè đã xác định kiếm sống trên vỉa hè thì sẽ phải sống, bây giờ nếu theo ý tưởng thu phí vỉa hè thì nghĩa là Nhà nước cho phép một khoảng không gian để kiếm sống thì đương nhiên những người kinh doanh sẽ chấp hành. Hiện nay có thực trạng người được giao nhiệm vụ quản lý vỉa hè nhận tiền bảo kê của những người buôn bán trên vỉa hè. Nếu cách làm công khai thì việc bảo kê vỉa hè sẽ hạn chế được. Còn nếu cứ cấm tuyệt đối thì nhu cầu buôn bán trên vỉa hè vẫn phát sinh và tạo điều kiện cho những người được giao trực tiếp trách nhiệm quản lý vỉa hè, lòng đường thu phí bảo kê.

Nếu làm hợp lý sẽ rất tốt, sẽ quy hoạch rõ ràng những nơi có thể kinh doanh được thì nên cho, nếu vỉa hè rộng mà đáp ứng cả hai nhu cầu, cho người đi bộ và kinh doanh thì nên khuyến khích, sắp xếp lại mới đẹp. Phải chia vạch theo quy chuẩn để không nhếch nhác. Nếu thu phí vỉa hè thì phải giao nhiệm vụ cho chính quyền cơ sở. Chính quyền cơ sở như phường, quận phải lo các dịch vụ công ích như dọn dẹp vỉa hè, tu sửa vỉa hè thì thu phí vỉa hè cũng là nguồn thu đáng kể. Có thể quy định mức phí thành phố cho phù hợp, quan trọng tiền vào ngân sách, các khoản thu phải minh bạch, thu rõ và chi cũng rõ.

TS Nguyễn Minh Phong – chuyên gia Kinh tế: Phải khảo sát từng vỉa hè để hoạch định

Thực tế cuộc sống đặt ra vấn đề vỉa hè có nhu cầu cho người đi bộ, vừa có nhu cầu người kinh doanh và cả dịch vụ trông giữ xe. Theo tôi, nếu dẹp vỉa hè thì nên sắp xếp lại để hài hòa các lợi ích. Nghĩa là vỉa hè vừa tiếp tục cho thuê, vừa dành đường cho người đi bộ, vẫn đảm bảo văn minh đô thị, đảm bảo văn minh thương mại. Để làm được việc đó thì cần phải khảo sát từng khu phố, từng vỉa hè để có những hoạch định cụ thể. Vẫn có chỗ để xe, vẫn có chỗ đi bộ, vẫn có chỗ bán hàng. Phải công khai các mức thuế, từ thu phí gửi xe, thu phí vỉa hè. Hiện nay xảy ra tình trạng để xe lộn xộn nhưng vẫn phải để, thứ hai, vỉa hè bị bảo kê ngầm, còn người đi bộ thì không có vỉa hè để đi. Cần công khai nhìn thẳng vào vấn đề để hài hòa lợi ích.

TS Dư Phước Tân – Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Nên thành lập Cty quản lý khai thác quỹ vỉa hè đô thị

Theo tôi, quan điểm xuyên suốt và bao trùm khi giải quyết vấn đề này là “không thể xóa bỏ hoàn toàn những hoạt động kinh tế trên vỉa hè”, mà cần xác định quan điểm giải quyết là “không xóa bỏ, chỉ nên sắp xếp lại sao cho trật tự, theo các tuyến đường cho phép kinh doanh và quy định thời gian kinh doanh để bảo đảm hài hòa giữa một bên là vấn đề mưu sinh của người dân và một bên là trật tự, mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng do hiện tượng lấn chiếm vỉa hè gây ra và nhất là ảnh hưởng đến người đi bộ.

Chính quyền cũng nên nghĩ đến việc thành lập công ty quản lý và khai thác quỹ vỉa hè đô thị. Công ty này có thể tận dụng đơn vị hiện có là công ty công ích của các quận, huyện. Công ty này có trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng… và phối hợp với các công ty về hạ tầng khác trong đô thị trong việc cải tạo chỉnh trang đô thị. Đồng thời, việc này cũng tạo ra nguồn thu rất lớn cho TP thông qua việc tổ chức khai thác vỉa hè.

Để có luận cứ đề xuất, thử tính toán sơ khởi một số lợi ích mang lại. Hiện nay, toàn TPHCM có khoảng 3.600km đường giao thông. Nếu lấy bình quân 6m vỉa hè hai bên đường toàn TP, sẽ có khoảng 21,6 triệu mét vuông diện tích vỉa hè. Nếu sử dụng khoảng 30% diện tích có giá trị khai thác (như đậu xe, bán hàng rong, bố trí ghế ngồi nghỉ, bảng quảng cáo, quầy bán hoa, mỹ phẩm…), ước có khoảng 6,5 triệu mét vuông vỉa hè có giá trị kinh doanh. Nếu tính mức cho thuê 50.000 đồng/m2/tháng, ước tính nguồn thu sẽ là 3.250 tỉ đồng/năm (theo ước lượng 50.000 đồng/m2/tháng x 6,5 triệu m2 x 10 tháng). Với nguồn thu như vậy, công ty này sẽ thuê các chuyên gia nghiên cứu văn hóa trục đường, phát triển kinh doanh vỉa hè, phù hợp kinh nghiệm quản lý vỉa hè của các nước phát triển.

TS Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao Thông: Phải có giám sát để tránh lặp lại bảo kê vỉa hè!

Vỉa hè là của Nhà nước, là của người dân. Có thể tùy theo tuyến phố, nơi nào mà vỉa hè rộng thì có thể cho thuê hoặc cho người dân tự sử dụng và tiền đó để vào công quỹ. Nếu có chủ trương và làm được đây cũng là hành động tương đối nhân văn đối với người nghèo. Tuy nhiên, việc này phải được minh bạch, hợp lý, có sự giám sát để tránh việc bảo kê. Việc giải phóng vỉa hè hay không giải phóng vỉa hè là do chính quyền. Từ xưa đến nay, việc này có khi làm có khi không. Khi làm thì làm rộn rã, sôi nổi, nhưng sau đó đâu lại vào đó. Tại Hà Nội và TPHCM, có hàng vạn người sống dựa vào vỉa hè… gần như có người nuôi cả gia đình dựa vào chỗ buôn bán đó, trong khi hạ tầng chưa có, các chợ chưa đáp ứng hoặc giá thuê quá cao, xây dựng không hợp lý. Và do đó người dân dựa vào vỉa hè sống dù điều này là sai lý nhưng có sự tiếp tay của chính quyền, tiêu cực… Vị chuyên gia cũng cho rằng, trong giai đoạn quá độ, nên chăng ở chỗ vỉa hè quá rộng cần có vạch vôi mang tính pháp lý để người dân để xe và buôn bán bên trong. Theo tôi có 4 giải pháp cần làm là phải có nơi gửi xe cho người dân; Có nơi buôn bán cho người nghèo; Tận dụng vỉa hè hợp lý, nơi rộng có thể cho người dân kinh doanh và cuối cùng là phải giám sát thường xuyên, xử lý ngay đối với hành động lấn chiếm vỉa hè.

THÔNG CHÍ – NGỌC ANH/Theo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP