Trong nước

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm 450.000 đồng

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vừa cho biết kết quả khảo sát của đơn vị này về tiền lương, thu nhập cho thấy đời sống của người lao động năm 2017 vẫn còn nhiều khó khăn, cần phải được cải thiện.

Cụ thể, có 51,3% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12,0% thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% người lao động là có thể có tích lũy từ thu nhập.

Đặc biệt, một số ngành có tiền lương, thu nhập thấp đã xảy ra hiện tượng "đình công", đơn cử như ngành dệt may 69 cuộc (chiếm gần 51,8%), giày da có 30 cuộc (chiếm gần 22,5%).

Trong khi đó, đánh giá mức độ hài lòng với tiền lương và thu nhập, kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 22,7% người lao động cảm thấy hài lòng; 52,4% tạm hài lòng; 24,9% không hài lòng. Ngoài ra, có tới 54 % người lao động cho rằng tiền lương, tiền công của họ không tương xứng với sức lao động của họ đã bỏ ra.

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, kết quả khảo sát cũng cho thấy hầu hết các khoản thu nhập của người lao động phải trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Nếu không có các khoản làm thêm giờ, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp thì tiền lương của người lao động rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy.

Từ kết quả khảo sát trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 từ 370.000 đến 450.000 đồng, tương ứng với 13,3% so với mức lương tối thiểu năm 2017.

Trước đó, ngày 27-6, Hội đồng tiền lương quốc gia họp phiên đầu tiên bàn mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Nhiều phương án tăng lương khác nhau được đưa ra để các bên cùng thảo luận.

Bộ phận kỹ thuật Hội đồng đưa ra 3 mức, cụ thể tăng từ 130.000 đồng đến 180.000 đồng (5%); hai là 160.000 đồng - 220.000 đồng (6%) và 180.000 đồng - 250.000 đồng (6,8%).

Tuy nhiên, căn cứ đời sống người lao động như trên, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức tăng tuyệt đối 370.000 đồng - 450.000 đồng (13,3%). Trong khi đại diện giới chủ - Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng doanh nghiệp đang phải cạnh tranh gay gắt, sản xuất thu hẹp nên đề xuất mức tăng dưới 5% là hợp lý.

"Mức dưới 5% như đề xuất của VCCI chỉ đảm bảo bù trượt giá, tức là không tăng. Trong khi lương tối thiểu vùng dù được điều chỉnh tăng hàng năm vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động", đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam khẳng định.

Sau thảo luận, các bên thống nhất mức tăng cần hài hòa lợi ích, vừa giải quyết khó khăn của người lao động, vừa phù hợp khả năng của doanh nghiệp để nâng sức cạnh tranh. Vì vậy, mức tăng sẽ được hội đồng họp và điều chỉnh dần qua các phiên tiếp theo trong thời gian tới.

Mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng từ 180.000-250.000 đồng. Tính bình quân chung, bốn vùng tăng 213.000 đồng, bằng 7,3% so với năm 2016.

Tác giả: VIẾT LONG

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP