Sáng 4/10/2015, trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội 2015 diễn ra ở Hoàng Thành Thăng Long, Nhà xuất bản TT&TT đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tham vọng độc chiếm Biển Đông”.

Tại tọa đàm, GS.TS Trần Ngọc Vương, chủ biên của cuốn sách “Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 và tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông” vừa được Nhà xuất bản TT&TT phát hành, đã chia sẻ với công chúng câu chuyện: “Phía Trung Quốc viện lý rằng tên gọi Biển Nam Trung Hoa là sở cứ chứng minh khu vực này là của Trung Quốc từ lâu đời rồi. Song thực tế, các tên gọi của biển, đại dương đều do giới hải hành ngày xưa đặt ra, thường lấy các trung tâm địa lý quan trọng nhất mà giới tư bản đi buôn hướng đến làm trục quy chiếu để đặt tên. Tên gọi Biển Nam Trung Hoa cũng do giới chủ nghĩa tư bản đi buôn phương Tây đặt ra với ý nghĩa đây là vùng biển gần với Trung Quốc về phía Nam. Cũng tương tự với cách đặt tên như vậy, Việt Nam gọi tên khu vực biển này là Biển Đông, còn người Philippines lại gọi là Biển Tây Philippines”.

GS.TS Trần Ngọc Vương còn cho biết: “Gần đây, Viện Nghiên cứu văn hóa biển đang kiến nghị đổi tên gọi Biển Đông để khỏi gây hiểu nhầm. Tôi cũng đồng ý nên đổi thành Biển Đông Nam Á vì có 6 – 7 nước khác liên quan đến vùng này. Trong tương lai còn thêm vài nước khác nữa cũng muốn tham gia vào dù không nói đến chủ quyền biển. Để bảo đảm tính quốc tế, trung tính, tốt nhất nên gọi tên là Biển Đông Nam Á. Việc xác định trên thực địa về thực tế lãnh hải, chủ quyền thì tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế”.
Hatinh24h 01
GS.TS Trần Ngọc Vương phát biểu tại Tọa đàm sáng 4/10/2015. Ảnh: B.M

Tại tọa đàm, những nhà nghiên cứu hàng đầu về Biển Đông còn phân tích rất nhiều vấn đề nóng hổi của tình hình Biển Đông, giúp công chúng có thêm nhiều kiến thức, dữ liệu trung thực, khách quan, nhiều mặt về tình hình Biển Đông, những sở cứ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Đặc biệt là có thể đi sâu lý giải, vạch trần âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc từ góc độ văn hóa, lịch sử….

Đáng chú ý, GS.TS. Trần Ngọc Vương đưa ra một loạt sở cứ để khẳng định Trung Quốc không có chủ quyền ở Biển Đông. “Kể từ lúc hình thành đến gần đây, bản chất thể chế ở Trung Hoa là 1 đế chế lục địa (9/10 đại đế vương của Trung Quốc là người gốc phương Bắc, ở vùng lục địa, đồng bằng, thảo nguyên, chứ không phải gốc duyên hải). Trong toàn bộ lịch sử Trung Quốc chỉ có giai đoạn ngắn khoảng vài chục năm mới có được những đội hải thuyền và những nhân vật hoạt động trên biển có quy mô lớn. Nhưng kết quả của những chuyến hải hành đó đã bị hủy diệt bởi chính sách của nhà Minh.

Từ cuối thế kỷ XIX, lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rằng nếu muốn trở thành một cường quốc thì tiền đề bắt buộc là phải trở thành một quốc gia biển, đế chế biển. Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuống hạm đội Nam Hải và công bố khát vọng hình thành đế chế biển. Lần đầu tiên một cách chính thống, Tập Cận Bình trình bày chiến lược “nhất đới nhất lộ”, và 2 năm gần đây bắt đầu triển khai với tên gọi là “Con đường tơ lụa trên biển””, GS. TS Trần Ngọc Vương phân tích.

GS.TS Trần Ngọc Vương lưu ý, “điểm cực nam của “đường lưỡi bò” do Trung Quốc đặt ra còn cách đường đất liền của Trung Quốc hàng nghìn hải lý, không có công ước quốc tế nào cho phép một quốc gia thực hiện chủ quyền biển của mình theo cách như vậy. Trong khi đó, Việt Nam là 1 trong 11 quốc gia không phải đảo quốc nhưng có tỷ lệ đường bờ biển trên diện tích lãnh thổ cao nhất thế giới. Theo cách tính của Liên hợp quốc, Việt Nam có tới 3.440 cây số bờ biển. Cứ trung bình 100 cây số vuông thì Việt Nam có 1 cây số bờ biển, đấy là tỷ lệ rất cao. Tỷ lệ này là một trong những sở cứ để quy định chủ quyền trên biển của Việt Nam ở khu vực Biển Đông”.

Bình Minh / Infonet