Giáo dục

'Đề thi học sinh giỏi Toán quốc gia hời hợt, sao chép đề cũ'

Nhiều giáo viên, chuyên gia Toán học nhận xét đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán năm 2019 quá dài và khó, được sao chép, tham khảo từ nhiều đề thi trước đó.

TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng hàng năm, ông và cộng sự vẫn giải và bình luận đề thi học sinh giỏi, góp thêm tài liệu tham khảo cho học sinh và thầy cô giáo.

Năm nay, các thành viên của nhóm ông không có hứng giải và bình luận về đề thi. Xét trên góc độ sáng tạo, mới mẻ, đề thi học sinh giỏi năm 2019 rất chán, sao chép, cắt ghép quá nhiều.

"Ngoài bài 1 và 4 tạm thời không có vấn đề, các bài 2, 3, 5, 6, 7 đều sao chép hoặc mở rộng quá gần của các bài toán cũ, với những mức độ khác nhau. Trong đó, rõ nhất là bài 3 (Putnam 1985 và xuất hiện trong nhiều tài liệu, ngay cả chữ Gamma cũng giữ nguyên). Bài 5, 6, 7 đều sao chép từ đề thi của nước khác hoặc kỳ thi trước đó. Bài 2 được nhào nặn từ vài bài toán và đặc biệt 2 ý a và b gần như không liên quan nhau", TS Dũng phân tích.

Chung quan điểm với ông Trần Nam Dũng, ông Nguyễn Khắc Minh, Phó tổng biên tập thường trực của Tạp chí toán học Pi, cho rằng đề thi học sinh giỏi môn Toán năm nay sao chép, cắt ghép từ các bài toán cũ quá nhiều, cách ra đề hời hợt, không đầu tư. Chất lượng đề thi sẽ ảnh hưởng nhiều công tác tuyển chọn học sinh giỏi thi quốc tế.

Một số em giỏi hơn có thể bị rớt, nhường chỗ cho thí sinh may mắn trúng tủ. Đương nhiên, đa số học sinh giỏi vẫn vượt qua nhưng bạn thông minh mà học ít sẽ khó với đề thi này, vì thời gian quá ít, khó đủ để phân tích giải hết.

"Đề Toán năm nay quá khó, dài, mẹo mực, hoàn toàn không phù hợp tính chất của kỳ thi. Đề quá khó như thế này sẽ làm nản phong trào học sinh giỏi ở các tỉnh. Thi học sinh giỏi không cần thiết phải ra đề khó như vậy", ông Minh nói.

GS.TS Phùng Hồ Hải cho rằng bài toán số một trong đề là dành cho sinh viên, không phù hợp kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

TS Trần Nam Dũng cho rằng đề thi học sinh giỏi Toán năm 2019 không tốt.

"Đa số học sinh vùng sâu, xa sẽ không giải được bài này, dẫn đến trắng bảng. Phổ điểm thi năm nay e rằng xấu", GS Hải dự đoán.

Theo TS Trần Nam Dũng, các nước trên thế giới cũng tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia, đề Toán ra trắc nghiệm hoặc tự luận nhưng minh bạch. Nếu tham khảo, họ ghi nguồn, còn sáng tác thì để tên tác giả. Cách ra đề thi minh bạch nên không ai dám sao chép hay lộ đề.

Người đoạt huy chương bạc Olympic Toán quốc tế 1982 cũng cho rằng với tính chất quan trọng của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hàng năm, chất lượng đề thi nên tương ứng. Việc ra đề thi chọn học sinh giỏi phải được đầu tư kỹ lưỡng. Ngoài việc phải đảm bảo tính chính xác khoa học, tính sư phạm, đề thi còn phải có tính mới, gợi mở, chưa từng được sử dụng.

Theo đó, học Toán nói riêng và các môn khoa học nói chung, nhất là ở mức học sinh giỏi, là khám phá, sáng tạo, cần có những bài toán mới. Khi đề thi sao chép đề cũ, một mặt sẽ tạo lợi thế cho các bạn "biết nhiều", mặt khác tiếp tục tạo ra cuộc đua "giải bài càng nhiều càng tốt" - cách học phản sư phạm.

"Tôi nghĩ với cách ra đề thiếu đầu tư như vậy, chúng ta sẽ làm hỏng định hướng của phong trào học sinh giỏi. Cách học "lãng mạn" theo hướng căn bản, sáng tạo, rèn luyện tư duy (bài 1 đáp ứng được yêu cầu này) sẽ bị cách học "thực dụng" nhồi thật nhiều bài lấn lướt", ông Dũng nêu quan điểm.

Tác giả: Minh Nhật

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP