Trong nước

Đề nghị đưa Trụ sở Tiếp công dân Trung ương vào diện bảo vệ của công an

Ban Tiếp công dân Trung ương đã làm hồ sơ gửi Bộ Công an để đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và TPHCM vào diện mục tiêu bảo vệ của lực lượng cảnh sát nhân dân.

Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp.

Tình hình khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2016

Theo báo cáo tổng kết năm 2017 của Ban Tiếp công dân Trung ương, tình hình khiếu nại, tố cáo vượt cấp đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã giảm so với năm 2016 cả về số lượt công dân, số lượng đơn thư và số lượt đoàn đông người. Mặc dù vậy, tình hình khiếu nại của công dân trong phạm vi cả nước cũng như tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (Hà Nội và TPHCM) vẫn diễn biến phức tạp.

Một số đoàn công dân khiếu kiện đông người lên Trung ương có sự tổ chức chặt chẽ, thái độ bức xúc, manh động, sẵn sàng có hành vi gây mất an ninh, trật tự nhằm gây sức ép đối với các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương. Công dân thường xuyên tập trung tại cổng các cơ quan trung ương, nhà riêng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đòi được giải quyết.

“Nhiều trường hợp công dân đã nhắn tin, gọi điện thoại đến máy bàn và điện thoại di động của lãnh đạo, công chức Ban Tiếp công dân Trung ương đòi giải quyết và đến nhà riêng Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương căng băng rôn, hô khẩu hiệu, la hét yêu cầu giải quyết vụ việc, gây mất an ninh trật tự tại khu dân cư”- báo cáo cho hay.

Mặc dù tình hình an ninh, trật tự tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã có nhiều chuyển biến so với năm 2016 nhưng vẫn còn tình trạng công dân khiếu kiện có hành vi gây rối an ninh trật tự, lăng mạ, xúc phạm danh dự cán bộ, công chức tiếp dân khi không đạt được mục đích. Thậm chí đe dọa tính mạng và tấn công cán bộ tiếp dân, gây tâm lý hoang mang lo lắng cho công chức hiện đang làm việc tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương.

Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và TPHCM đã phối hợp với các lực lượng an ninh của Bộ Công an, Công an TP Hà Nội, TPHCM và các địa phương có công dân khiếu kiện thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự tại Trụ sở và các địa điểm diễn ra kỳ họp Quốc hội, trụ sở của các cơ quan Trung ương và nhà riêng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Ban Tiếp công dân Trung ương cũng đã làm hồ sơ gửi Bộ Công an để đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và TPHCM vào diện mục tiêu bảo vệ của lực lượng cảnh sát nhân dân.

Cơ quan này cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục làm thủ tục đề nghị tặng Huân chương lao động Hạng 2 cho ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương.

Một số cán bộ còn thiếu nhiệt tình trong công việc

Trong năm 2017, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã tiếp trên 14.000 lượt người đến trình bày gần 4.700 vụ việc. Qua xem xét hồ sơ, có 1.770 việc (37,7%) chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; 2.919 việc (chiếm 62,3%) đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

“Nhìn chung chất lượng tiếp công dân, ban hành văn bản hướng dẫn, chuyển đơn đã được cải thiện rõ rệt, hạn chế tình trạng chuyển đơn về địa phương đối với những vụ việc không còn cơ sở để xem xét kiểm tra, rà soát. Nhiều vụ việc được nghiên cứu sâu và có hướng xử lý thích hợp đã khôi phục được quyền lợi cho công dân, đồng thời việc giải thích cho công dân cũng được thấu đáo”- báo cáo nêu rõ.

Ban Tiếp công dân Trung ương đã tập trung đôn đốc một số vụ việc công dân khiếu nại kéo dài và trực tiếp làm việc với địa phương để đôn đốc giải quyết đối với một số vụ việc chậm, chưa giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa đảm bảo quyền lợi cho công dân (khiếu nại của ông Nguyễn Văn Ngọc tại Kim Sơn, Ninh Bình; khiếu nại của ông Nguyễn Đình Tu tại Yên Định, Thanh Hóa,...). Các vụ việc trên đã được UBND tỉnh kiểm tra, rà soát và điều chỉnh việc giải quyết theo hướng đảm bảo hơn đối với quyền lợi của công dân.

Tuy vậy cơ quan này cũng thừa nhận những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư còn chậm được khắc phục: Chưa xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân và xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác theo dõi, đôn đốc, nắm tình hình khiếu nại, tố cáo của địa phương chưa được thực hiện hiệu quả; công tác tham mưu, tổng hợp vẫn còn một số việc chậm, chưa nắm sát tình hình, số liệu báo cáo, thống kê chưa khoa học,...

“Một số cán bộ, công chức chưa thực sự chủ động, tập trung nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, tự trau dồi nâng cao kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng giao tiếp với công dân, thiếu nhiệt tình trong công việc dẫn đến kết quả còn hạn chế”- Ban Tiếp công dân Trung ương thừa nhận.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP