Giáo dục

Dạy trẻ đâu cần quát mắng, đòn roi

Quát mắng, đòn roi khi trẻ ngang bướng, không nghe lời là cách dạy con của đa số phụ huynh. Vậy đây có phải là cách dạy để con khôn ngoan hơn?

Cần kiên nhẫn nghe hết những điều trẻ nhỏ trình bày - Ảnh minh họa: Châu Anh

Dạy con chưa bao giờ là việc dễ dàng. Ngay cả khi chúng ta có kiến thức, có phương pháp, nhưng nếu thiếu sự kiềm chế thì có thể lợi bất cập hại. Một trong những phương pháp sai lầm là giáo dục con bằng cách quát mắng và đòn roi.

Các mối nguy hại

Quát mắng, đòn roi là phương pháp giáo dục được phụ huynh lựa chọn nhiều nhất khi... bất lực với con cái. Phương pháp này nếu sử dụng có tiết chế, lựa chọn đúng thời điểm và tình huống cũng như đảm bảo tính chất “đánh đòn cho tỉnh, mắng cho ngộ ra” thì sẽ mang lại hiệu quả trong việc 
giáo dục con.

Tuy nhiên, theo ThS tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung: “Việc quát mắng, đánh đòn con vô tội vạ, mọi lúc mọi nơi của các bậc phụ huynh sẽ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn”.

Còn theo chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ: “Ở lứa tuổi 0-6, trẻ rất dễ bắt chước người lớn. Vì vậy khi thấy người lớn làm như thế nào thì trẻ làm giống như thế”.

Trường hợp cha mẹ của trẻ là người dễ nóng giận, thường la mắng rồi đánh con thì trong tương lai con của họ có thể dùng những cách ứng xử “copy” từ cha mẹ để giải quyết những vấn đề mình gặp phải.

Bà Huệ giải thích lứa tuổi 0-6 là giai đoạn trẻ đang trong quá trình học hỏi để xử lý các tình huống, giải thích các sự kiện, trình bày các vấn đề. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không kiên nhẫn nghe con giải thích, không tạo cơ hội để con trình bày, giải quyết vấn đề mà vội la mắng, đánh con; sau này đứa trẻ lớn lên sẽ không biết giải quyết rắc rối trong hòa bình, mà thường dùng hành động. Ví dụ, trẻ sẽ đánh bạn khi bạn lấy đồ chơi.

Bà Nhung cho biết thêm khi phụ huynh thường sử dụng bạo lực với con, với những đứa trẻ nhạy cảm sẽ trở nên thiếu tự tin vào bản thân, mặc cảm với chính mình; với trẻ có khí chất nóng nảy có thể trở nên hung hăng, dễ cáu giận và có xu hướng tái hiện những điều mà bản thân đã trải qua với người khác. Cá biệt có những trường hợp nặng, trẻ sẽ dẫn đến trầm cảm.

Dạy con đúng cách

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ chia sẻ: “Phụ huynh cần kiên nhẫn nghe hết những điều con trình bày, giải thích. Đồng thời phụ huynh nên hướng dẫn tỉ mỉ và cụ thể cho con thực hiện các yêu cầu của mình”.

Phụ huynh cần phải tìm hiểu xem con mình thuộc xu hướng tâm lý nào, khí chất gì, dễ bị tác động vì điều gì và cách tiếp cận nào với con là phù hợp nhất. Sau đó, phụ huynh sắp xếp những cuộc trò chuyện thân tình hay thẳng thắn với con thì trẻ sẽ dễ nghe lời, gần gũi cha mẹ hơn.

Thông qua các vấn đề con đang gặp phải, phụ huynh có thể học hỏi để hoàn thiện vai trò làm cha làm mẹ của mình.

“Các phụ huynh có thể tham khảo nhiều nguồn tài liệu, nhiều kiến thức khác nhau về nuôi dạy con. Nhưng không nên thấy cái gì hay là áp dụng ngay” - ThS tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung chia sẻ.

Kiến thức, kỹ năng và thái độ giáo dục của phụ huynh sẽ chỉ phát huy tác dụng khi phù hợp với đặc điểm cá nhân tổng thể của đứa trẻ.

Từ 0-6 tuổi là giai đoạn thuận lợi để giáo dục trẻ, phụ huynh có thể tham khảo một vài gợi ý sau:

Theo ThS tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung, nên khuyến khích trẻ đặt câu hỏi và trả lời trẻ cặn kẽ, khoa học bằng ngôn từ dễ hiểu; hoặc cùng trẻ thảo luận về vấn đề mà trẻ băn khoăn. Những điều này sẽ khích lệ trẻ tưởng tượng cũng như phát triển năng lực ngôn ngữ và trình bày vấn đề của mình.

Bà Huệ cho biết thêm phụ huynh có thể bổ sung vốn từ ngữ cho con thông qua các câu chuyện từ sách vở, cuộc sống xung quanh, từ đó giúp con có vốn từ ngữ phong phú để hiểu và phát huy hơn những ý tưởng của mình.

Cho con tham gia các hoạt động cùng với bạn bè tại trường học, các câu lạc bộ... để con có cơ hội quan sát và học hỏi, được thực hành những ý tưởng của mình.

Ngoài ra, phụ huynh cần lưu ý về sự kiên nhẫn của mình với trẻ cũng như trau dồi kiến thức, phương pháp tiếp cận trẻ để việc giáo dục thực sự hiệu quả.

Phạt con một cách khoa học

Khi con mắc lỗi, cha mẹ nên phạt con một cách khoa học. Điều quan trọng nhất là cha mẹ phải giữ bình tĩnh, không đánh mắng con trong lúc đang nóng giận. Lúc này phụ huynh khó kiểm soát được cảm xúc và chính sự nóng nảy của phụ huynh làm trẻ có những phản ứng tiêu cực.

Ví dụ khi con đánh bạn, thay vì ngay lập tức chỉ trích, lên án hay đánh mắng con, cha mẹ nên ngồi lại nói chuyện với con để tìm hiểu tại sao con có những hành vi đó. Khi hiểu rõ cảm xúc của con, lý do con hành xử như vậy, cha mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc phân tích, giải thích để trẻ nhìn nhận đúng sai, từ đó có thể tự điều chỉnh hành vi mà không nhất thiết phải cần sự trừng phạt của cha mẹ.

ThS tâm lý Vũ Cẩm Vân

Tác giả: Xuân Mai

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP