Trong nước

“Đầu tàu” xóa đói nghèo ở biên giới Hương Khê

Đứng chân trên địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Tĩnh, những năm qua, Đồn BP Bản Giàng đã trở thành điểm tựa vững chắc cho đồng bào các dân tộc 3 xã biên giới Hương Lâm, Hương Liên, Hương Vĩnh (huyện Hương Khê) trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Sự chung tay nỗ lực của các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã “vực” các bản làng nghèo khó trở thành những điểm sáng trên biên giới.





Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Võ Hồng Hải, Đồn trưởng Đồn BP Bản Giàng cho biết: Trước thực trạng đời sống nhân dân trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, đơn vị xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, chăm lo cuộc sống cho nhân dân với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nổi bật trong công tác này là việc đơn vị trực tiếp thực hiện dự án bảo tồn tộc người Chứt ở bản Rào Tre và bản Giàng 2 (xã Hương Liên). Các đội công tác cắm bản bám dân, tuyên truyền vận động nhân dân định canh, định cư, hướng dẫn bà con cách trồng lúa nước, trồng hoa màu, làm kinh tế vườn, rừng và chăn nuôi, xóa mù chữ, khám chữa bệnh cho nhân dân. Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường công tác phối hợp với các cấp, các ngành đoàn thể địa phương tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiêu biểu là các chương trình, các cuộc vận động của địa phương như: “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Xây dựng làng, xã vững mạnh toàn diện, cụm tuyến an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu”.


Từ những nỗ lực xóa đói giảm nghèo cho bà con biên giới, nhiều mô hình kinh tế đã được đưa vào ứng dụng phát huy hiệu quả rõ nét như: Mô hình xóa bỏ vườn tạp, trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, Ban chỉ huy đồn đang tập trung tham mưu cho tỉnh Hà Tĩnh và huyện Hương Khê đưa các chương trình 134,135 và 30a đi vào cuộc sống bằng việc giao đất, giao rừng cho nhân dân, đưa cây cao su vào trồng trên rừng “nghèo”, tiến tới xoá đói giảm nghèo bền vững cho bà con.


Con đường dẫn vào Bản Giàng 2 được rải nhựa phẳng lỳ. Ngay đầu bản là ngôi trường tiểu học và mầm non được BĐBP xây dựng kiên cố. Điện lưới quốc gia kéo vào từng nhà. Nhưng ấn tượng hơn cả là những mái ngói đỏ tươi trong bản được bao bọc bởi những vườn cây xanh bố trí khoa học với các loại cây mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Bản có 38 hộ, 154 nhân khẩu, nay chỉ còn 5 hộ thuộc diện nghèo (theo tiêu chí mới). Trưởng bản Dương Văn Long vui mừng bộc bạch về sự thay đổi của bản làng: “Tôi làm trưởng bản đã 40 năm tròn, chứng kiến những bước thăng trầm của bản và đến bây giờ thực sự hạnh phúc vì bản làng đã có sự thay đổi vượt bậc. Nhờ BĐBP giúp đỡ, bản đã có điện, đường, trường, trạm khang trang. Đời sống kinh tế của bà con có sự phát triển vượt bậc, hơn 80% hộ dân có ti vi, xe máy, tổng đàn trâu, bò gần 100 con. Có gần 10 vườn cây ăn quả cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm”.


Danh Anh

BBP

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP