Tin Hà Tĩnh

Đau đầu vì rác từ đường đến bệnh viện đều 'chờ xử lý'

Nhà máy xử lý rác ở Hà Tĩnh đóng cửa không nhận rác khiến hàng trăm tấn rác ở dọc quốc lộ và cả trong bệnh viện không được thu gom gây hôi thối, ruồi nhặng bủa vây.

10 ngày nay, khắp các tuyến đường, ngõ ngách thị xã Kỳ Anh (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) rác thải đổ ngổn ngang, chất từng đống, bốc mùi hôi thối khiến cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn.

Theo ghi nhận của Zing.vn, dọc các tuyến đường từ chợ, bệnh viện, trường học, điểm dừng xe buýt hay thậm chí gần cổng các trụ sở công... rác thải chất thành từng đống lớn, nhiều loại đang phân hủy, bốc mùi hôi thối.

Rác ngoài đường vào đến bệnh viện

Chị Nguyễn Thị Hằng (45 tuổi, trú thị xã Kỳ Anh) cho hay trước đây rác được gom thường xuyên, còn từ ngày 8/2 (mùng 4 Tết) đến nay do không được thu gom, xử lý nên rác chất thành đống, bốc mùi.

“Nắng thì hôi thối hết mức, mưa xuống là ruồi nhặng nhiều hơn, bu khắp hàng quán. Nhà mình bán hàng mà rác lại trước cửa, nhiều người thấy thế cũng ngại không tới mua thức ăn”, chị Hằng nói.

Lượng rác ùn ứ thành đống nhiều ngày không được xử lý ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Ảnh: Phạm Trường.

Lượng rác ùn ứ thành đống nhiều ngày không được xử lý ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Ảnh: Phạm Trường.

Trong khi đó, ông Dương (56 tuổi, trú thị xã Kỳ Anh), phàn nàn nhiều ngày qua không thấy xe đến thu gom rác thải. Nếu kéo dài tình trạng này thì môi trường ô nhiễm, dịch bệnh lây lan ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân.

Không chịu được cảnh hôi thối, nhiều người dân phải dùng những tấm tôn hay bạt phủ tạm lên để hạn chế mùi hôi, ruồi nhặng. Có trường hợp khác lại gom rác lại rồi đốt ngay cổng bệnh viện và cổng các cơ quan.

Bên trong khu vực Bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh, nhiều ngày nay xuất hiện đống rác sinh hoạt lớn, không được che chắn kỹ. Nhiều công nhân vệ sinh ở đây cho biết do không được thu gom, lượng rác dồn về ứ đọng, bốc mùi. Chứng kiến cảnh này, người nhà và bệnh nhân không khỏi ngao ngán.

“Cả tuần nay thấy rác cứ chất đống, không biết họ không thu gom hay còn chờ nhà máy xử lý chứ giờ thế này nguy lắm. Rác nhiều khiến làm ruồi, nhặng nhiều vô kể, đến bệnh viện mà còn thế này thì không biết thế nào nữa”, người nhà bệnh nhân lo lắng.

Theo nhiều người, bãi rác án ngữ cạnh Khoa Nhi, Khoa Truyền nhiễm không được thu gom, xử lý sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của các bệnh nhân.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng khoa Kháng sinh nhiễm khuẩn, Bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh, cho biết bệnh viện luôn có 3 xe rác sinh hoạt, mỗi ngày khi rác đầy phía môi trường đô thị sẽ đến thu gom mang về nhà máy rác Phú Hà xử lý. Tuy nhiên, nhiều ngày nay, nhà máy từ chối nhận rác khiến lượng rác bệnh viện không được chở đi, chất thành đống.

“Khoảng 10 ngày nay, rác sinh hoạt không được bên môi trường tới đưa đi khiến ứ đọng. Bệnh viện liên hệ và được hứa rằng ngày 19/2 sẽ tới thu gom, chở đi xử lý”, ông Sơn nói.

Vị trưởng khoa cũng cho hay ngoài lượng rác sinh hoạt, mỗi ngày bệnh viện có khoảng 100 kg rác thải y tế, độc hại. Số rác này được bệnh viện thu gom để ở khu vực xử lý, sau 5-6 ngày không được thu gom đến nơi xử lý, lãnh đạo bệnh viện đã trực tiếp liên hệ phía nhà máy rác Phú Hà và đã được đến thu gom.

Phía trong bệnh viện thị xã Kỳ Anh, lượng rác sinh hoạt chất thành đống vì nhiều ngày không được thu gom. Ảnh: Tiến Đạt.

Phía trong bệnh viện thị xã Kỳ Anh, lượng rác sinh hoạt chất thành đống vì nhiều ngày không được thu gom. Ảnh: Tiến Đạt.

Theo người dân, rác thải trên địa bàn thị xã Kỳ Anh lâu nay được HTX Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh thu gom và vận chuyển về nhà máy rác Phú Hà ở xã Kỳ Tân.

Song hơn 10 ngày nay, từ việc 40 hộ dân thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân kéo nhau dựng rạp chặn nhà máy rác yêu cầu xử lý môi trường hoặc di dời các hộ dân đến nơi ở mới. Phía nhà máy rác cũng thông báo sẽ không nhận thêm rác trong nhiều ngày với lý do xử lý lượng tồn đọng.

"Đau đầu xử lý rác"

Ông Trần Xuân Lê, Phó Chủ tịch UBND phường Sông Trí (thị xã Kỳ Anh), thừa nhận việc rác thải ứ đọng diễn ra nhiều ngày nay nhưng chưa có phương án xử lý khả thi.

“Đau đầu lắm, rác ở phường, các khu dân cư đã nhiều, nay lại các xã lân cận cũng đổ về khiến ở đây càng bốc mùi hơn. Lãnh đạo thị xã đã yêu cầu tìm quỹ đất làm bãi rác tạm song phường chỉ rộng 543 ha, quỹ đất đã hết, không còn chỗ mà làm”, ông Lê nói.

Dau dau vi rac tu duong den benh vien deu 'cho xu ly' hinh anh 3
Lượng rác thải y tế, độc hại của bệnh viện sau nhiều ngày mới được thu gom. Ảnh: Tiến Đạt.
Theo vị Phó chủ tịch phường Sông Trí, chính quyền từng có công văn thông báo cho các tổ dân phố, tuyên truyền người dân biết thu gom rác ra các bãi rác tạm và chờ nhà máy thu gom xử lý trở lại. Trước mắt, phường cùng trung tâm y tế phun thuốc khử trùng để giảm thiểu mùi hôi, ruồi muỗi.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm dịch vụ hạ tầng và Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh cho biết bây giờ phải chờ phía nhà máy rác mới chuyển lượng rác lên được.

“Lượng rác trong nhà máy còn tồn đọng quá nhiều nên chưa thể xử lý hoặc nhận thêm nên phía nhà máy họ hẹn một vài ngày tới sẽ thu gom xử lý. Với lượng rác ở các bãi rác tạm khu vực thị xã Kỳ Anh hiện đơn vị phối hợp bên y tế dự phòng tiến hành phun các loại thuốc khử mùi”, ông Thành nói.

Phóng viên Zing.vn liên hệ với ông Hoàng Chí Thức, Giám đốc nhà máy rác Phú Hà, thì ông này cho biết đang đi họp và sẽ thông tin sau.

Ngày 11/2, 40 hộ dân thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) mang băng rôn, tấm bạt tới dựng rạp tại cổng nhà máy xử lý rác thải Phú Hà vì cho rằng đơn vị này gây ô nhiễm môi trường.

Theo người dân, từ năm 2015 đến nay, khi nhà máy xử lý rác Phú Hà hoạt động, cuộc sống của họ bị đảo lộn, ruồi muỗi xuất hiện nhiều, nguy cơ dịch bệnh tăng cao. Dù nhiều lần kéo đến phản đối, mọi việc không chuyển biến.

Năm 2018, 40 hộ dân ở đây nhiều lần kéo đến dựng rạp, chặn xe chở rác trước cổng nhà máy đề nghị chính quyền sớm cho di dời đến khu tái định cư như cam kết.

Ngày 12/2, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Lê Đình Sơn cùng lãnh đạo huyện Kỳ Anh, lãnh đạo nhà máy rác Phú Hà tổ chức buổi đối thoại với người dân để đưa ra các phương án xử lý trước mắt và lâu dài.

Tác giả: Phạm Trường - Tiến Đạt

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP