Địa Chí Hà Tĩnh

Đất học Hương Sơn, truyền thống khoa cử và cốt cách con người

…Con người Hương Sơn, với tình yêu quê hương, đất nước tha thiết, với bản chất trượng nghĩa ngấm sâu vào trong máu thịt, niềm tự tôn về truyền thống hiếu học thấm đẫm tận cùng mọi ngõ ngách của mỗi làng quê, sẽ mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ hôm nay và mai sau…

hatinh24h 01

Không ở đâu như ở Việt Nam này, mỗi một địa danh, mỗi một tên làng, tên xóm, mỗi một con đường… sau hàng ngàn năm lịch sử, đặc biệt, trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh chống giặc ngoại xâm trong thế kỷ 20, đều trở thành huyền thoại… Mỗi một gia đình, mỗi một dòng họ, mỗi một cộng đồng người, cho đến cả một dân tộc, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đã hình thành nên truyền thống của riêng mình, có một không hai.

Người Hà Tĩnh cũng vậy, dù đi đến đâu cũng được coi là những con người của một vùng đất học, vùng đất của truyền thống học hành và khoa cử. Đã có, dù không nhiều lắm, một số các công trình nghiên cứu về “đạo học” ở vùng đất vốn được coi là “địa linh nhân kiệt” này. Nhưng riêng với huyện Hương Sơn, thì có thể nói, đây vẫn là một khoảng trống cho giới nghiên cứu. Mảnh đất này đã từng sinh ra cho đất nước những bực kỳ tài như Cao Thắng, Lê Hữu Tạo, Nguyễn Khắc Viện, Đinh Nho Liêm hay Phong Lê…; nơi nuôi dưỡng những tài năng xuất chúng như đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác… Một vùng đất nhỏ bé này mà trong lịch sử đã từng là nơi khởi nguồn, là thành luỹ của 2 cuộc khởi nghĩa nông dân. Điều đó cũng đáng để chúng ta suy ngẫm.

Tại sao cả một đất nước rộng lớn với hàng chục triệu dân, hàng trăm dòng họ, hơn 50 tộc người với vô số các địa danh, tên đất, tên làng mà khi nói đến học hành, khoa cử, thì có nhiều cái tên không thể không nhớ tới: Kinh Bắc, Thành Nam, Cố đô hay xứ Nghệ…? Các nhà nghiên cứu đã từng đề cập đến những nguyên nhân, mà cũng chính là động lực để các thế hệ, các dòng họ, từng gia đình khuyến khích, nuôi dưỡng con em học hành đỗ đạt. Một vùng đất nghèo, thiên nhiên khắc nghiệt, người ta khuyến khích con em học hành đỗ đạt, để làm quan, thoát ra khỏi đói nghèo. Đó cũng là một thực tế. Một vùng đất “khát chữ”, “đói chữ”. Điều này, dẫu là tình trạng chung của cả một dân tộc với hàng ngàn năm bị đô hộ, mà kẻ đô hộ thì luôn tìm cách ngu dân để dễ cai trị, thì Hương Sơn cũng không là ngoại lệ. Vai trò chủ thể của các dòng họ trong việc hình thành nên truyền thống hiếu học, đây cũng là nguyên nhân mà phải tiếp tục đào sâu nghiên cứu mới có thể hiểu một cách toàn diện.

Vậy còn những nguyên nhân nào khác, những nguyên nhân tạo ra truyền thống học hành, khoa cử của những vùng đất, những cộng đồng người? Hãy tìm về cội nguồn, trong trầm tích văn hoá, những vỉa “hoá thạch” phi vật thể, những truyền thuyết và giai thoại… hy vọng có thể giúp chúng ta hiểu thêm được điều gì nữa chăng?

Tổng Hữu Bằng xưa, nay là vùng đất bao gồm nhiều xã thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, các thế hệ, các dòng họ vẫn còn lưu truyền những câu chuyện nhuốm đậm màu sắc thần bí mà cũng rất nhân văn. Chuyện rằng, đã xưa lắm rồi, rất xưa, đất Hữu Bằng cũng đã có tiếng về học hành, khoa bảng. Trong vùng, có một dòng họ nổi tiếng có nhiều người đỗ đạt, làm quan, đó là họ Nguyễn. Ngày nọ, tại lễ tế thần tại đình làng, tuy có chức sắc nhưng vị Tiên chỉ của họ lại không được làm chủ tế mà phải nhường lại cho một vị Hương Cống đã được bổ làm tri huyện, về làng dự lễ. Chỉ vì ghen tỵ  với một người có khoa bảng mà vị Tiên chỉ của họ mới tìm cách “chơi khăm” người chủ tế. Miếng thủ tộ trên đàn tế, nhân khi không ai để ý, đã được  vị Tiên chỉ cho người nhét vào trong tráp của của vị Hương Cống. Mất thịt, mà lại là miếng thủ tộ, vậy là khám xét. Đương nhiên là vị Hương Cống bị mất mặt trước dân làng với nỗi oan kêu trời không thấu.

Oan khuất rồi thù hận, vị Hương Cống mới ra đền Nhà Ông, Nhà Bà, nơi nỗi tiếng là linh thiêng (trên bàu Yên Nghĩa, chổ sâu nhất, thuộc xóm Thanh Uyên, gọi là Vực, hai bên Vực là hai ngôi đền, gọi là đền Nhà Ông và đền Nhà Bà), lấy một tảng đá to, khắc lên đôi câu đối:

Ngật ngật song đài thiên cổ miếu

Trầm trầm phiến thạch ức niên bi

Tạm dịch:

Hai toà miếu sừng sững (tồn tại) muôn đời

Bia đá  chìm mãi mãi (cho đến) vạn kiếp

Xong, ông thả tảng đá có khắc đôi câu đối xuống vực sâu với lời nguyền: “Lúc nào bia đá này nổi lên mặt nước thì con cháu họ Nguyễn mới có người đỗ đạt”. Từ đó, họ Nguyễn ở Hữu Bằng, một dòng họ nổi tiếng học hành và khoa bảng, đến mấy thế hệ sau, không có người đỗ đạt. Chỉ đến khi dòng tộc họ Nguyễn đứng ra lập trai đàn, cầu khấn trời đất thần linh rồi thuê dân chài vớt toàn bộ đá dưới lòng vực lên, hi vọng tìm được tấm bia đá vị Hương Cống đã thả xuống. Sau đó, dùng đá ấy xây một ngôi đền để cầu khoa bảng, được xem như là Văn miếu của dòng họ Nguyễn. Số đá còn lại dùng tre gỗ làm rọ, kè dọc bờ bàu đoạn có ngôi đền Nhà Bà tọa lạc. Từ đó, con cháu họ Nguyễn mới lại có người đỗ đạt như xưa . Miếu này, ngày nay vẫn còn, gọi là miếu Khoa Đường (Tại xóm Cự Sơn, xã Sơn Bằng). Dân làng hôm nay, kể cả người họ Nguyễn cũng như các dòng họ khác, cứ mỗi lần con cháu đi thi lại đến miếu Khoa Đường thắp hương, cầu khấn để được đỗ đạt. ( Truyền thuyết này được chép từ gia phả họ Nguyễn ở Sơn Bằng, đính chính một số thông tin thiếu chính xác của bài báo cùng tên, đăng trên Dantri.com ngày 21/11/2011 ).

Quay lại với vấn đề nguồn gốc, nguyên nhân hình thành nên truyền thống học hành, khoa bảng của một vùng đất. Thi cử ngày xưa là thi về văn chương. Người xưa có câu: tâm có sáng thì văn mới hay. Phải chăng, ở những vùng đất học, xưa nay, đều có một điểm chung là con người sống trung thực, thẳng thắn, có đạo lý, lấy cái nhân cái nghĩa làm đầu? Tiên học lễ, hậu học văn là vậy.

Ngày xưa, trường thi, nơi các sĩ tử đến để tranh tài là nơi trang nghiêm. Vị quan giám sát trường thi trước khi gọi tên các sĩ tử vào trường thi thì mời những các thế lực siêu nhiên khác, muốn báo ân, báo oán vào trước (Báo ân tiên nhập, báo oán thứ nhập, sĩ tử thứ thứ nhập – ngày nay, câu này được hiểu như là để chỉ sự ngỗ nghịch, ma mãnh của học trò: nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Đây là cách hiểu không chính xác, xét về nguồn gốc). Quan niệm thời ấy cho rằng, ngoài đời ai gây ra oán, ai làm nên ân thì trường thi cũng là nơi để trả thù hay báo đáp. Kẻ ngoài đời độc ác, thủ đoạn, gây nên oán thù, thì vào trường thi ma đưa lối, quỷ dẫn đường, không phạm huý khi dùng từ thì cũng phạm luật khi gieo vần, đặt câu. Còn người trượng nghĩa, sống giữa đời làm được nhiều điều nhân đức thì sẽ được phù trợ để có được sự minh mẫn, sáng láng khi làm bài và đỗ đạt.

Vậy là, ngay cả những nghi lễ chính thức trong thi cử của thời phong kiến cũng đã phản ánh, in sâu một triết lý: đỗ đạt, khoa bảng, thành danh luôn gắn với đạo đức làm người. Điều đó cũng khẳng định lại một lần nữa, truyền thống học hành, khoa cử của một vùng đất là không thể tách rời truyền thống đạo đức, truyền thống làm người.

Ngày nay, chúng ta biết nhiều đến việc dạy học tại nhà bằng cách mời gia sư. Người thầy đi dạy như là một cách để kiếm thêm thu nhập đảm bảo cho cuộc sống của mình. Nhưng một thời, cũng chỉ mới cách 40, 50 năm lại đây thôi, thì không như vậy. Nhiều gia đình ở Sơn Bằng hay sơn Hoà, Sơn Thịnh… thời đó, đã “nuôi” thầy tại nhà. Thầy ở trong nhà không phải trả tiền ăn, tiền ở, nhưng bù lại, những khi rảnh rỗi, thầy dạy thêm cho đám trẻ học chữ. Thầy không đòi hỏi gì mà nhà chủ cũng chẳng có điều kiện gì; ngược lại, ai mời được thầy về nhà ở thì cảm thấy rất vinh dự. Nhà chủ đối xử với thầy giáo cũng rất trân trọng, như là khách quý. Thầy đi trường thì chào thầy đi; thầy về nhà thì chào thầy về. Dẫu nhà nông đầu tắt mặt tối cả ngày nhưng không bao giờ để thầy đụng đến cái chổi quét nhà. Đến bữa cơm, dù rất đạm bạc, chỉ là rau dưa, đĩa trứng kho hay cá tép đồng… nhưng vẫn được dọn lên trong mâm thau, đặt lên bộ bàn ghế ở giữa gian chính, nhà ngoài. Được phép ngồi ăn cùng mâm cơm với thầy là ông chủ nhà hoặc người cao tuổi, những người khác thì ngồi ăn trong nhà bếp, nơi bình thường các thành viên trong gia đình vẫn cùng ngồi ăn.

Cái cách “bắc cầu kiều” trong câu ngạn ngữ xưa của người dân vùng đất học thật đáng trân trọng. Nhưng điều đáng nói ở đây là, họ, chính họ là người tạo nên truyền thống, tạc nên chân lý giản đơn: có yêu cái chữ, có trọng cái chữ thì mới có chữ; có yêu thầy, có trọng thầy thì mới có thể làm ông thầy. Đặc trưng này là phổ quát, là đạo lý của cả một dân tộc, nhưng cũng là rất riêng cho những cộng đồng, những dòng họ nổi tiếng có truyền thống học hành khoa cử trên đất Hương Sơn. Phải chăng là vì quý chữ, khát chữ mà tôn vinh đạo học? Vì mơ ước tri thức mà trọng ông thầy? Vì cầu mong khoa bảng mà tu dưỡng tâm đức?

Tầng lớp trí thức thời xưa được gọi là “Hiền Tài”. “Hiền” và “Tài”. Học hành chữ nghĩa không đồng hành cùng cái ác. Đỗ đạt, khoa bảng không thể tách rời đạo lý làm người. Vậy là truyền thống hiếu học, luôn gắn liền với truyền thống nhân nghĩa của một vùng đất, một dòng họ hay một cộng đồng người… Con người Hương Sơn, với tình yêu quê hương, đất nước tha thiết, với bản chất trượng nghĩa ngấm sâu vào trong máu thịt; niềm tự tôn về truyền thống hiếu học thấm đẫm tận cùng mọi ngõ ngách của mỗi làng quê, sẽ mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ hôm nay và mai sau…

Phạm Xuân Cảnh/ Hương Sơn

Xem tiếp phóng sự:
HƯƠNG SƠN – NGÀN PHỐ – VÙNG ĐẤT VĂN HÓA THI THƯ.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP