Đất học Cẩm Xuyên: Nghĩa cử cao đẹp của tình thầy trò Đất học Cẩm Xuyên: Nghĩa cử cao đẹp của tình thầy trò

Câu chuyện ngày xưa

Khổng Tử tên thật là Khổng Khâu, sinh ngày 27 tháng 8 năm 551 trước Công nguyên, tại ấp Trâu, làng Xương Bình, nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ). Năm lên ba, ông mồ côi cha, lớn lên phải làm lụng vất vả để nuôi mẹ, nhưng rất ham học. Ông đã từng đảm nhiệm vài chức quan nhỏ rồi được thăng chức lên làm quan Tư không, chuyên quản lý việc xây dựng công trình. Năm 22 tuổi, ông mở lớp dạy học nên được gọi … là Thầy Khổng.

Khổng Tử còn là một nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị nổi tiếng người Trung Hoa, các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống và tư tưởng của các dân tộc Đông Á. Người Trung Hoa đời sau đã tôn xưng ông là Vạn thế Sư biểu (Bậc thầy của muôn đời). Triết học của ông nhấn mạnh trên sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân và cai trị bằng đạo đức : “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, sự chính xác của các mối quan hệ xã hội, đạo đức và quy phạm làm người và các đức tính “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”.

Khổng Tử sống trong thời trật tự xã hội suy đồi, chư hầu lấn quyền thiên tử, đại thần tiếm đoạt ngôi chư hầu dẫn đến chém giết nhau, không còn đạo lý, kỷ cương. Ông mong muốn tái lập lại trật tự xã hội, làm cho mọi người trở nên tốt đẹp hơn, đối xử với nhau hòa hảo, thân ái nên ông bỏ quan về dạy học. Học trò tìm học rất đông, nhiều học sinh thành đạt “nên người”. Ngày 11 tháng 4 năm 479 (trước công nguyên) Khổng Tử mất, học trò đã tự nguyện góp tiền của, tâm sức tổ chức lễ an táng thầy rất trang trọng, chu tất. Nhiều học trò đã dựng lều lán xung quanh mộ để ở nhằm tiện trông nom phần mộ, hương khói cho thầy trong 3 năm để tang và đã sinh cơ lập nghiệp ngay tại đó. Lâu dần số người phát triển đông đúc trở thành làng, gọi là làng Khổng Tử.

Nghĩa cử ngày nay

Thầy Thái Kim Quý sinh năm 1934 tại một vùng quê nghèo xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cấp 3 Cẩm Xuyên thời kỳ 1962 – 1973. Năm 1973, khi Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết thầy được điều động về làm Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Lộc. Hơn 30 năm công tác tại trường, 26 năm làm Hiệu trưởng, thầy một mực vì học tập và sự trưởng thành của học sinh, thực sự là tấm gương sáng. Với tâm miệm “tất cả vì học sinh thân yêu”, thầy đã dìu dắt các thế hệ cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường vượt qua những năm tháng vô cùng khó khăn nhưng hết sức oanh liệt trong những năm chiến tranh ác liệt, viết nên những trang sử vàng truyền thống của nhà trường. “Nhớ lại năm học đầu tiên khi thầy làm Hiệu trưởng, Trường Cấp 3 Cẩm Xuyên chỉ có 9 giáo viên và 3 cán bộ phục vụ dạy học cho 3 lớp với 150 học sinh thuộc 2 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên và 1 số xã phía Nam huyện Thạch Hà. Phòng học lúc bấy giờ chủ yếu làm bằng tranh tre gỗ lá. Giáo viên còn nghèo, học sinh cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc… Trong những năm chiến tranh ác liệt, để tiếp tục sự nghiệp giáo dục, thầy trò đã phải sơ tán đến các xã: Cẩm Huy, Cẩm Tiến, Cẩm Yên, Cẩm Nam, Cẩm Quan, Cẩm Phúc. Khó khăn là vậy, song dưới sự quan tâm lãnh đạo của thầy, các thầy giáo cô giáo đã một lòng nhiệt huyết say sưa gắn bó với nghề cùng với sự giúp đỡ của bà con địa phương sở tại, các khoá học đã ra trường, nhiều học sinh đã gặt hái được những thành tích cao trong học tập và đã trưởng thành. Có người đã là chủ tịch tỉnh, Thứ trưởng, phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ, luật sư, giáo viên, sỹ quan cao cấp …. Thầy Quý và các đồng nghiệp của thầy cùng các “cựu học sinh” thời đó thực sự là những người khai bút viết nên sử vàng truyền thống của nhà trường, mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh noi theo” – Một cựu học sinh Trường PTTH Cẩm Xuyên chia sẻ.

Năm 1988 thầy Quý được nghỉ hưu và sinh sống với vợ và các con tại quê nhà khá vất vả với những lo toan của cuộc sống đời thường nhưng vẫn giữ được tâm hồn trong sáng, cuộc sống thanh đạm, xứng đáng là người kỹ sư tâm hồn của thế hệ trẻ. Năm 1997 thầy lâm bệnh và qua đời, hưởng thọ 63 tuổi. Hiện tại vợ thầy đã hơn 80 tuổi, sống hoàn toàn phụ thuộc vào các con trong điều kiện kinh tế còn khó khăn nên phần mộ của thầy chưa được tôn tạo theo ý nguyện của gia đình và con cháu. Qua một lần về thăm và viếng mộ thầy, những giáo viên, học sinh cũ, Ban liên lạc học sinh các khóa học đã phối hợp với Ban Giám hiệu Trường PTTH Cẩm Xuyên vận động các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh đóng góp được hơn 90 triệu đồng để xây mộ cho thầy nhằm thể hiện tình cảm chân thành, tấm lòng tôn kính, và lòng biết ơn sâu sắc đối với người đã khuất.

Mộ được khởi công xây dựng tại Nghĩa trang Chọ Hà – Thôn Nam Sơn – xã Sơn Lộc – Huyện Can Lộc ngày 13 tháng 4 năm 2015. Lễ khánh thành vào ngày 18 tháng 5 năm 2015 (01/04 năm Ất Mùi).

“Xây mộ cho thầy không chỉ là sự tri ân của học sinh đối với riêng thầy Quý mà còn thể hiện tình đồng nghiệp, tình cảm thầy trò đẹp đẽ của các thế hệ giáo viên và học sinh nhà trường. Những nghĩa cử cao đẹp đó là dấu ấn đậm sâu trong sự phát triển của trường THPT Cẩm Xuyên, để lại cho chúng tôi những thế hệ cán bộ giáo viên và học sinh mai sau một bài học quý về nhân nghĩa, về tình đồng chí, đồng nghiệp, tình thầy trò…” – Thầy Hoàng Quốc Dũng, Hiệu trưởng trường PTTH Cẩm Xuyên phát biểu.

C.Thúc – X.Thủy/Báo Gia đình & Xã hội