Tin trong nước

Đặt chỉ tiêu phạt 500 lượt bán dâm: Vô lý, hình thức, không hiệu quả

“Đặt chỉ tiêu xử phạt 500 lượt bán dâm, 200 vụ liên quan hoạt động mại dâm năm 2017 của Hà Nội là thiếu cơ sở, là vô lý và hình thức, không hiệu quả”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến.

liên quan đến văn bản chỉ đạo kế hoạch phòng, chống mại dâm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017 đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Theo đó, UBND TP. Hà Nội đặt chỉ tiêu triệt xóa 200 vụ liên quan đến hoạt động mại dâm và xử phạt 500 lượt người bán dâm. Đây là một nội dung đang khiến dư luận phản ứng gay gắt.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực ủy ban Về các vấn đề của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Thưa đại biểu, một cá nhân hay tổ chức vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật bị xử phạt là việc đương nhiên, tại sao phải đặt ra chỉ tiêu xử phạt? Dư luận xã hội đang đặt câu hỏi như vậy trước thông tin Hà Nội có chỉ tiêu xử phạt liên quan đến hoạt động mại dâm trên địa bàn năm 2017. Đại biểu có ý kiến như thế nào?

Tôi nghĩ rằng, giao chỉ tiêu xử phạt như vậy là không có cơ sở. Xét về mục đích thì tôi nghĩ, văn bản này cũng xuất phát từ ý tưởng tốt, thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong vấn đề xử lý với tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì đặt chỉ tiêu như vậy là không hợp lý. Cần xem xét lại cơ sở nào để đưa ra kế hoạch và những con số chỉ tiêu cụ thể này, kể cả là cơ sở lý luận hay thực tiễn. Bởi kế hoạch nào cũng cần có cơ sở rõ ràng nếu muốn thành công trong thực tế.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.

Có nghĩa là ông cũng thấy khó hiểu về con số 500 và 200 chỉ tiêu trong văn bản nói trên?

Đúng vậy. Chỉ tiêu đề ra là phạt 500 lượt người bán dâm. Nếu thực tế chỉ có 400 hay 200 hoặc ít hơn chỉ tiêu thì thế nào? Hoặc thực tế năm 2017 có đến 8.000 lượt người bán dâm thì có xử lý không hay chỉ xử phạt đủ 500 rồi “thả nổi”?

Tương tự, triệt xóa 200 vụ liên quan đến hoạt động mại dâm cũng là một con số rất khó hiểu. Bởi tụ điểm mại dâm bây giờ không cố định, nhiều vụ việc có thể có hoạt động mại dâm ngay tại nhà thì sao? Chúng ta có áp được chỉ tiêu như vậy không?

Nói tóm lại, tôi thấy không có cơ sở nào để thuyết phục ở 2 chỉ tiêu này.

Đặt chỉ tiêu xử phạt liệu có giải quyết được tận gốc vấn đề hay chỉ là hình thức?

Đương nhiên nó là câu chuyện hình thức. Xử phạt là xử phạt, ai vi phạm thì xử phạt, tại làm sao phải đưa ra chỉ tiêu để áp việc xử phạt như vậy được.

Muốn giải quyết tận gốc vấn đề phụ thuộc nhiều yếu tố, không phải đặt chỉ tiêu là làm được. Điều quan trọng nhất là người thực hiện việc xử phạt như thế nào, có nghiêm minh, khách quan hay không.

Đặt chỉ tiêu như vậy cũng như “ép” người xử phạt phải đạt được. Điều này nguy hiểm ở chỗ, nó nảy sinh nhiều vấn đề khó kiểm soát. Ví dụ như, không đủ chỉ tiêu phải tìm cách để đạt chỉ tiêu, thậm chí có thể kéo những người vô tội vướng vòng lao lý để đạt cho được chỉ tiêu.

Tôi phải nhấn mạnh lại, cái gì đã không có cơ sở thì chắc chắn là không có hiệu quả. Do đó, trước khi ban hành một văn bản nào đó cần tính kỹ đến hiệu quả và sự ảnh hưởng của nó trên thực tế. Không thể ban hành những văn bản vô lý ảnh hưởng đến nhiều đối tượng hoặc là vừa ra đời đã có nguy cơ “chết yểu”. Cần xem xét kỹ văn bản hướng đến vấn đề gì, tác động xã hội ra sao, có được sự ủng hộ không, nếu thực hiện thì khả năng thành công là bao nhiêu…

Có ý kiến cho rằng, đặt chỉ tiêu xử phạt là trong quản lý có sự yếu kém. Ông nghĩ sao về điều này?

Chắc chắn là dư luận sẽ nghĩ như vậy. Có vấn đề để tình trạng này nảy sinh phức tạp nên mới phải đặt chỉ tiêu với nhau.

Tôi nghĩ, thay vì đặt chỉ tiêu, cần phải làm một cách nghiêm chỉnh, quyết liệt. Nhiệm vụ là phải thường xuyên, nếu giả sử không xử phạt được vụ nào thì cũng là bình thường. Hoặc nếu trên thực tế có nhiều vi phạm hơn thì xử phạt nhiều hơn, đừng cố ép theo chỉ tiêu. Cái gì cũng quy ra chỉ tiêu thì rất nguy hiểm, dẫn đến đua nhau chỉ tiêu, hoạt động một cách hình thức, không có hiệu quả thực chất.

Chỉ tiêu có thể đặt kiểu khác chứ không nên đặt chỉ tiêu xử phạt. Đương nhiên sai thì phải xử phạt. Số lượng vi phạm pháp luật tăng theo đà của phát triển kinh tế xã hội chứ không phải tự thân nó. Do đó, không thể đặt chỉ tiêu xử phạt như vậy được.

Vậy theo ông, để xử lý tận gốc vấn đề này nếu không phải là các chỉ tiêu thì cần tập trung những biện pháp nào?

Nếu không giải quyết việc làm, ngoài bán dâm họ không biết làm gì thì chỉ phạt cũng không đạt hiệu quả. Phạt xong rồi họ lại tái phạm.

Cá nhân tôi cho rằng, thay vì chỉ tiêu, Hà Nội, cụ thể ở đây là sở Lao động, Thương binh và Xã hội hoàn toàn có thể làm tốt các công tác khác để giảm trừ tệ nạn trên địa bàn. Điển hình như việc tạo công ăn việc làm cho các đối tượng. Khi họ có đời sống tốt, họ sẽ chủ động từ bỏ công việc này. Tập trung giải quyết tốt vấn đề việc làm thì chắc chắn sẽ giảm tệ nạn xã hội. Đặc biệt, địa bàn Hà Nội hiện rất rộng, có nhiều điều kiện để tổ chức tốt phúc lợi xã hội cho người dân.

Tôi đã từng tham gia nhiều hội thảo quốc tế về vấn đề phòng chống mại dâm. Tôi thấy nhiều nước trên thế giới đã bỏ khái niệm mại dâm là một tệ nạn xã hội. Họ coi đây như một vấn đề xã hội và phi hình sự hóa các hoạt động mại dâm. Nhiều nước còn coi hoạt động mại dâm là một nghề.

Do đó, Việt Nam chúng ta cũng dần dần phải thay đổi cách quản lý vấn đề này để đạt hiệu quả xã hội. Việc đưa ra chỉ tiêu như vậy sẽ càng khiến vấn đề này trở nên phức tạp. Không loại trừ trường hợp vì chỉ tiêu mà tăng thêm vi phạm.

Thêm một vấn đề đặt ra nữa là, nếu chỉ xử phạt lượt bán dâm liệu đã công bằng?

Đây là vấn đề mà chúng ta đã bàn luận khá nhiều. Rõ ràng là có cầu mới có cung và chúng ta không thể chỉ phạt người bán dâm. Bởi bản chất của việc bán dâm là do có người mua dâm. Cần có sự công bằng trong cách đối xử, bởi nếu chỉ phạt người bán dâm thì không thấu đáo được vấn đề. Ở nhiều trường hợp, chính người bán dâm cũng là nạn nhân.

Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Dương Thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP