Giáo dục

Đào tạo thạc sĩ: Con gà đẻ trứng vàng!

Những khoản học phí chính thức, những khoản đóng góp không chính thức, những món quà... giúp nhà trường và giảng viên tham gia đào tạo thạc sĩ khoản thu nhập đáng kể.

Học viên học Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong ngày tốt nghiệp. Đây là trường uy tín về đào tạo sau ĐH ở khu vực phía Nam - Ảnh: K.T.

Liên kết đào tạo thạc sĩ thường là các cơ sở như ĐH, CĐ, trung cấp, trung tâm giáo dục thường xuyên... Ở địa phương tôi, trung tâm bồi dưỡng văn hóa cũng liên kết với trường ĐH khác đào tạo thạc sĩ.

Lợi nhuận khủng

Có thể thấy lợi nhuận thu được từ việc đào tạo thạc sĩ đã chi phối mọi chuyện. Những khoản học phí chính thức, những khoản đóng góp không chính thức, những món quà... giúp nhà trường và giảng viên tham gia đào tạo thạc sĩ khoản thu nhập đáng kể.

Đó là chưa nói đến trong và sau đào tạo là những mối quan hệ cũng... đáng kể. Rồi các cơ sở vệ tinh ăn theo đào tạo thạc sĩ như tổ chức thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, dịch vụ in ấn - photo tài liệu, bán tài liệu, nhận đăng bài viết cho học viên trên tạp chí khoa học.

Đó là chưa kể đến sự tham gia của "cò" những dịch vụ trên. Có thể ví đào tạo thạc sĩ là con gà đẻ trứng vàng.

Người theo học thạc sĩ cũng đa dạng. Đó là sinh viên vừa tốt nghiệp do chưa tìm được việc làm; công chức - viên chức theo học để được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Số này ngày càng đông vì có trường hợp theo học thạc sĩ để qua được rào cản do bằng ĐH của họ không chính quy.

Công bằng mà nói, có người học để nâng cao trình độ, phát triển kiến thức, thỏa mãn đam mê nghiên cứu, tìm tòi nhưng tỉ lệ đó không cao.

Để đào tạo thạc sĩ thực chất hơn

Để tránh "bùng nổ" đào tạo thạc sĩ, tôi có mấy kiến nghị: tuyển sinh đầu vào cao học chặt chẽ. Việc coi, chấm thi như thi THPT quốc gia. Siết chặt kiểm tra môn ngoại ngữ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, người dự thi làm bài trực tiếp trên máy.

Quá trình đào tạo, học viên theo học tại trường ĐH giảng dạy và sẽ cấp bằng. Không để học tại địa phương vì chất lượng khó đảm bảo.

Các lớp mở ở địa phương rồi học ở đó, thầy trò thường "thông cảm", dạy không đủ thời gian quy định/chuyên đề, kiểm tra đề mở hay đề đóng học viên chuẩn bị trước tài liệu, vào phòng thi, chép vào giấy trả cho thầy cô, thế là xong! "Bùng nổ" đào tạo thạc sĩ có nguyên nhân từ đây.

Bên cạnh đó, cần cải tiến quy trình bảo vệ luận văn thạc sĩ. Đặt ra chuẩn mực khắt khe đối với luận văn cao học. Không ít luận văn cao học hiện nay phần cơ sở lý luận là tổng hợp - sắp xếp, thực trạng thì... tưởng tượng, biện pháp chung chung, điểm mới không có hoặc ép cho có.

Cũng cần hạn chế việc liên kết đào tạo thạc sĩ. Tăng cường xử phạt các cơ sở đào tạo thạc sĩ nếu có vi phạm.

Đối với giảng viên hướng dẫn học viên cao học cần có tiêu chí, tiêu chuẩn chặt hơn, cao hơn. Bởi hiện nay có tình trạng một giảng viên hướng dẫn nhiều học viên cao học, dẫn đến việc đọc đề cương, phản biện, chấm luận văn làm sơ sài.

Có trường hợp thầy cô hướng dẫn lúc ngồi vào hội đồng bảo vệ mới đọc luận văn của học viên, phát biểu chủ quan và biểu quyết bị chi phối từ các mối quan hệ chằng chịt...

Nên chú trọng năng lực hơn bằng cấp

Việc quy hoạch cán bộ quản lý, lãnh đạo, trừ những ngành nghề bắt buộc phải có trình độ thạc sĩ trở lên, còn lại nên chú trọng vào năng lực. Từng bước nhân rộng mô hình tổ chức thi tuyển công khai các chức danh quản lý.

Gánh vác công việc xã hội cần những người tâm huyết, trách nhiệm, có năng lực chứ không cần thiết có bằng thạc sĩ.

Tác giả: ĐẠI DƯƠNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

  Từ khóa: Đào tạo thạc sĩ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP