Tin Hà Tĩnh

Dân bức xúc vì chính quyền 'tịch thu' đất nông nghiệp chia cho người khác

Hàng chục hộ dân tại thị trấn Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bức xúc làm đơn khiếu nại vì cho rằng họ bị chính quyền “tịch thu” đất nông nghiệp trái quy định.

Dân bức xúc vì mất đất nông nghiệp

Phản ánh với báo Gia đình Việt Nam, hàng chục hộ dân sống tại tổ dân phố 7, thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bày tỏ sự bức xúc, các hộ dân cho rằng chính quyền sở tại đã “tùy tiện tịch thu đất nông nghiệp” của người dân trái quy định, khiến họ mất toàn bộ diện tích đất đai mà trước đó nhiều năm họ đã sử dụng ổn định.

Nhiều hộ dân tại thị trấn Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho rằng đã bị chính quyền sở tại "tịch thu" đất ruộng trái quy định.

Bà Võ Thị Hằng (trú tổ dân phố 7, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân) cho biết, trước năm 1993, gia đình bà Hằng có 4 khẩu được giao đất nông nghiệp để trồng lúa và hoa màu tại các xứ đồng: Mù U, Ba Sào, Mạc Hạc, Eo Bù, Cây Mưng, Đồng Ốc, Đồng Lềnh, Đồng Đá, Cây Rỏi… “Gia đình tôi đã sử dụng đất trồng lúa và hoa màu nhiều năm, rồi sau đó cho anh Trần Văn Ý (anh họ) mượn toàn bộ đất này để canh tác. Trong thời gian cho mượn đất, thấy anh Ý vẫn canh tác ổn định nên gia đình tôi cũng chưa có ý lấy lại”, bà Hằng nói.

“Đến năm 2011, khi ban cán sự tổ dân phố 7 phổ biến chủ trương thu hồi đất quy hoạch mặt bằng đô thị thị trấn Xuân An, không thấy tên trong danh sách các hộ dân bị thu hồi đất (khu vực bị thu hồi có một số thửa đất của gia đình bà Hằng từng canh tác-PV), đi hỏi thì mới biết ruộng của chúng tôi đã bị tịch thu để chia cho người khác”, bà Hằng nói.

Hộ ông Nguyễn Văn Minh (vợ là bà Nguyễn Thị Hảo) cũng cho biết, gia đình ông Minh có 3 khẩu được giao đất nông nghiệp (5 thửa) để trồng lúa, trồng lạc và trồng khoai từ nhiều năm trước khi Nghị định 64-CP có hiệu lực. Đến khoảng năm 1998, gia đình ông Minh cho người thân mượn toàn bộ diện tích đất nói trên để canh tác.

“Năm 2000, tôi nhớ lúc đó gia đình tôi đang xây nhà, khi chồng tôi đang uống rượu thì có cán bộ khối phố đến gọi đi làm thủy lợi. Chồng tôi trả lời là không đi. Sau đó khi tổ dân phố tổ chức chia lại ruộng, không thấy có gia đình tôi trong danh sách nên đã đi hỏi thì khối trưởng nói rằng ‘chồng nói không làm nên cắt rồi’. Tôi rất bức xúc vì đã đi đòi hỏi nhiều lần nhưng ban cán sự tổ dân phố không giải quyết”, bà Nguyễn Thị Hảo bức xúc nói.

Người dân gửi "đơn kêu cứu" đến báo Gia đình Việt Nam, bày tỏ sự bất bình về việc đất nông nghiệp bị "tịch thu" chia cho người khác

Tương tự bà Hằng và ông Minh, một số hộ dân khác sống tại tổ dân phố 7, thị trấn Xuân An cho biết họ cũng đã bị chính quyền sở tại “tịch thu” hết đất nông nghiệp mà không rõ lý do. Theo đó, hộ ông Võ Trường Thi (có 5 khẩu), hộ bà Trần Thị Xuân (2 khẩu), hộ bà Hoàng Thị Ngân (4 khẩu), hộ bà Trần Thị Hiệp (3 khẩu)… đều cho rằng hàng chục thửa đất của họ tại các cánh đồng đã “không cánh mà bay”. Những hộ dân này, vì những lý do khác nhau đã bị khối phố và UBND thị trấn Xuân An “tịch thu” hết diện tích đất nông nghiệp mà họ được giao từ trước năm 1993.

Theo bà Võ Thị Hằng, sau khi biết đất nông nghiệp đã bị “tịch thu”, năm 2011, bà Hằng và một số hộ dân khác làm đơn đề nghị thị trấn Xuân An trả lời rõ sự việc nhưng không được đáp ứng. “Chúng tôi hỏi UBND thị trấn họ nói phải về hỏi ban cán sự khối phố, nhưng lãnh đạo khối phố lại trả lời là lên hỏi UBND thị trấn nên chúng tôi không biết kêu ai”.

Mới đây, hàng chục hộ dân nói trên đã làm đơn khiếu nại gửi UBND huyện Nghi Xuân, sau đó huyện này yêu cầu thị trấn Xuân An xác minh, trả lời công dân.

“Chúng tôi chưa hề có văn bản và chưa bao giờ nói với cán bộ khối rằng chúng tôi trả đất nông nghiệp. Việc tịch thu đất nông nghiệp của hàng chục hộ dân là trái quy định về giao đất nông nghiệp tại Nghị định 64-CP, trái với Nghị quyết số 01-NQ/TU của tỉnh Hà Tĩnh, thế nhưng UBND thị trấn Xuân An vẫn bao biện, trả lời người dân theo kiểu chung chung, thiếu căn cứ pháp lý”, bà Võ Thị Hằng nói.

Dân không đi nhận đất, khối phố có quyền “tịch thu”?

Trao đổi với phóng viên Gia đình Việt Nam, ông Lê Văn Minh – Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An – cho biết đã nhận phản ánh của người dân và đã có văn bản trả lời về sự việc.

Ông Minh nói: “Năm 2002, thị trấn Xuân An xây dựng đề án chia lại đất nông nghiệp theo chỉ đạo của tỉnh và huyện. Việc này đã được thông báo đến người dân, đề án của UBND thị trấn được thực hiện công khai”.

Ông Minh thừa nhận có việc khối phố và UBND thị trấn Xuân An thu hồi đất nông nghiệp của người này chia cho người khác. “Thời điểm thực hiện đề án thì có nhiều hộ không có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp. Trên cơ sở tổng hợp, thống kê các hộ không có nhu cầu thì tổ dân phố không đưa vào chia đất”, ông Minh cho biết.

Trả lời câu hỏi căn cứ vào đâu để khẳng định người dân không có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp để sau đó UBND thị trấn Xuân An thu hồi của các hộ gia đình này? Ông Lê Văn Minh nói: “Thời điểm đó tôi chưa làm chủ tịch, theo tôi được biết thì UBND thị trấn đã thành lập các tiểu ban chỉ đạo ở các khối phố để họp bàn và chia lại đất. Sau này khi thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì chúng tôi căn cứ vào sổ chia đất lưu giữ của ban cán sự tổ dân phố”.

Khi phóng viên đề nghị cung cấp các văn bản, tài liệu chứng minh việc người dân “không có nhu cầu” hoặc thể hiện việc người dân “trả đất”, ông Minh nói: “Ủy ban thị trấn không thấy lưu giữ văn bản nào cả, không biết các tổ dân phố có lưu giữ được cái gì hay không”.

Về việc người dân cho rằng năm 2011, các hộ dân nói trên đã làm đơn yêu cầu UBND thị trấn Xuân An trả lời, ông Lê Văn Minh cho hay không biết sự việc. “Trước đây đất bỏ không, giờ đây có dự án lớn thu hồi đất, thấy đất có giá trị thì dân mới đi đòi lại”, ông Minh nói.

Lãnh đạo UBND thị trấn Xuân An: nguyên nhân người dân khiếu nại đòi lại đất nông nghiệp là do hiện nay chính quyền đang thu hồi thực hiện dự án, bồi thường có trị bồi thường cao!?

Chỉ căn cứ vào “sổ chia đất” của tổ dân phố để cấp GCNQSDĐ?

Theo tìm hiểu của phóng viên, thực hiện Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sử dụng nông nghiệp, ngày 12/6/2001, Ban chấp hàng Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về lãnh đạo cuộc vận động chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 5/9/2001, UBND huyện Nghi Xuân ban hành Đề án số 491-ĐA/UB về việc chuyển đổi sử dụng ruộng đất nông nghiệp. Đề án này xác định thị trấn Xuân An cần tiến hành giao 428, 13 ha đất nông nghiệp (trước đó thị trấn Xuân An chưa giao và cấp GCNQSDĐ vì chờ quy hoạch).

Tiếp đó, ngày 30/3/2002, UBND thị trấn Xuân An ban hành quyết định số 02b-QĐ/UB “về việc thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp và Hội đồng xét cấp giấy CNQSDĐ theo Nghị định 64/CP”. Đồng thời, tại kỳ họp bất thường ngày 25/6/2002 của HĐND thị trấn Xuân An, đơn vị này đã ban hành Nghị quyết số 07 NQ/HĐ “về việc điều chỉnh chia lại ruộng đất sản xuất nông nghiệp”. Cùng với đó, UBND thị trấn Xuân An xây dựng “Đề án điều chỉnh – chia ruộng đất nông nghiệp” ghi ngày 10/6/2002.

Các tài liệu nói trên của UBND thị trấn Xuân An đều nêu rõ những căn cứ pháp lý và nguyên tắc thực hiện việc điều chỉnh, giao ruộng đất phải được tiến hành theo quy định tại Nghị định 64-CP của Chính phủ, theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 12/6/2001 của tỉnh Hà Tĩnh và theo Đề án số 491-ĐA/UB ngày 5/9/2001 của huyện Nghi Xuân.

Tuy nhiên, đề án của UBND thị trấn Xuân An nói trên (do lãnh đạo UBND thị trấn Xuân An cung cấp cho phóng viên) lại không có chữ ký của lãnh đạo đơn vị này và không đóng dấu. Trả lời phóng viên, ông Trần Văn Ngọc – cán bộ địa chính thị trấn Xuân An – cho biết tài liệu nói trên là bản lưu duy nhất được tìm thấy tại đây.

Ông Ngọc cho biết, năm 2016, UBND thị trấn Xuân An chỉ căn cứ vào đề án nói trên và một cuốn sổ viết tay có danh sách các hộ dân được chia đất nông nghiệp (năm 2002) để làm hồ sơ đề nghị UBND huyện Nghi Xuân cấp GCNQSDĐ cho người dân thị trấn Xuân An.

"Đề án điều chỉnh - chia ruộng đất nông nghiệp" do UBND thị trấn Xuân An cung cấp cho phóng viên khống thấy ký tên, đóng dấu.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ chuyên trách công tác tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh (đề nghị không nêu tên) cho rằng việc thực hiện giao nông nghiệp như trên tại thị trấn Xuân An cần phải được xem xét lại bởi các cơ quan có thẩm quyền.

“Trước hết xã (thị trấn) phải xây dựng đề án, lập danh sách các hộ gia đình được giao đất với thông tin cụ thể bao nhiêu thửa, diện tích bao nhiêu kèm sơ đồ cụ thể. Đề án và danh sách này được gửi lên UBND huyện, khi nào huyện phê duyệt thì xã (thị trấn) mới được thực hiện giao đất. Trong trường hợp nếu có các hộ gia đình không có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất và nhà nước thu hồi thì phải thể hiện bằng văn bản chứ không thể nói bằng miệng”.

Để tìm hiểu rõ hơn sự việc nói trên, ngày 21/12/2017, phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Hải Nam – Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân. Sau đó, ông Nam cho biết sẽ đã chỉ đạo các phòng chuyên môn làm việc với phóng viên để cung cấp thông tin và các tài liệu liên quan đến sự việc.

Tuy nhiên, liên tiếp nhiều ngày sau đó, phóng viên nhiều lần đến tìm gặp ông Lê Vỹ Hoàng – Phó trưởng phòng (phụ trách) Phòng TN&MT huyện Nghi Xuân – thì ông Hoàng đều đi vắng. Liên hệ qua điện thoại, nhiều lần ông Hoàng cho biết đang bận đi họp hoặc đi cơ sở. Khi phóng viên đề nghị ủy quyền cho cấp dưới cung cấp tài liệu thì ông Hoàng nói cần xin ý kiến của chủ tịch huyện (!?).

Báo Gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc....

Tác giả: Trọng Hùng

Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP