Tin Hà Tĩnh

Đám cưới đơn sơ nơi tuyến lửa Trường Sơn

Giờ đã ở tuổi làm ông, làm bà nhưng mỗi khi kể lại kỷ niệm lần đầu gặp nhau ở Tây Trường Sơn, vợ chồng ông Điện Văn Hà – bà Ngô Thị Vân vẫn nhớ như in mỗi khoảnh khắc thanh xuân trên tuyến đường huyền thoại.

Những năm tháng thanh xuân ở con đường huyền thoại

“Có lẽ lúc ấy, chiến tranh ác liệt quá, gặp nhau lần nào cũng vội nên mỗi giây phút bên nhau chúng tôi đều hết sức trân quý. Đến bây giờ, hơn nửa thập kỷ trôi qua mà tôi vẫn cảm giác còn như mới ở trong này”, ông Điện Văn Hà cười chỉ vào mái đầu đã bạc của mình, bắt đầu câu chuyện.

Ông Điện Văn Hà (SN 1938) tại làng làng Trung Lân (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh). Năm 1963, ông tình nguyện nhập ngũ và được bổ sung vào Đoàn 559.

Điểm đến đầu tiên của ông là khu vực tỉnh Xa-va-na-khẹt (Lào). Tại đây, ông làm nhiệm vụ gùi thồ, vận chuyển quân trang, quân dụng, lương thực cho chiến trường miền Nam.

Năm 1965, ông Điện Văn Hà được điều đến hạ Lào làm chuyên gia quân sự giúp nước bạn xây dựng lực lượng, củng cố vùng giải phóng để kháng chiến lâu dài.

Ông Điện Văn Hà – từng là chuyên gia quân sự tại nước bạn Lào.

Cùng thời gian này, cô thiếu nữ Ngô Thị Vân trú tại xã Thạch Phú (nay là phường Hà Huy Tập) cũng ở độ tuổi tràn đầy nhiệt huyết “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

“Lúc ấy, tôi chỉ mới 19 tuổi, vóc người tôi thấp bé nhẹ cân chỉ được 37kg. Sợ không trúng tuyển, trước khi vào khám, tôi cố ăn một đùm cơm thật to, uống hết 1 bi đông nước. May sao lên cân lại được gần 40kg thế là được chọn. Khi tôi về thông báo cho gia đình, mẹ tôi khóc ngất đi vì lúc đó tôi là con đầu trong gia đình, phía sau còn 6 em nhỏ dại. Nhưng sau một ngày thuyết phục mẹ tôi không muốn nhưng cũng đồng ý cho tôi đi”, bà Vân kể lại.

Sau hơn 1 tuần được tập kết tại khu vực xã Thạch Hương (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), cô Vân cùng nhiều chị em được cấp trên phân phó đi bộ hơn 20km để lấy lương thực chuẩn bị cho chuyến hành quân dài ngày. Tranh thủ trên đường, Vân ghé qua nhà thăm mẹ và các em.

“Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng 2 mẹ con gặp nhau. Năm 1968, khi tôi đang làm nhiệm vụ tại Lào thì hay tin mẹ mất. Nhưng lúc này do nhiệm vụ nên không về để tang mẹ được…”, kể đến đây giọng bà Vân nghẹn lại, đôi mắt bà đỏ hoe.

Phải một lúc bà mới tiếp tục câu chuyện còn dang dở. Rời điểm tập kết, các tân binh cùng đợt với bà hành quân hơn 1 tháng đến khu vực đỉnh 050. Bà được phân công về C3 thuộc Binh trạm 31 Đoàn 550 làm thanh niên xung phong bảo vệ tuyến đường 128 tại nước bạn Lào.

“Mùa mưa chúng tôi chặt cây đòng đanh lát kín đường tránh lầy để đảm bảo xe qua thông tuyến. Mỗi ngày chúng tôi phải chặt và lát được từ 40 - 70 cây. Mặc dù vóc người nhỏ bé nhưng nhiều ngày đỉnh điểm tôi chặt và lát được 60 cây. Mùa khô chúng tôi lại đi đập đá để làm đường. Mọi công việc hoàn toàn bằng tay chân, thời gian đầu chưa quen ngày nào cũng bị búa đập trúng tay bầm tím. Không kịp hồi thương, ngày mai chúng tôi lại tiếp tục công việc”, bà Vân kể.

Đôi vợ chồng già hào hứng kể lại những năm tháng công tác tại tuyến lửa Trường Sơn.

Đến năm 1966, bà Vân được đi học tại Bệnh viện Quân y của Đoàn 559 tại Sa- va- na – khẹt (Lào). Sau 6 tháng học tập bà chuyển sang ngạch bộ đội tại Binh trạm 31. Công việc của bà là làm giao liên tải thương binh và dẫn đường cho bộ đội.

Cũng tại đây bà gặp mối tình đầu cũng là người chồng của mình ông Điện Văn Hà.

Vượt hơn 500km để tìm đồng hương

Nhớ lại lần đầu tiên gặp nhau, đôi vợ chồng già thoáng chút ngượng ngập. Đã gần 50 năm trôi qua, nhưng những giây phút thiêng liêng đó vẫn được ông bà cất giữ trong tâm trí của mình.

Đó là vào cuối năm 1970, ông Điện Văn Hà được cấp trên phân công nhiệm vụ đi học tại miền Bắc Việt Nam. Ông cùng một số cán bộ chiến sĩ đi bộ hơn 500km băng rừng ra Bắc làm nhiệm vụ. Trên đường đi, khi dừng chân tại Binh trạm 31, nhớ lại lời giới thiệu của một người bạn về cô gái Hà Tĩnh tên Vân, ông đã tranh thủ hỏi thăm và tìm gặp.

Nhớ lại ấn tượng ban đầu gặp gỡ, bà nhìn ông cười: “Hồi đó ông nhà tôi có được đẹp lão như bây giờ đâu. Da dẻ xanh bủng vì ở trong rừng lâu năm, người gầy gò, nên tôi cũng không chú ý lắm”.

Nhưng khi biết ông là đồng hương lại cách nhà chưa đầy 5km, bà Vân vui vẻ hỏi han tiếp chuyện. “Giữa đại ngàn Trường Sơn, mưa bom khói đạn mà gặp được đồng hương hồi đó trân quý và kỳ diệu lắm”, bà chia sẻ.

Xuất phát từ tình đồng hương, họ dần cảm mến nhau từ lúc nào. Sau 3 ngày làm quen, chàng chuyên gia quân sự mở lời xin được cưới. Thoáng do dự nhưng sau một ngày suy nghĩ bà đồng ý.

“Không chỉ riêng chúng tôi mà nhiều đám cưới ngày xưa cũng chỉ được làm quen ít ngày như thế. Bởi mưa bom đạn lạc, gặp được nhau và cảm mến nhau đó là một cái duyên rồi”, bà tâm sự.

Sau khi báo cáo với cấp trên đám cưới của đôi vợ chồng trẻ được diễn ra ngay tại căn hầm của binh trạm của nhà gái. “Khỏi phải nói nghe tin có đám cưới mọi người vui mừng như thế nào. Các anh chị em trong đơn vị mỗi người một tay xúm lại vừa trang trí vừa chuẩn bị phòng tân hôn cho chúng tôi. Quà cưới chỉ là 1kg kẹo sôcôla Hà Nội và 2 tút thuốc Tam Đảo nhưng vui và rất đầm ấm”, ông Hà bồi hồi.

Rời quân ngũ, đôi vợ chồng cựu binh luôn chia sẻ, chăm sóc cho nhau ở tuổi xế chiều.

Cưới xong ông bà lại tạm chia tay, ông ra Bắc học tập còn bà được phân công công tác tại Viện 52 của Đoàn 559 đóng ở Quảng Bình.

Giữa năm 1971, đôi vợ chồng trẻ mới có dịp hội ngộ khi ông kết thúc khóa học, quay trở vào miền Nam nhận nhiệm vụ mới. Và kể từ khi đó, ngót nghét hơn 5 năm họ đằng đẵng xa nhau. Bao nhớ nhung, chỉ được gửi gắm qua những bức thư.

Ông Hà chậm rãi đọc cho chúng tôi nghe 1 đoạn trong bức thư ông viết gửi bà: “Em ơi! Hoa nở ra trong mùa xuân ấm áp, hạnh phúc của chúng ta được xây trong bão táp, phong ba. Giữ lấy nó em nhé! Đừng để mất đi những cái gì đáng yêu, đáng quý của chúng ta… Có lẽ khi nào gặp lại em anh sẽ bù đắp cho em tất cả những gì đã mất đi trong những chuỗi ngày xa cách này. Em đồng ý chứ, em đừng buồn em nhé!... Em hãy công tác thật tốt chờ ngày thống nhất, anh sẽ về bên em…”

Nhắn gửi cho người vợ nhưng chính bản thân ông cũng tự động viên mình trong những năm tháng ấy.

Đến năm 1976, khi đất nước đã hòa bình, Bắc Nam thống nhất, ông Điện Văn Hà xuất ngũ trở với quân hàm thượng uý. Ông bà lại cùng nhau trở về xây dựng quê hương và thực hiện những điều họ còn dang dở trong những năm tháng xa nhau bởi chiến tranh.

Hiện nay, dù tuổi đã cao nhưng đôi vợ chồng già vẫn hăng hái tham gia các tổ chức đoàn thể địa phương. Đặc biệt, họ đều là những hạt nhân quan trọng làm cầu nối gắn bó các thế hệ lính Trường Sơn trên địa bàn Thành phố Hà Tĩnh.

Tác giả: Phượng Vũ

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP