Pháp luật

Đại gia Lê Thanh Thản bị khởi tố, sao vẫn tại ngoại?

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can Lê Thanh Thản về tội “Lừa dối khách hàng”, 6 bị can khách bị khởi tố về tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm”.

Tại cuộc họp báo Bộ Công an chiều 25/6, trả lời báo chí về vụ án xảy ra tại dự án Đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư Bemes (CT6), trên địa bàn phường Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) liên quan tới ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can Lê Thanh Thản, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes cùng 6 bị can khác.

Trong đó, 6 bị can bị khởi tố về tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm”. Còn ông Lê Thanh Thản về tội “Lừa dối khách hàng”.

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.


Đại tá Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh, hiện đơn vị đang tích cực điều tra và sớm có kết luận, đưa ra truy tố các bị can trước pháp luật.

Trước đó, ngày 5/7/2019, Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản về tội "lừa dối khách hàng" theo quy định tại điều 198 Bộ luật hình sự 2015 nhưng được cho tại ngoại.

Liên quan vụ án trên, Công an TP Hà Nội cũng khởi tố các bị can: Nguyễn Duy Uyển (SN 1964, Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội); Mai Quang Bài (SN 1960, cán bộ Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Hà Đông); Vương Đăng Quân (SN 1958, nguyên Chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông, cùng về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Lê Thanh Thản là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes. Doanh nghiệp này bị cáo buộc vi phạm pháp luật khi dự án CT6 Bemes (ở quận Hà Đông) được phép quy hoạch hai tòa nhà nhưng chủ đầu tư đã xây dựng ba tòa.
Theo thiết kế được duyệt, dự án CT6 Bemes có 936 căn hộ cao tầng và 34 căn thấp tầng, biệt thự liền kề. Tuy nhiên, công ty của ông Thản đã xây tổng cộng 1.590 căn hộ (tăng 654 căn) và 38 căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng. Riêng tòa xây thêm CT6C có 447 căn hộ.

Tháng 5/2018, người dân mua nhà dự án chung cư CT6 có đơn gửi các cơ quan chức năng TP Hà Nội đề nghị cấp sổ đỏ. Các cư dân cho hay năm 2012, họ đóng tiền mua căn hộ tại chung cư CT6 và một năm sau thì chuyển về sinh sống. Lúc này người mua mới phát hiện là mua phải nhà không phép, xây sai quy hoạch, không làm được sổ đỏ…

Trả lời chất vấn HĐND TP Hà Nội tại kỳ họp vào tháng 7/2017, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2016, Thanh tra Hà Nội đã chuyển sang Công an Hà Nội điều tra vi phạm pháp luật của một số đơn vị thuộc Tập đoàn Mường Thanh, trong đó điển hình là DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên. Theo ông Khương, doanh nghiệp do ông Thản làm chủ tịch triển khai rất nhiều dự án trên địa bàn TP và qua điều tra đều có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý nhà ở.

Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội tháng 12/2017, trả lời chất vấn đại biểu HĐND vì sao chưa khởi tố vụ án sai phạm liên quan đến Tập đoàn Mường Thanh, Trung tướng Đoàn Duy Khương giải thích cơ quan điều tra đã đề xuất Sở Tài chính, cơ quan chuyên môn đánh giá thiệt hại nhưng đến giờ chưa nhận được kết quả giám định, nên chưa có cơ sở để khởi tố vụ án.
"Tuy đây là donh nghiệp tư nhân nhưng cũng là một doanh nghiệp lớn có hơn 20.000 lao động ở 40 tỉnh, thành và Lào. Vì vậy phải điều tra xác minh với tinh thần tích cực, khẩn trương nhưng phải thận trọng, vì sẽ tác động, ảnh hưởng tới đời sống người lao động, cũng như các khách hàng đã mua và đang ở tại các dự án của doanh nghiệp này"- Trung tướng Đoàn Duy Khương khi đó nói.

Dư luận cũng băn khoăn việc "đại gia" Lê Thanh Thản về tội "lừa dối khách hàng" nhưng được cho tại ngoại?

Theo quy định, tội "lừa dối khách hàng" là tội được đánh giá ít nghiêm trọng nên người phạm tội này sau khi nhận tống đạt quyết định khởi tố bị can thì không bị tiến hành tạm giam và được tại ngoại. Hơn nữa, ông Thản có nơi cư trú rõ ràng, việc tại ngoại không ảnh hưởng đến quá trình điều tra vụ án.

Hành vi lừa dối khách hàng là tội phạm được quy định tại điều 170 bộ luật Hình sự năm 1985, điều 162 bộ luật Hình sự 1999 và hiện nay là điều 198 bộ luật Hình sự năm 2015.

Tội lừa dối khách hàng theo điều 198 bộ luật Hình sự 2015:

1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 5 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm.


Tác giả: Tâm Đức

Nguồn tin: Báo Kiến Thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP