Kinh tế

Đại gia lan đột biến vừa bị bắt giàu cỡ nào?

Công ty Đông Bắc Hải Dương do 2 anh em song sinh Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh điều hành có doanh thu tăng gấp hàng chục lần giai đoạn 2017-2019, từ 31 tỷ đồng lên 1.130 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận lại rất mỏng, chỉ vài trăm triệu đồng mỗi năm.

2 anh em ông Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh - người thứ 2 và thứ 4 từ trái qua. Ảnh: Internet.


Ngày 27/8 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại CTCP Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị có liên quan.

Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều người tham gia đường dây khai thác than lậu này. Đáng chú ý, trong số này còn có 2 người từng được biết đến là đại gia chơi lan đột biến nổi danh qua internet là 2 anh em song sinh Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh (SN 1989).

Ngoài ra, CO3 đã ra lệnh bắt tạm giam một số cá nhân khác gồm: Châu Thị Mỹ Linh, Giám đốc Yên Phước; Hà Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Đông Bắc Hải Dương; Bùi Mạnh Cường, Giám đốc và Ngô Đăng Hải, Phó Giám đốc Đông Bắc Hải Dương; Ngụy Quang Thuyên, nhân viên Yên Phước; Doãn Thị Định, nhân viên kế toán Yên Phước; Bùi Hữu Thương, quản lý bãi than tại mỏ đá Núi Voi của Đông Bắc Hải Dương; Bùi Hữu Khoa, quản lý khai thác than của Đông Bắc Hải Dương...

Theo cơ quan điều tra, bà Châu Thị Mỹ Linh, Tổng Giám đốc Yên Phước đã câu kết, bàn bạc với Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang là người điều hành Đông Bắc Hải Dương tổ chức thực hiện khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại Mỏ than Minh Tiến (xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) thu lợi bất hợp pháp hàng trăm tỷ đồng.

Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, CTCP Yên Phước thành lập vào năm 2012, trụ sở chính tại xóm Nhất Trí, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Người đại diện theo pháp luật, kiêm Giám đốc là bà Châu Thị Mỹ Linh.

Yên Phước là cái tên không quá xa lạ với dư luận. Hồi tháng 8/2020, Yên Phước bị UBND tỉnh Thái Nguyên phạt gần 500 triệu đồng với hàng loạt sai phạm tại mỏ than Minh Tiến. Cụ thể, từ năm 2018 đến 2020, doanh nghiệp khai thác mỏ than này liên tục để xảy ra sạt lở bãi thải vùi lấp đất cấy lúa, mương nước, nổ mìn nứt gần 80 nhà và công trình của người dân địa phương với nhiều thiệt hại chưa được khắc phục.

Cũng trong khoảng thời gian này, Yên Phước còn gây chú ý khi có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ tố cáo một số vi phạm của các ông: Lê Kim Phúc, Bí thư Huyện uỷ Đại Từ; Phạm Quang Anh, Chủ tịch và Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty...

Về tình hình tài chính của Yên Phước (công ty mẹ), dữ liệu cho thấy công ty này lỗ thuần 6,2 tỷ đồng năm 2019; lỗ 4,9 tỷ đồng năm 2018; và lỗ 312 triệu đồng trong năm 2017.


Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản công ty tại ngày 31/12/2019 là 114,5 tỷ đồng, giảm gần 1,4% so với số đầu năm; vốn chủ sở hữu 88,5 tỷ đồng, giảm hơn 6,5%.

Đối với Đông Bắc Hải Dương, công ty này mới thành lập vào giữa năm 2017, đóng trụ sở tại Khu 2 Bích Nhôi, phường Minh Tân, thị xã Kinh Môn, Hải Dương. Người đại diện theo pháp luật đồng thời đứng tên sở hữu công ty là ông Bùi Minh Cường (SN 1984).

Khác với Yên Phước, Đông Bắc Hải Dương (công ty mẹ) gây ấn tượng với tình hình tài chính tăng trưởng mạnh trong 3 năm trở lại đây (2017-2019).

Tính riêng năm 2019, công ty đạt 1.130 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gấp gần 2,5 lần so với năm 2018, và gấp 36 lần năm 2017.

Doanh thu cao là vậy, nhưng lãi thuần công ty sau khi trừ đi các chi phí chỉ còn vọn vẹn từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Trong đó, năm 2019 đạt mức lãi thuần cao nhất giai đoạn 2017-2019 với con số là 817 triệu đồng, tương đương biên lãi thuần chỉ là 0,07%.

Dù không trực tiếp đứng tên sở hữu hay quản lý, song 2 anh em sinh đôi Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang được cơ quan điều tra xác định là người điều hành Đông Bắc Hải Dương tổ chức thực hiện khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại Mỏ than Minh Tiến.

Hồi tháng 3 năm nay, cặp anh em sinh đôi này gây xôn xao dư luận với màn giao dịch lan đột biến giữa nhà vườn tại Mạo Khê, Quảng Ninh với nhà vườn tại Hải Phòng. Với giao dịch này, anh em họ Bùi nhận số tiền 250 tỷ đồng. Đây là số tiền trả cho 2 nhánh gốc, 4 mầm của lan đột biến 5 cánh trắng Ngọc Sơn Cước dài 1,1m và có tất cả 48 lá.

Trang cá nhân Facebook của hai đại gia này thường xuyên giới thiệu nhiều tài sản có giá trị như đồng hồ nhãn hiệu Richard Mille, hay dàn xe gồm chiếc Rolls Royce Cullian (trị giá 29 tỷ đồng), Range Rover SVAutobiography...

Một dữ liệu của khác cho thấy, cũng tại Kinh Môn (Hải Dương) có CTCP Vàng bạc đá quý Tân Thời Đại (thành lập ngày 29/5/2018) với 4 cổ đông sáng lập, trong đó, có các cổ đông Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang cùng ngày tháng năm sinh và hộ khẩu thường trú với 2 đại gia lan đột biến vừa bị bắt.

Tác giả: Hữu Bật

Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP