Trong nước

Đại biểu QH tranh cãi về phát ngôn bảo vệ bác sĩ Hoàng Công Lương

Nhiều đại biểu Quốc hội (QH) nêu quan điểm bác sĩ Hoàng Công Lương có thể vô tội, song có ý kiến cho rằng "những phát biểu bên lề có thể không đem lại sự thuận lợi, đúng đắn, tạo sức ép không cần thiết với toà án".

Sáng 26-5, tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về vấn đề kinh tế-xã hội, đại biểu (ĐB) Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị Thủ tướng tập trung xây dựng thể chế, tăng cường kỷ cương trong thời gian tới.

Chặn tham nhũng, bổ nhiệm thần tốc

Ông nói: "Tôi tán thành Chính phủ đề ra phương châm 10 chữ "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả", trong đó kỷ cương được đặt lên hàng đầu. Điều này là hoàn toàn phù hợp vì hành pháp là nhánh quyền lực rất mạnh, đa hệ, đa năng. Nếu không có kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ trong điều hành thì sẽ rơi vào tình trạng sai một ly, đi một dặm".

ĐB tỉnh Bến Tre cũng chỉ ra Chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp về sự giàu mạnh hay hèn yếu của đất nước, hạnh phúc của nhân dân và đề nghị Chính phủ luôn kiểm soát bộ máy hành chính theo phương châm trong 10 chữ nêu trên.

Góp ý vào vấn đề kinh tế, ông đề nghị Chính phủ nâng cao chất lượng tăng trưởng, tập trung vào xây dựng hạ tầng kết nối như sân bay, bến cảng, đường xá, mang lại phồn vinh cho đất nước.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh yêu cầu xây dựng thương hiệu Việt thông qua xây dựng một nền kinh tế nhân văn, một nền sản xuất kinh doanh có đạo đức. Bởi vì, đó là tinh thần căn bản của một nền "kinh tế tử tế", trong đó mọi người biết tự trọng, biết yêu giống nòi Tổ quốc, không kiếm tiền bằng mọi giá, không làm lợi bằng cách đầu độc con người.

Về công tác cán bộ, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng những chính sách, chỉ đạo của Thủ tướng phải được thực hiện đến từng người đứng đầu bộ, ngành, địa phương thì mới có thể truy được trách nhiệm nếu cán bộ, lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ, mới hạn chế được tình trạng "trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh" như hiện nay.

"Trước hết, có thể đình chỉ những cán bộ hành dân, hành doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tham nhũng lãng phí, nhất là trong thu chi ngân sách nhà nước, bằng giả, thăng tiến thần tốc, nâng đỡ không trong sáng, các dự án ngàn tỉ đắp chiếu… Nhân dân rất mong chờ sớm có sự chuyển biến trong vấn đề này"- ĐB tỉnh Bến Tre thẳng thắn.

ĐB có nên phát ngôn bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội?

Nhắc đến vụ việc toà án xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương vì liên quan đến 9 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình, ĐB Bùi Sỹ Lợi tâm tư: "Qua vụ xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương, tôi rất băn khoăn, kết tội thế này rất ảnh hưởng tới nền y tế. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế nói thêm về vấn đề này. Cá nhân tôi cho rằng bác sỹ Hoàng Công Lương có thể vô tội".

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho rằng mọi phát ngôn của ĐB Quốc hội về việc bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội hay có tội đều là cảm tính. Bởi lẽ, toà án đang trong quá trình luận tội, chưa có bất cứ phán quyết nào cả. "Những phát biểu bên lề có thể không đem lại sự thuận lợi, đúng đắn, tạo sức ép không cần thiết với toà án" - ông Sinh nhận xét.

Theo ĐB Sinh, QH ban hành Bộ luật Hình sự, Tố tụng hình sự, bảo đảm đầy đủ quyền con người, quyền công dân. Nếu đại biểu QH thấy có cơ sở tham gia giải quyết vụ án thì pháp luật cũng có quy định để ĐB tham gia một cách chính danh

Giơ biển tranh luận với ĐB Sinh, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cho rằng các phát biểu của ĐB Quốc hội là thể hiện quyền của người ĐB nhân dân. Bà khẳng định: "Ở đây, không phải định hướng cho toà. Toà cũng có thể có sai lầm. Thông qua nghị trường và báo chí, chúng tôi phát biểu và chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình".

Bà Lan cũng dẫn chứng đã có những tiền lệ về việc nhờ các phát ngôn, các ý kiến của ĐB, của xã hội mà vụ án đã được toà cấp cao xử lại, như vụ VN Pharma.

"Tất cả những gì chúng ta làm đều có thể dẫn đến hậu quả lớn với ngành, với nhân viên y tế. Chúng tôi muốn đánh giá đúng người đúng tội, bảo vệ lẽ phải, sự thật, bảo vệ cho nhân viên của mình" - ĐB Lan bày tỏ.

Tác giả: Thuỳ Dương

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP