“Hiện có một trường hợp đặc biệt là nguyên TGĐ Nhà máy bia Huda Huế đang hưởng lương hưu 65 triệu đồng/tháng, còn cao hơn rất nhiều Chủ tịch Quốc hội hiện nay”.
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Lương hưu TGĐ bia Huda Huế 65 triệu đồng/tháng (Ảnh ND)

ĐBQH đoàn Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu bất cập khi Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) chiều 23/10.

Theo TS Bùi Sỹ Lợi, mục tiêu sửa luật BHXH lần này xuất phát từ 2 yêu cầu: Hiến pháp quy định công dân có quyền đảm bảo an sinh xã hội. Thứ hai, nghị quyết 21 của Bộ Chính trị cũng nêu phải mở rộng đối tượng để đến năm 2020 đạt 50% lực lượng lao động, tương đương khoảng 25 triệu lao động tham gia vào hệ thống BHXH.

Về mở rộng đối tượng, người lao động làm việc thời vụ dưới 3 tháng với 9,4 triệu đang làm việc trong các cơ sở sản xuất, theo ông Lợi, nếu không đưa đối tượng này vào thuộc diện bắt buộc đóng sẽ tạo cơ hội cho chủ sử dụng lao động không bao giờ ký hợp đồng lao động với đối tượng này.

Theo quy định, lương hưu của người nghỉ hưu không thấp hơn lao động cơ sở, như vậy chúng ta đã đặt sàn an sinh cho đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Công thức tính lương hưu để đảm bảo cân bằng quỹ là vấn đề được đề cập nhiều. Ông Lợi cho biết, khi ban hành luật 2006, lẽ ra lương tương ứng chỉ 38%, nhưng do đời sống người lao động khó khăn nên đã tăng thêm 7% để đạt tỷ lệ 45%. Do vậy cần phải có lộ trình để giảm bao cấp của nhà nước.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi phân tích, hiện nay mức đóng BH thấp, chỉ 70% trên tiền lương thực tế, trong khi đó hưởng lương thì rất cao. Ông dẫn dụ, hiện nay có một trường hợp rất đặc biệt là ông Nguyễn Minh – nguyên Tổng giám đốc Nhà máy bia Huda Huế, hiện hưởng lương hưu 65 triệu đồng/tháng, còn cao hơn rất nhiều Chủ tịch Quốc hội hiện nay.

Trong bối cảnh về hưu rất sớm trong khi tuổi thọ ngày càng kéo dài, theo ông Lợi nếu không tính theo nguyên tắc cơ bản để đảm bảo cân bằng quỹ thì rất khó khăn. Do vậy cần phải kéo dãn lộ trình ra để cho người lao động về hưu trước và sau khi Luật có hiệu lực giảm sự chênh lệch.

Ông cũng đề nghị phải khắc phục được tình trạng về hưu sớm và về hưởng chế độ hưu một lần.

Theo ĐBQH Trần Thanh Hải, Chủ tịch liên đoàn lao động TP HCM, nếu áp dụng cách tính lương như dự thảo luật thì người lao động sẽ thiệt thòi. Vì như thế đối với nam phải mất 35 năm, nữ 30 năm mới được hưởng tối đa 75%, trong khi bình quân hiện nay là 30 và 25 năm. Do vậy, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định về cách tính toán lương hưu như luật hiện hành.

ĐBQH Lê Trọng Sang (PGĐ Sở Lao động TPHCM) cũng cho rằng, cách tính theo dự thảo luật sẽ làm thiệt người lao động, với mức lương hưu vào năm 2018 của lao động nam sẽ là 45% cho 20 năm đóng, thấp hơn so với người nghỉ hưu vào năm 2017 là 10%.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) cho rằng, nếu tính lương hưu theo cách mới như trong dự thảo luật thì sẽ là một bước thụt lùi, vì phải đóng BHXH nhiều hơn, nhưng mức hưởng hàng tháng khi về hưu lại giảm đi.

Đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi:

Trường hợp ông Nguyễn Minh- cựu Tổng giám đốc Công ty Bia Huế nhận lương hưu 65 triệu đồng/tháng là trường hợp cá biệt, bởi theo quy định của Luật BHXH trước đây, mức đóng bảo hiểm dựa trên mức lương thực tế. Do đó, nếu lương thực tế cao, tới hàng trăm triệu đồng/tháng thì đương nhiên khi về lưu người lao động sẽ được nhận lương “khủng”.

Cơ chế hưởng lương hưu quá cao như vậy thì trên thế giới không có, vì họ quan niệm: lương hưu là lương để bù đắp phần hao phí lao động, tuổi già mà khi không còn sức lao động được hưởng, chứ không hướng tới cuộc sống đàng hoàng bằng thu nhập lương hưu.

Theo nguyên tắc đóng/hưởng thì đóng càng nhiều, hưởng càng cao, nên chẳng tội gì họ không đóng tới mức tối đa để được hưởng nhiều khi về hưu.

Tình trạng lương lãnh đạo DNNN về hưu hưởng quá cao cũng tạo ra sự lệch lạc nhất định trong xã hội. Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này đã sửa quy định, mức tiền đóng bảo hiểm tối đa không được quá 20 lần tiền lương cơ sở để hạn chế bớt lương cao khi về hưu.

Về quản lý Quỹ BHXH thì bất kỳ quốc gia nào chi phí quản lý BHXH đều lấy từ tiền sinh lời. Không có Nhà nước nào bao cấp chuyện này, vì quỹ hoạch toán độc lập. Nếu muốn bảo toàn thì phải quản lý quỹ chặt chẽ và đem đầu tư để tăng trưởng để chống trượt giá. Lãi suất thu từ quỹ BHXH phải cao hơn trượt giá hàng năm, nên Chính phủ muốn có hình thức ủy thác đầu tư, nhưng các ĐBQH lại không muốn vì lo sợ rủi ro lớn.

Về ý kiến ĐBQH cho rằng bộ máy BHXH đang quá cồng kềnh thì quả đúng như vậy. Tôi cho rằng, bộ máy của BHXH phải giảm tối đa, cải cách thủ tục hành chính, công nghệ hóa thông tin. Chính phủ cũng đang yêu cầu BHXH giảm 50% số giờ giao dịch BHXH từ thu nộp, đóng bảo hiểm…

Nguyễn Hoài

Nguyễn Dũng