Người đương thời

Cuộc hội ngộ đặc biệt với cựu Trung tá CA xem bãi tha ma là…nhà

Từng công tác tại Công an thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), nghỉ hưu với quân hàm Trung tá, người đàn bà không chồng, không con mang hài cốt cha trở lại quê nhà Hà Tĩnh.

Để tri ân, báo hiếu cha mẹ, bà lập lán sống trong nghĩa địa, ngủ bên cạnh những ngôi mộ lạnh lẽo. Suốt 10 năm qua, bà sống tách biệt với bên ngoài và không nhận bất kỳ một sự giúp đỡ nào. Nhiều người dân xung quanh không dám ghé đến “nhà” bà vì sợ bị “ma ám”, họ gọi người đàn bà có tâm tính lạ lùng ấy là “dị nhân”.

Bà Phạm Thị Hải Huệ bỏ phố về sống trong nghĩa địa để báo hiếu mẹ cha? 

10 năm ẩn mình trong nghĩa địa

Phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc hạnh ngộ với nhân vật đặc biệt này trong một sáng chớm lạnh giữa tháng 11. Theo chỉ dẫn từ một người hàng xóm của bà Phạm Thị Hải Huệ (SN 1948) ở xóm 3, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), PV cũng đã tìm được đến “dinh cơ” của bà. Mặc dù được chuẩn bị tâm lý trước, nhưng khi tận mắt chứng kiến cảnh sống của người đàn bà này, tôi vẫn không khỏi sững sờ. Giữa lùm cây um tùm, một người đàn bà nhỏ thó, buộc tóc hai búi với trang phục khá “dị” ló ra hỏi: “Ai đó?”. Để vào được chỗ bà đứng, chúng tôi phải đi qua một lối đất nhỏ, hai bên rải rác những con cá biển, do chó mèo tha gặm ăn ngổn ngang khắp nơi.

Một số người dân địa phương cho biết, bà Huệ sống ở nghĩa địa này đã hơn 10 năm. Bình thường, bà rất ít khi ra khỏi khu vực đó, cuộc sống hoàn toàn tách biệt với bên ngoài. Bà sống khép mình, không giao du với bất kỳ ai, kể cả đứa cháu họ sống cách đó 200m.

Cuộc hội ngộ đặc biệt với cựu Trung tá CA xem bãi tha ma là...nhà - Ảnh 1

Túp lều trú ngụ của bà Huệ suốt 10 năm qua.

Sau một hồi chuyện trò, bà mới bắt đầu cởi mở chia sẻ và mời chúng tôi vào “nhà”. Gọi là nhà nhưng thực ra đó chỉ là một lán nhỏ, lụp xụp, thấp lè tè gần sát mặt đất, được giăng bởi tấm bạt xanh đã rách nát. Sát bên cạnh là một ngôi mộ được ốp gạch men. Ngay trước cửa lán, xoong nồi, bát đũa, các vật dụng sinh hoạt bày ngổn ngang. Để vào được trong lán, chúng tôi phải cúi gập người xuống. Chỗ nằm của cựu Trung tá công an là một tấm ván được lót bằng những miếng giẻ cũ, rách nát, bốc mùi ẩm thấp, dột nước. Vừa đi qua chỗ ngủ của bà, tôi giật mình hốt hoảng khi gặp ngay một ngôi mộ khác cũng được ốp gạch men sát đó. Bà tiếp tục đưa khách đến hai ngôi nhà đang xây dang dở. Chỉ vào trong một ngôi nhà có thiết kế kỳ dị, nơi có hai ngôi mộ không bia, bà Huệ cho biết đây là chốn an nghỉ của cha mẹ mình. Bên cạnh, một ngôi nhà đang xây dang dở khác được bà gọi là nơi đặt mộ phần cho người trong họ hàng.

Cuộc hội ngộ đặc biệt với cựu Trung tá CA xem bãi tha ma là...nhà - Ảnh 2

Bà Huệ xây nhà tránh mưa nắng cho hai ngôi mộ của bố mẹ mình.

Anh Phạm Sỹ Long, cháu ruột của bà Huệ cho biết, người đàn bà này rất ít khi đi ra ngoài vào ban ngày. Cần đi đâu, làm gì bà đều tiến hành vào ban đêm cho đến lúc trời về sáng, kể cả việc xây mộ. Ngoài ra, cách bà đối xử với các con vật nuôi cũng rất khác lạ. Khi chó sủa, mèo cào hay bò bám theo người, bà đều mắng yêu chúng. Ngay lập tức, những con vật này dừng các động tác dữ dằn của mình đối với người lạ, chạy lại bên bà ra chiều vâng lời. Theo người thân của bà Huệ, người đàn bà này còn có nhiều hành động khó hiểu tới dị biệt. Sau khi bán bò cho một người trong làng, bà còn bỏ tiền ra thuê luôn một người chuyên đi cắt cỏ mang đến cho nó ăn. Thỉnh thoảng, ban đêm bà lại rời nhà đến thăm nó, nói chuyện với nó một lúc rồi lại lần mò đi về trong bóng tối. Chính lối hành xử kỳ dị của bà khiến người dân xung quanh chẳng dám bén mảng tới nơi này vì sợ bị “ma ám”.

Bao năm qua, bà sống một mình nơi bãi tha ma này, tách biệt với cuộc sống bên ngoài, chỉ làm bạn với hai con chó, một ổ mèo và 3 con bò lông vàng óng. Bà rất ít khi cho người lạ vào khu vực sống của mình.

Sau một hồi chuyện trò, bà Huệ tự nhận mình từng mang hàm Trung tá công tác tại Công an thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) về hưu. Tại thành phố mỏ này, bà có nhà cửa, cơ ngơi đàng hoàng. Hiện đang cho một gia đình thuê, nhưng bao nhiêu năm qua chưa lấy một đồng tiền nhà nào từ họ. Nếu an phận, bà đã hưởng một cuộc sống an nhàn như bao cán bộ nghỉ hưu khác.

Mẹ mất từ khi bà mới 7 tuổi. Người cha đã thay mẹ nuôi nấng bà đến lúc trưởng thành. Khi ông mất, nguyện vọng cuối cùng là được chôn ở quê nhà, bên cạnh mộ của vợ mình. Bà vốn sống độc thân, không chồng con nên khi nghỉ hưu, bà đã cất bốc hài cốt của cha từ Quảng Ninh về lại quê nhà Nghi Xuân (Hà Tĩnh) để hai người được “đoàn viên”. Đồng thời, bà cũng chuyển về ở hẳn trong… nghĩa địa này, bên cạnh mộ phần của hai bậc sinh thành.

Cách báo hiếu lạ đời…

Để xác thực lời người đàn bà ấy kể, chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Kim Điểu, bạn vong niên của bà Huệ. Nói về bạn mình, ông Điểu cũng tâm sự thật: “Nhìn tận mắt, cô chắc khó có thể tin được bà ấy từng là cán bộ công tác tại bộ phận hậu cần Công an thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) nhỉ. Nhưng đó lại là sự thật đấy cô ạ. Thậm chí, tại thời điểm nghỉ hưu, bà ấy đang mang quân hàm Trung tá. Bà Huệ có nhà cửa đàng hoàng ở ngay thành phố Hạ Long. Trước đây, bà là một người phụ nữ bình thường, tâm tính hoàn toàn ổn định. Thế nhưng không hiểu sao, từ sau khi cha lâm bệnh qua đời, bà Huệ đã dần thay đổi cách sống, buồn phiền và ít tiếp xúc với người xung quanh. Đến năm 2003, nhận quyết định nghỉ hưu, bà càng sống tách bạch hẳn với bên ngoài, tâm trí cũng có phần hoang tưởng.

“Bà Huệ vốn là một người con rất hiếu thảo. Tôi vẫn nhớ như in câu chuyện 10 năm trước, khi bà quyết định đưa hài cốt của cha mình về quê nhà ở Nghi Xuân. Hôm đó, đơn vị chúng tôi đã bố trí một chuyến xe hộ tống bà về tận nơi. Khi xe về đến quê, bà yêu cầu lái xe chở thẳng ra nghĩa địa này, bà ấy ở lại đó cho đến tận bây giờ”, ông Điểu kể cho chúng tôi chuyện 10 năm trước.

Ông Điểu cho biết thêm, tiền lương hưu hàng tháng của bà Huệ, chính ông là người nhận thay và chuyển đến cho bà. Dù từng là bạn vong niên với nhau, nhưng ông cũng không thể hiểu vì sao bà Huệ thay đổi cách sống của mình theo hướng lập dị như vậy.

Mặc dù sống trong điều kiện thiếu thốn không có điện lưới, thông tin, nhưng bà luôn từ chối mọi sự giúp đỡ của Xã hội dành cho mình. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch xã Xuân Phổ nói về trường hợp đặc biệt này: “Chính quyền địa phương đã nhiều lần ghé thăm nơi ăn ở của bà Huệ, vận động, thuyết phục xây nhà cho bà, nhưng bà nhất mực từ chối. Lần nào đến, bà cũng bảo bản thân cảm thấy thoải mái với cuộc sống hiện tại nên nhường phần đó cho những người nghèo khó, cơ cực hơn. Thực ra, kinh tế của bà cũng không phải khó khăn nên chính quyền cũng không còn cách nào khác. Chúng tôi cũng rất mong có ai đó thuyết phục được bà thay đổi cách sống ấy”.

Trong câu chuyện của mình, bà Huệ thể hiện sự bức xúc trước việc những người dân xung quanh không chịu chặt bỏ mấy cây phi lao quanh mộ để bà làm đẹp thêm quang cảnh nơi yên nghỉ của hai cụ. Từ đây, bà có ác cảm với những người dân xung quanh. Hễ ai đến gần bà đều xua đuổi. Tôi may mắn khi được bà đồng ý tiếp chuyện sau khi nhắc nhở không được chụp ảnh, ghi hình.

Quá trình nói chuyện với PV, bà Huệ liên tục nói đến việc mình được Phật giao cho nhiệm vụ làm “công an âm”, quản lý tình hình An ninh trật tự của 3 xã thuộc huyện Nghi Xuân. Nhiều người cho rằng đây chính là lý do khiến bà rời bỏ phố thị để về nghĩa địa này sống lập dị suốt một thập kỷ qua. Những câu chuyện tâm linh, đậm màu sắc huyền bí qua giọng kể lưu loát, mạch lạc của người đàn bà ấy khiến người viết hoang mang giữa sự tỉnh táo và không bình thường của bà. Chia tay “dị nhân” này, tôi vừa thấy mông lung lại vừa thương cảm cho lối sống lập dị của người đàn bà có tâm tính không bình thường giữa bãi tha ma hoang dại.

LOAN NGUYỄN/ ĐS&PL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP