Cuộc sống

Cuộc chiến của anh chị em khi bố mẹ thiên vị tiền bạc giữa các con

Khi biết mẹ cho em trai khoản tiền lớn để mua nhà trong khi chẳng giúp mình một đồng, chị Rachel Hill (người Anh) rất bất mãn.

"Khi tôi nhờ giúp đỡ tài chính lúc chật vật, mẹ bảo tôi nên tự lo", người phụ nữ 35 tuổi ở Anh kể. "Tôi buồn không phải vì món tiền mà bởi sự bất công của mẹ và suốt 12 năm qua, việc đó vẫn khiến lòng tôi bứt rứt", chị Rachel nói.

Nỗi ấm ức vì cha mẹ thiên vị không phải chuyện mới lạ gì, nhưng một nghiên cứu gần đây tại Anh cho thấy, ngày càng nhiều người nói rằng họ thất vọng và bất mãn khi thấy bố mẹ cho anh, chị em mình - thường là những người đang nợ nần, lương thấp - một món tiền lớn hơn họ.

Theo Theguardian, giống như chị Rachel, hơn 2/3 trong số 1.700 người được Tổ chức Equity Release Council khảo sát đã nói rằng việc bố mẹ trợ cấp tài chính cho một trong những đứa con đã trưởng thành ảnh hưởng tới tình cảm cả gia đình. Cứ 10 nhà thì có một nói rằng họ giấu giếm việc cho con tiền vì sợ gây xích mích.

"Sự cởi mở từng tồn tại trong gia đình tôi không còn nữa khi em trai tôi, Matthew, được bố mẹ cho 40 hay 50 ngàn bảng", chị Rachel kể. "Họ coi đó không phải là việc của tôi và khiến tôi thấy mình như người ngoài", chị nói.

Điều này cũng lý giải vì sao chị rất ít liên hệ với người thân ngoại trừ gửi thiệp giáng sinh, sinh nhật và lâu lâu ghé thăm. "Matthew chẳng phải đi thuê nhà và hiện giờ đã có 4 món bất động sản, tổng giá trị lên tới 4 triệu bảng trong khi tôi chẳng mua nổi mảnh đất và vẫn chật vật về tài chính", Rachel chia sẻ.

Cách đối xử của cha mẹ đôi khi vô tình khiến con ganh ghét nhau. Ảnh minh họa: AARP.

Rachel tin rằng lý do cho sự bất công trong nhà mình đơn giản là sự thiên vị. "Nó luôn là cậu con trai vàng của bố mẹ trong khi tôi dường như chỉ là một nỗi thất vọng. Điều này bắt đầu từ hồi bé cho tới lúc lớn, khi tôi thì kết hôn rồi có con, sống ở vùng quê còn Matthew trở thành nhân viên ngân hàng ở thành phố, nơi cậu ấy hái ra tiền. Tôi từng nghe cậu ấy nói với mẹ rằng: 'Mẹ đã đúng khi không cho Rachel tiền mua nhà. Chị ấy chẳng biết đầu tư gì cả'", chị kể.

Mặc dầu Charlotte Douglas, 25 tuổi, có một tuổi thơ hạnh phúc, cô vẫn cảm thấy cay đắng khi em gái Emma nhận được một khoản lớn từ cha mẹ. "Tôi và Emma từng rất thân thiết hồi còn bé và tôi đã nghĩ bố mẹ đối xử với cả hai khá công bằng. Điều đó càng khiến tôi đau lòng khi thấy họ cho riêng em gái một khoản to vào năm ngoái", Charlotte kể.

Cô gái này kể, em cô đang cố trả một khoản nợ và khoản tiền bố mẹ cho em ấy gần như là bí mật. Cô đã thử hỏi vài lần nhưng bố mẹ luôn nói đó là chuyện riêng. Để công bằng họ còn nói sẽ giúp khoản tương tự khi nào cô cần nhưng Charllotte không tin và vẫn thấy tổn thương.

Thực tế, theo Charlotte, em gái cô lại có khoản nợ mới. "Con bé không giỏi quản lý tiền bạc và giờ lại dễ dàng được giúp đỡ khi gặp khó nên tôi tự hỏi rồi nó sẽ thành người thế nào", cô chia sẻ.

Tình huống của Charlotte và Emma không hề hiếm. Theo khảo sát của Equity Release Council, 51% những người từ 18 đến 24 tuổi tìm đến cha mẹ khi cần tiền. Mặc dù tỷ lệ này giảm đi ở nhóm tuổi cao hơn, 34% với những người 24-34 tuổi và 29% với những người 35-44 tuổi - đây vẫn là những con số đáng chú ý. Khoảng 30% những người 18-54 tuổi nhờ cha mẹ trợ cấp khi khó khăn và chỉ 9% những đứa con đã trưởng thành cảm thấy xấu hổ khi ngửa tay xin tiền.

"Em trai tôi từng được bố mẹ đổ rất nhiều vốn liếng cho và nó chẳng ngại ngùng gì về việc đó", Jill Meads nói. Người phụ nữ 50 tuổi này nói rằng chị không hề cảm thấy ghen tỵ vì từ trẻ chị đã luôn cố gắng độc lập. "Tôi chỉ thấy bớt tôn trọng em mình và không muốn ở gần cậu ấy", chị bày tỏ.

Jill cho biết, mọi việc bắt đầu khi cậu em trai làm bố từ tuổi 19. "Bố mẹ tôi cho một khoản tiền cọc để mua ngôi nhà nhỏ vì muốn nó có khởi đầu tốt đẹp. Nhưng em trai tôi không chịu trả góp mỗi tháng và tiền thuế nên bố mẹ tôi lại nai lưng ra đóng nốt. Tôi biết gần đây họ đang lo sau này mình khuất núi thì con trai sẽ sử dụng tiền thừa kế thế nào và sống ra sao. Tôi giận em mình vì khiến cha mẹ phải căng thẳng như vậy", Jill kể.

Một hệ quả khác với Jill, mà ban đầu chính chị không nhận ra, là cách chị đối xử với các con mình. Chẳng hạn, nếu sinh nhật con lớn, chị tặng quà cho bé đó nhưng các con khác cũng có phần. Nếu thưởng cho một bé, chị chắc chắn sẽ làm tương tự trong tuần đó với đứa còn lại. "Tôi quyết tâm đối xử công bằng với các con, dù sau này chúng trưởng thành", chị nói.

"Jill đang cố đấu trong trận chiến hầu như không thể thắng", chuyên gia tâm lý Janice Hiller nhận định. "Cuộc sống không công bằng và chẳng dễ dạy trẻ điều đó. Tất nhiên, công bằng là một lý tưởng nhưng trong gia đình, nơi mỗi người có những tính cách, động cơ, nhu cầu hoàn toàn khác biệt - điều đó không phải lúc nào cũng thực hiện được và có thể một đứa con nào đó cần được dành nhiều thời gian, tiền bạc hay thậm chí cả tình yêu hơn từ bố mẹ so với các anh chị em", Hiller giải thích.

Nhưng bà cũng thừa nhận anh chị em trong nhà dường như khó chấp nhận điều này. "Vấn đề là chúng ta mong chờ sự công bằng trong gia đình mình, mặc dù điều đó là bất khả thi".

​Christopher Morris, 43 tuổi kể rằng anh từng vui sướng khi bố mẹ mua một ngôi nhà giá 180.000 bảng cho em trai Adam, dù mình đang khó khăn tài chính. "Adam chậm phát triển trí tuệ nên bố mẹ tôi luôn muốn giữ em ấy ở bên. Tôi và chị gái cảm giác việc đó chỉ kéo lùi em ấy. Vì vậy, khi bố mẹ nói sẽ mua nhà cho Adam, chúng tôi rất mừng, coi đó như bước đầu để em tôi có cuộc sống riêng", anh kể.

Cả Christopher và chị gái anh đều không coi việc này là bất công mặc dù họ chẳng nhận được xu nào từ bố mẹ kể từ khi rời nhà tự lập lúc tuổi teen. Thế nhưng, Adam lại không sử dụng ngôi nhà mới vì đã quen được mẹ nấu nướng, giặt đồ, chở đi... Vì thế, bố mẹ anh, ở tuổi ngoài 80, vẫn lo lắng cho tương lai của con và di chúc để lại cho Adam toàn bộ tài sản.

Christopher và chị gái ngao ngán vì hiểu Adam đâu biết dùng tiền và có thể sẽ mất tất cả chỉ trong một năm. Anh thừa nhận, ai cũng có giới hạn chấp nhận nhất định về mức ưu ái bố mẹ dành cho anh, chị em mình. "Thật đau lòng khi phải thừa nhận, chúng tôi ngày càng ít gắn bó với nhau hơn", anh nói.

Chuyên gia tâm lý Linda Blair không hề ngạc nhiên trước câu chuyện này. "Anh chị em, dù khi ở tuổi trung niên hay già hơn nữa, một cách vô thức, vẫn cạnh tranh trong việc thu hút sự chú ý và yêu thích của bố mẹ", bà nói.

David Spellman, một chuyên gia tâm lý lâm sàng cũng đồng ý với ý kiến này. "Sự ganh đua giữa anh chị em là bình thường, dù khi họ đã lớn và đó là lý do những sự kiện như năm mới, đám cưới và đám ma có thể khuấy động các cảm xúc mạnh mẽ này. Không những thế, bố mẹ không phải lúc nào cũng có tình cảm như nhau với từng đứa con, đặc biệt lúc chúng đã trưởng thành, khi cá tính đã được định hình và mỗi người có hoàn cảnh khác biệt. Mặc dù việc giúp đỡ một đứa con đang gặp khó khăn là điều hoàn toàn hợp lý, sự thật nghiệt ngã là nhiều gia đình lại gặp phải những hậu quả tiêu cực từ việc này.

Tác giả: Vương Linh

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: cuộc chiến , vợ chồng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP