Di tích - Thắng cảnh

Cúng cả thịt sống, thuốc Berberin cạnh tượng ‘thần hổ’ tại Chùa Hương Tích

Mong muốn bản thân mình “bệnh tật tiêu trừ”, hàng trăm người đã chen chúc thắp hương, khấn vái, đổ dầu gió lên mình tượng “hổ thần” trong chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Hành động tiếp theo là vuốt, sờ khắp tượng hổ rồi sờ vào những vị trí trên người. Thậm chí, có người còn cúng cả thuốc Berberin và thịt sống dưới chân tượng hổ.

“Hổ thần” chữa bách bệnh?

Theo thống kê của Ban quản lý (BQL) chùa Hương Tích, trong vòng 10 ngày (từ mồng 1 tới mồng 10 tết Ất Mùi) đã có khoảng 70.000 lượt du khách thập phương tề tựu về đây.

Ngoài ngôi thượng điện thì điểm đặt tượng “hổ thần” – con vật được coi là che chở cho “Công chúa Diệu Thiện” tránh mọi tai ương cũng là nơi “thu hút” du khách.

Hà Tĩnh, 'hổ thần', chùa Hương, chữa bệnh

“Hổ thần” được làm bằng bê tông, ở tư thế đang nằm nghỉ ngơi. Tượng được đặt ở phía bên phải, theo hướng đi lên khu vực Chính điện chùa Hương Tích. Ngay cạnh chỗ “hổ thần” có một chiếc bàn đá để người dân dâng lễ, thắp hương.

Không biết từ khi nào, nhiều người đi lễ chùa đã quan niệm, khi bản thân bị đau ở bộ phận nào (tay, chân, đầu, lưng…) thì chỉ cần tới thắp hương khấn vái, dùng dầu gió đổ lên thân tượng hổ, dùng tay xoa tượng rồi xoa lên bộ phận tương tự ở người thì bệnh sẽ lành?

Nhiều người trước khi xin sờ để chữa bệnh đã dâng lễ trước tượng. Và thứ lễ không thể thiếu là dầu phật linh, dầu gió hoặc dầu bạch hổ (được bày bán ở các điểm bán hương, vàng mã), thuốc chữa đau bụng Berberin, thậm chí thịt sống. Cũng có nhiều người chỉ thắp hương và khấn vái.

“Tôi bị đau lưng đã lâu, có uống thuốc nhưng không hết. Nay lên đây (chùa Hương Tích_PV) sờ lên lưng “hổ thần” để mong lành bệnh”, một người dân cho hay.

Khi PV đặt câu hỏi về “gốc tích” của việc này thì vị khách lí nhí “Chỉ nghe người ta nói vậy, chứ cũng chưa biết thế nào”.

Quan niệm trên chưa biết “linh nghiệm” đến đâu nhưng theo quan sát của PV VietNamNet, nhiều người đã đổ xô về vị trí tượng “hổ thần”, chen chúc nhau để thắp hương khấn vái rồi đổ dầu gió lên tượng hổ và sờ, xoa thân tượng.

Xâm phạm di tích!

Theo một vị du khách thì việc du khách sờ “hổ thần” chữa bệnh đã diễn ra nhiều năm nay. Tuy thế, xung quanh vị trí “hổ thần” không hề có biển nghiêm cấm hay hàng rào bảo vệ, cũng không có một ai phía cơ quan quản lý đứng ra nhắc nhở, hướng dẫn du khách.

Hà Tĩnh, 'hổ thần', chùa Hương, chữa bệnh

Trải qua nhiều năm cùng với lượng người “sờ” quá nhiều, từ phần đầu tới đuôi của “hổ thần” đã bị mất lớp sơn ngoài và ngày càng bị mòn sâu vào trong. Đặc biệt là phần lưng, đầu…

Ông Thái Kim Đỉnh, nhà nghiên cứu văn hóa Hà Tĩnh tỏ ra khá ngạc nhiên, bởi theo nghiên cứu của ông, ngày xưa tại chùa Hương Tích không hề có “hổ thần”.

Cũng theo ông Đỉnh, việc người dân sờ vào “hổ thần” để “tiếp xúc tâm linh” với mong muốn lành bệnh. Tuy nhiên, điều này là phi khoa học và không có giá trị thực tế. Chưa có một trường hợp nào sau khi sờ “hổ thần” thì hết bệnh.

“Hình ảnh này cũng giống như sĩ tử khi sắp thi đại học đều tìm tới Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) để sờ vào đầu rùa để cầu may cho kỳ thi với hy vọng đạt điểm cao”.

“Việc ai cũng muốn sờ vào “hổ thần” sẽ gây ra sự lộn xộn, hư hỏng di tích làm mất đi sự tôn nghiêm, linh thiêng tại chùa. Trách nhiệm này thuộc về BQL chùa Hương Tích. Đáng ra họ phải ngăn việc này, phải có người hướng dẫn để du khách hiểu”, ông Đỉnh nhận định.

Chính ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng BQL chùa Hương Tích cũng xác nhận việc người dân sờ lên hổ đá để chữa bệnh đã tồn tại nhiều năm.

“Trước kia cũng có biển nghiêm cấm du khách nhưng sau đó do số lượng du khách quá đông nên biển cấm cũng không ăn thua.

Đó là người dân truyền tai nhau thế thôi chứ về mặt khoa học thì không có, ông Huy nói.
Ông Huy tiếp lời, trước mắt sẽ hạn chế bằng cách “nhờ” các nhà sư tại chùa tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu. 

Còn việc gắn biển nghiêm cấm hay dựng hàng rào bảo vệ “hổ thần” thì phải xin ý kiến của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh?!”.

Một số hình ảnh do VietNamNet ghi lại:

Hà Tĩnh, 'hổ thần', chùa Hương, chữa bệnh
Rất nhiều người dân tập trung sờ lên người “hổ thần” với hy vọng sẽ lành bệnh.
Hà Tĩnh, 'hổ thần', chùa Hương, chữa bệnh
Bánh kẹo, hoa quả thậm chí là mía, trứng gà…là những lễ vật mà người dân dâng lên để “nhờ” “hổ thần” chữa bệnh.
Hà Tĩnh, 'hổ thần', chùa Hương, chữa bệnh
Thứ không thể thiếu trong lễ cúng nơi tượng hổ là dầu gió.
Hà Tĩnh, 'hổ thần', chùa Hương, chữa bệnh
Hành động này khiến cho chùa Hương khá lộn xộn, mất đi vẻ tôn nghiêm.
Hà Tĩnh, 'hổ thần', chùa Hương, chữa bệnh
Thậm chí du khách còn chen chúc ôm lên toàn thân tượng, xâm hại đến di tích trong chùa.
Hà Tĩnh, 'hổ thần', chùa Hương, chữa bệnh
Cảnh lộn xộn nơi chốn tôn nghiêm.
Hà Tĩnh, 'hổ thần', chùa Hương, chữa bệnh
Từ phần đầu tới đuôi của “hổ thần” bị mất lớp sơn ngoài và ngày càng mòn sâu vào trong bởi hành động “sờ” của người dân.
Hà Tĩnh, 'hổ thần', chùa Hương, chữa bệnh
Phần lưng, đầu tượng hổ đã bong hết phần sơn. Nếu không có biện pháp ngăn chặn sự xâm hại này, không lâu nữa bức tượng này sẽ biến chuyển, mất hết màu và hư hại.
Hà Tĩnh, 'hổ thần', chùa Hương, chữa bệnh
Hình ảnh tượng hổ cách đây 5 năm, khi đó màu sơn vàng vẫn còn nguyên bản.
Hà Tĩnh, 'hổ thần', chùa Hương, chữa bệnh
Thậm chí người dân đi lễ chùa còn cúng cả thuốc Berberin và thịt sống dưới chân tượng hổ.

Duy Tuấn – Văn Đức/ Vietnamnet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP