Đặc Sản Hà Tĩnh

Cu đơ Thư Viện: Giữ trọn niềm tin với thương hiệu

Sau khi chuyển từ vùng núi rừng Đá Bạc (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) về Đại Nài (TP Hà Tĩnh) sinh sống vào đầu những năm 80, gia đình ông bà Thư Viện bắt đầu buôn bán để kiếm kế sinh nhai. Cũng từ giai đoạn khó khăn này, những chiếc kẹo Cu đơ Thư Viện đầu tiên ra đời.

Sáng tạo từ kẹo lạc và Cu đơ Hương Sơn

Kể về cơ duyên từ đâu mà gia đình cô lại bắt đầu sản xuất kẹo Cu đơ trong hoàn cảnh còn rất khó khăn, cô Hương tâm sự: đầu những năm 80, cô và một người hàng xóm thường sang khách sạn số 2 (gần chợ Hà Tĩnh hiện nay) để lấy kẹo lạc về bán.

hatinh (2)
Những thành viên trong gia đình ông Bà Thư Viện, đặc biệt là hai cô con gái đã phải trải qua nhiều khó khăn, gian nan để xây dựng và giữ gìn thương hiệu truyền thống của gia đình.

“Những chiếc kẹo lạc này được làm rất đơn giản và còn thô sơ. Họ nấu rồi đổ trên giấy, vì vậy kẹo vừa cứng, vừa đen và dính chặt vào giấy. Hồi đó ở phường Đại Nài cũng như Thị xã Hà Tĩnh (nay là Thành phố Hà Tĩnh) chưa gia đình nào nấu kẹo cu đơ để bán. Khi nhìn thấy và ăn những chiếc kẹo lạc đó, tôi nghĩ, họ nấu từ mật mía và đậu phộng thì mình cũng làm được và có thể làm ngon hơn. Cùng với việc nghiên cứu thêm kẹo Cu đơ có nguồn gốc từ Hương Sơn vào thời điểm ấy, tôi đã nói bố mẹ mua nguyên liệu về mày mò, nghiên cứu công thức sao cho nồi kẹo thật ngon, hợp khẩu vị khách hàng để bán. Và cũng bắt đầu từ đây, ngoài gia đình tôi còn có thêm mấy gia đình cũng bắt đầu nấu kẹo Cu đơ để kinh doanh”, cô Đặng Thị Hương, cô con gái út của  ông bà Thư Viện tâm sự.

Vậy vì sao kẹo Cu đơ Thư Viện lại bán chạy và được người dân yêu thích hơn hết trong mấy gia đình nấu kẹo bán thời đó?

Theo chia sẻ của hai cô con gái gắn với thương hiệu kẹo Cu đơ từ những ngày đầu, đó là do thời đó chưa có máy kẹp bánh tráng như bây giờ nên các nhà nấu kẹo buộc phải dùng tay quạt bánh trên than. Những gia đình khác họ không khéo léo nên bánh khi quạt bị cong, vì vậy phải “dằn” xuống cho thẳng bánh nên chiếc bánh không thể chín và đẹp được. Riêng kẹo của gia đình ông bà Thư Viện, do cô Hương là người khéo tay, cẩn thận nên chỉ có cô quạt được chiếc bánh đa thẳng đẹp mà lại chính đều. Vì vậy kẹo Cu đơ của ông bà Thư Viện đẹp và ngon hơn hẳn so với kẹo của những gia đình còn lại nên được người dân và khách hàng lựa chọn nhiều hơn. Cũng bắt đầu từ điểm đặc biệt này, kẹo Cu đơ Thư Viện bắt đầu được biết tới, dù hàng bán lúc này vẫn còn chưa nhiều, đời sống cũng còn rất khó khăn.

Ngày đó, chỉ có cô Hương quạt được bánh đều và đẹp nên việc này cô đảm nhiệm  hoàn toàn. Vì quạt quá nhiều,  năm ngón tay cô Hương suốt ngày tiếp xúc gần than hồng nên thường xuyên phồng rộp, chai sạn cả năm ngón…

Gian nan gắn bó với kẹo Cu đơ

Khoảng năm 1982, gia đình nhỏ của cô Hương chuyển về xã Cẩm Tiến (huyện Cẩm Xuyên) ở, còn gia đình anh trai chuyển ra Đại Nài. Thời gian này, người con thứ hai là cô Đặng Thị Thảo đã lấy chồng và ở trong miền Nam, còn cô Đặng Thị Thanh vẫn đang theo học ở Đà Lạt.

Những nồi kẹo Cu đơ Thư Viện được nấu và bán trong vòng 24 giờ khi kẹo đang còn nóng hổi.

Sau khi chuyển về Cẩm Xuyên, chồng cô Hương làm nhà nước còn cô thì ở nhà nấu kẹo để bán.

Hồi đó, bán kẹo chưa được nhiều nhưng cô Hương cũng đã đủ chi tiêu và mua một sập lúa. Những nồi kẹo cô Hương nấu lại đều bán rất chạy và có tiếng tại đây.

Và gần cuối năm 1982,  gia đình người anh trai quay trở về Cẩm Xuyên ở và gia đình cô Hương lại chuyển về Đại Nài.

Một thời gian, khi thấy trước đó gia đình cô con gái út buôn bán ở Cẩm Xuyên khá đắt khách, nhà cửa trong đó lại rộng rãi; trong khi đó, ngày trước, ông bà Thư lúc chuyển từ rú Đá Bạc về chỉ mua ngôi nhà trên đất ở Đại Nài ở nên chính quyền thời điểm đó có gây nhiều khó dễ cho ông bà. Vì vậy, ông Thư đã tính bán ngôi nhà ở Đại Nài để cả gia đình chuyển hẳn về Cẩm Xuyên ở. Tuy nhiên, đất ở thời điểm ấy đất bán rẻ như cho, vì vậy cô Thanh đã đề nghị bố mẹ mình không bán mà giữ lại mảnh đất này, và đây hiện nay chính là cơ sở sản xuất kẹo Cu đơ lớn nhất Hà Tĩnh.

Ông bà Thư Viện và gia đình nhỏ của cô Hương tiếp tục vừa bán nước, vừa nấu kẹo Cu đơ để bán. Cô Hương thì quạt bánh, nấu kẹo, ông Thư khi thì đổ kẹo, khi trông cháu, khi lại đi lấy đá lạnh về để bán nước. Lúc này, kẹo Cu đơ của gia đình cô tuy bán được hơn so với những gia đình khác nhưng lượng tiêu thụ vẫn chưa nhiều, cuộc sống rất vất vả và eo hẹp.

Cô Hương, người sáng tạo, nghiên cứu và gắn bó với kẹo Cu đơ Thư Viện từ những ngày đầu đến nay tâm sự, không thể nói hết những nỗi gian nan, vất vả, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để giữ nghề, giữ khách,  cũng như luôn làm hài lòng khách hàng. Bên cạnh đó còn là mong muốn làm tốt nhất có thể để giữ gìn danh tiếng gia đình có được từ hồi ở Đá Bạc (Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên). Cô còn nhớ nhứ in một câu chuyện không bao giờ quên được. Đó là khi cô sinh đứa con đầu lòng, chồng đưa cô đến bệnh viện, trong thời gian chờ thì anh phải về vừa đi làm vừa quạt bánh (lúc này, chồng cô cũng đã có thể quạt được bánh chín đều và đẹp).

Khi cô chuyển dạ, trong phòng không có ai, cô phải đau đớn “vác” chiếc bụng bầu sắp sinh tự đi gọi mãi thì y tá mới biết. Sau khi sinh con được 3 ngày, cô đã phải về nhà và dậy làm việc. Cho đến tận sau này, khoảng năm 1993, cô Thanh thấy em gái mình thông minh, nhưng ở nhà làm việc quá lam lũ nên đã động viên em theo học sư phạm ở huyện Thạch Hà. Và trong suốt  thời gian đó, cô Hương cũng luôn phải thức khuya dậy sớm, vừa tranh thủ quạt bánh để sẵn cho chị gái nấu. Kể cả sau này ra trường đi dạy ở trường Tiểu học Thạch Bình (TP Hà Tĩnh) cô cũng luôn phải thức dậy từ khi 4h sáng, có khi nấu xong,  đạp xe lên đến trường là vừa vào giờ dạy.

Năm 1987 thì cô Thanh chuyển về công tác gần nhà và cùng sinh sống với cha mẹ,  gia đình em gái và cùng chia sẻ công việc.

Hai cô con gái không chịu…theo chồng

Năm 1990, cô Thanh xây dựng gia đình.

 Cô Đặng Thị Thanh, người con gái thứ ba của ông bà Thư Viện hiện là người quản lý và tổ chức sản xuất chủ cơ sở sản xuất kẹo Cu đơ Thư Viện.

Một điều rất đặc biệt trong gia đình ông Thư, là hai cô con gái út lấy chồng nhưng lại nhất định không chịu…theo chồng.

Kể về chuyện lấy chồng, cô Thanh và cả cô Hương đôi lúc không khỏi ngậm ngùi. May mắn lớn nhất của cả hai chị em là đều lấy được những người chồng yêu thương mình hết mực, có trách nhiệm với gia đình nhà vợ. Nhưng việc không chịu về nhà chồng ở nên gia đình các cô cũng gặp rất nhiều sóng gió, có lúc tưởng chừng đã “đường ai nấy đi”.

Cô Thanh tâm sự, chồng của cô hồi đó có nghề nghiệp và gia cảnh đều hơn gia đình nhà vợ. Tuy nhiên, không “may mắn” cho anh khi anh lại yêu phải người vợ thẳng thắn, tính tình không giống ai trong gia đình, thậm chí bố mẹ có lúc còn gọi cô là “Bao Chửng”. Lúc ấy, dù đã 30 tuổi nhưng cô vẫn không muốn lấy chồng. “Thời điểm đó, gia đình tôi cũng đang khó khăn, tôi nghĩ mình không thể thiếu trong gia đình bố mẹ, có lúc tôi đã không muốn lấy chồng để có thể ở lại chăm sóc tốt nhất cho bố mẹ”, cô Thanh chia sẻ.

Trước khi cưới, cô nói trước với chồng là sẽ ở nhà ngoại chứ sẽ không…theo anh. “Chồng tôi “chắc mẫm” rằng khi cưới rồi thì sẽ “lôi” vợ về nội vì điều kiện nhà anh lúc đó hơn hẳn nhà vợ, cuộc sống hai vợ chồng sẽ đầy đủ hơn. Tuy nhiên lúc cưới xong, tôi lại nhất quyết không chịu về. Chồng cô vẫn tìm mọi cách để đưa vợ đi theo mình, thậm chí có khi nửa đêm vợ đang ngủ anh cũng thức vợ dậy để về quê vì “ở đây gần Quốc lộ 1A xe chạy anh không ngủ được”, kể cả anh đã yêu cầu ly dị mấy lần nhưng cũng không thành công. Nhưng đúng là, “chồng vợ là do duyên số, dù thế nào rồi cũng trở về bên nhau, không chia tách được. ” nên cuối cùng anh cũng chấp nhận cùng ở và xây dựng gia đình bên vợ. Thậm chí có thời điểm, chồng cô được cấp 1 thửa đất ở trung tâm Thị xã Hà Tĩnh, anh liền bàn cô làm nhà ở đó nhưng cô nhất định không chịu vì sẽ phải chuyển đi chỗ khác. Thế là nhân một hôm chồng đang vui cô liền bàn anh bán luôn.

Khi mới cưới, chồng cô chưa thông tư tưởng. Nhưng sau khi phải chấp nhận tính “Bao Chửng” của vợ, anh đã góp sức cùng vợ và gia đình xây dựng thương hiệu kẹo Cu đơ Thư Viện. Lúc đó kẹo vẫn còn được làm bằng tay, chưa có máy. Anh vốn là một Bác sỹ, có những thời gian anh đi học chuyên khoa ở Hà Nội đã đến một số điểm để xem các loại máy xay và đã làm ra máy xay gừng mà gia đình ông Thư hiện nay vẫn đang sử dụng. Rồi khi vào Huế học, chồng cô lại tranh thủ mỗi khi có thời gian đến các lò kẹo Mè xửng để tìm hiểu, sau đó nghiên cứu chế tạo ra loại máy nấu kẹo Cu đơ đầu tiên. Máy hồi đó còn cồng kềnh từ mô tơ cho đến nồi nấu, còn hiện nay đã được cải tiến sao cho nhẹ nhàng, linh hoạt mà giá cả phải chăng hơn nhiều.

Cô cho biết : “Có nhiều lúc nửa đêm đang ngủ, tôi lại lọ mọ dậy tất bật nấu kẹo, anh ấy phải gắt lên “một nồi kẹo được mấy đồng mà phải khổ sở đến như vậy, em nói đi, một nồi được mấy đồng anh trả cho…”.

Còn chồng cô Hương vào thời điểm mới cưới, anh cũng một mực muốn đưa vợ về quê. Tuy nhiên, cô Thanh không đồng ý cho em gái theo em rể về thì đã đành, chính cô Hương cũng không muốn theo chồng vì muốn ở lại để có thể giúp đỡ, chăm sóc và “đồng cam cộng khổ” với bố mẹ.

Và có lẽ, một phần rất lớn, dù không chịu theo chồng, nhưng lại được chồng hiểu và quan tâm, yêu thương nên các cô có thể cùng gia đình vượt qua mọi vất vả trong những giai đoạn khó khăn, cùng góp phần đưa thương hiệu kẹo Cu đơ Thư Viện phát triển và thành công được như ngày hôm nay.

Mai Nguyễn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP