Pháp luật

CSGT nhận vật giống tiền: Chuyện bình thường

Trước clip CSGT Thái Bình nhận vật nghi là tiền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Gia Lai cho rằng đây chuyện quá bình thường.

Clip CSGT ở Thái Bình nhận vật nghi là tiền từ cánh tài xế khiến dư luận quan tâm mấy ngày qua, trước trường hợp này, ông Đoàn Đức Lập -Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Gia Lai nhận định chuyện này là bình thường và cho rằng tình trạng này diễn ra từ lâu.

Ông Lập nói: "CSGT từ lâu vẫn như vậy, giờ ai cũng mong muốn chạy vào nhà nước, chạy vào CSGT và phải bỏ ra số tiền không nhỏ, chính vì vậy việc CSGT nhận tiền từ tài xế để có thể nhanh lấy lại vốn cũng dễ hiểu. Hơn nữa thực tế đa số CSGT là con ông cháu cha, người ngoài ít vào được ngành này".

Hình ảnh nghi vấn CSGT làm luật với các tài xế. (Ảnh cắt từ clip)

Thỉnh thoảng đi công tác đường dài không sai phạm lỗi này thì sai phạm lỗi khác như vượt quá tốc độ, chạm vạch...nên khó tránh chuyện bị phạt và chuyện đưa, nhận tiền.

"Nếu lái xe bảo không dính lỗi vi phạm thì khó lắm, lái xe của tôi bình thường đi cẩn thận thế mà cũng bị lỗi chạm vạch.

Hơn nữa khi xuống xe sẽ bị đủ thứ lỗi nên khó tránh chuyện tài xế đưa tiền. Tôi không biết phụ nữ lái xe thế nào nhưng nam giới thì ít nhiều dính hết lỗi, xuống xe thì một đồng chia ba một nhà chia đôi.

Ví dụ hết khoảng 2,5 triệu cho một lỗi thì tài xế đưa cho CSGT 1 triệu để được giải quyết nhanh và cho đi, chuyện này là chuyện bình thường.

Hoặc như lỗi uống rượu bia phạt 18 triệu nhưng đưa vào 1-2 triệu thì được cho đi. Theo quy định cứ uống 1 lon bia và 1 ly rượu là dính lỗi rồi, thực ra với một người thì uống từng ấy không phải quá nhiều nhưng khi đo nồng độ cồn vẫn vượt mức quy định.

Giả sử mỗi xe vi phạm đưa cho CSGT 200.000 để cho nhanh đi, một ngày vài chục trường hợp như thế thì CSGT cũng thu được vài chục triệu rồi. Vậy nên phạt lỗi càng nặng thì CSGT càng béo" -Ông Lập phân tích.

Hình ảnh nghi vấn CSGT làm luật với các tài xế. (Ảnh cắt từ clip)

Ông Lập chỉ ra rằng, ở các nước ngoài thì số tiền CSGT nhận từ tài xế sẽ được đưa vào ngân sách nhà nước.

"Trước đó tôi có phát biểu tại Hội nghị Trung ương về việc làm hệ thống giao thông thông minh. Ví dụ tôi đi từ Gia Lai vào TP.HCM sẽ phải gặp cỡ trên hai chục trạm CSGT. Tôi thấy giờ toàn Thiếu tá, Trung tá, Thượng tá đứng đường, lương Thượng tá khoảng hơn 20 triệu. Như vậy tính ra trong vòng 1 năm là lắp được hệ thống thông minh rồi.

Theo tôi nếu có hệ thống giao thông thông minh thì số tiền CSGT nhận khi đứng đường sẽ để vào ngân sách nhà nước chứ không vào túi cá nhân.

Tuy nhiên trước ý kiến này, một Thiếu tướng chỉ ra rằng nếu làm hệ thống đó thì CSGT đi đâu, đó cũng là vấn đề khó. Đào tạo CSGT nhiều, giờ lắp hệ thống thông minh thì CSGT đi đâu, vì thế việc này phải đồng bộ từ nhà nước, hệ thống chính trị nữa" -ông Lập chia sẻ.

Như thông tin trước đó, ngày 8/6, nhiều tờ báo đăng tải clip với nội dung CSGT tỉnh Thái Bình: Làm luật trắng trợn, thần tốc, có hệ thống. Được biết video được ghi tại trạm CSGT Tân Đệ (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

Theo hình ảnh từ đoạn video, các xe tải chở hàng qua đây tự động dừng lại, tài xế cầm theo tờ giấy hoặc một quyển sổ nhỏ nghi kẹp tiền có mệnh giá từ 50.000 – 100.000 đồng đưa trực tiếp cho CSGT hoặc đặt tiền trực tiếp vào vali đã mở sẵn của CSGT.

Sau đó cán bộ CSGT nhanh chóng rút các tờ nghi là tiền từ tập hồ sơ mang cất đi. Quy trình trên được lặp đi lặp lại và thường diễn ra tại nơi che chắn kĩ càng. Hiện vụ việc đang được công an tỉnh Thái Bình xác minh làm rõ.

Tác giả: Thanh Thanh

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP