Trong nước

Công ty KTCTTL Can Lộc: Hướng tới an toàn hồ, đập trong mùa mưa bão

Công ty khai thác công trình Thuỷ lợi Can Lộc là doanh nghiệp công ích, được giao nhiệm vụ quản lý và khai thác 7 hồ đập lớn nhỏ, 3 trạm bơm điện công suất lớn, 4 cống ngăn mặn giữ ngọt, 130 km kênh mương chính trên địa bàn hai huyện Can Lộc và Lộc Hà

Để chủ động đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết, từ đầu tháng 5 năm nay, công ty đã kiện toàn BCH PCLB của đơn vị và tiến hành phân công phân nhiệm cho từng tiểu ban, từng thành viên. Với phương châm, PCLB phải từ cơ sở, lấy cơ sở làm điểm tựa trong công tác phòng chống, công ty đã tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân vùng có các hồ đập, trạm bơm, cống ngăn mặn giữ ngọt và hệ thống kênh mương chính.


Cùng đó, BCH PCLB công ty giao các phòng chức năng, các cụm trạm quản lý phối hợp với các địa phương kiểm tra hiện trạng các công trình nhằm đánh giá mức độ hư hỏng để đưa ra các phương án khắc phục cho từng hạng mục cụ thể; tiến hành duy tu, bảo dưỡng máy móc thiết bị các cống ngăn mặn giữ ngọt; soát xét lực lượng dân quân tự vệ ở các địa phương để có phương án huy động khi tình huống xấu xảy ra, đồng thời chuẩn bị tốt các khối lượng vật tư dự phòng (đất, đá, bao tải cát, tấp bổi) tập trung nơi gần nhất để kịp thời ứng cứu lúc cần thiết.


Ngoài các biện pháp phi công trình, công ty đã chủ động trích gần 3, 5 tỷ đồng từ nguồn cấp do miễn thủy lợi phí để đầu tư sửa chữa 9 cánh cung hệ thống cống cầu Trù, sửa chữa 300 m kênh thuộc hệ thống hồ Cù Lây – Trường Lão, bê tông hóa tràn Rào Bàu thuộc hệ thống hồ Vực Trống, nâng cấp các nhà trạm quản lý và một số công trình khác. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất của công ty trước mùa mưa bão năm nay mặc dù vết nứt dọc đập của hồ Cửa Thờ – Trại Tiểu đã được khắc phục nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nhiều nguy cơ xuất hiện trở lại. Thứ nữa là nguy cơ thấm ở vai tràn của hồ Cù Lây.

Nâng cấp tràn Sông Trí để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Ảnh: HX

Về các giải pháp cụ thể cho các công trình trọng điểm, đối với hồ Cửa Thờ – Trại Tiểu, cùng với sử dụng cây tấp bổi ở rừng thông, bạch đàn tại chỗ, công ty đã tập kết 241 m3 đá, 100 m3 đất và 5.000 bao tải cát tại chân đập chính, đồng thời sử dụng nhân lực từ các xã: Quang Lộc, Đồng Lộc, Mỹ Lộc, Sơn Lộc.


Nhập nội dungÔng Nguyễn Hồng Quang – Giám đốc Công ty KTCTTL Can Lộc chia sẻ: “Hầu hết các công trình thuỷ lợi do đơn vị quản lý đều phân bố khá xa nhau làm cho việc tổ chức PCLB từ khâu hậu cần đến huy động phương tiện, vật tư, nhân lực gặp nhiều khó khăn. Để phục vụ công tác chỉ huy, điều hành, công ty đã chủ động thành lập các tiểu ban nhưng đến thời điểm này vẫn không có kinh phí để trang bị một số máy móc phương tiện phục vụ công tác PCLB như: máy bộ đàm, đài bán dẫn, đèn báo hiệu, đèn pin, kẻng báo động…”.Đối với hồ Cù Lây, phương án mở tràn sự cố về phía vai phải của đập với chiều rộng khoảng 30m, chiều dài khoảng 45m, chiều sâu khoảng 2m, tương ứng với khối lượng cần xử lý là 5.400 m3 đất đá (sử dụng 70 chiếc kíp nổ và 200 kg thuốc nổ) … Đối với hồ Khe Hao, phương án mở đập sự cố về phía vai phải của đập nằm kề đường tràn thiết kế với khối lượng dự kiến khoảng 1.200 m3 đất đá, 4.000 bao tải. Khác với các công trình trên, hồ nhà Đường sử dụng phương án nâng cao trình đỉnh đập bằng cách đắp bao tải đựng đất lên mặt đập, khống chế không để nước tràn qua đỉnh đập; trường hợp phương án này không thực hiện được thì tiến hành mở tràn sự cố về phái vai trái hồ để thoát lũ.

Đối với các trạm bơm, sau khi bơm tưới hè thu xong, bộ phận quản lý trạm bơm Đập Đình tiến hành tháo dỡ, kê kích máy móc đề phòng ngập lũ; trạm bơm Cầu Cao đóng tất cả các cống điều tiết trên kênh để các trục tiêu tiêu nước cục bộ. Riêng hệ thống cống Đò Điệm, do đang trong giai đoạn thi công một số hạng mục cuối cùng, công ty đề nghị BCH PCLB tỉnh yêu cầu chủ đầu tư bố trí 4 máy phát điện, đồng thời dự phòng 5 ngàn lít dầu diezel để vận hành trong trường hợp mất điện lưới.

baohatinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP