Doanh Nghiệp Hà Tĩnh

Công ty dẫn đầu Hà Tĩnh – Mitraco: Đêm dài lắm mộng

 

Đi lên từ ngành nghề chính là khai thác khoáng sản ngay tại vùng đất Hà Tĩnh giàu tài nguyên, Tổng công ty khoáng sản và thương mại Mitraco Hà Tĩnh ngày nay lại sống nhờ đầu tư ngoài ngành khi ngành mũi nhọn còn gặp đầy khó khăn.

>>  Mitraco Hà Tĩnh: Titan “sống nhờ” đàn lợn

Khi đó, các doanh nghiệp – dù có chỉ đạo hạn chế đầu tư ngoài ngành của Thủ tướng chính phủ – vẫn cần tìm con đường đi cho riêng mình. Như đối với Mitraco – đầu tư cho đàn lợn chẳng hạn.

Theo quyết định 463/QĐ-UBND ngày 17/02/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, TCT khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) chuyển thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 1.320 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 1.095 tỷ đồng – tương ứng 83% vốn. Bên cạnh đó, cổ đông chiến lược sẽ sở hữu 14,8% với số vốn góp là 195 tỷ đồng.

Sau hơn 1 năm tiến hành cổ phần hóa, theo báo cáo gần đây nhất của Mitraco, vốn điều lệ công ty mới đạt 1.101 tỷ đồng, vốn nhà nước còn góp thiếu 23,5 tỷ và hành trình đi tìm nhà đầu tư chiến lược của công ty vẫn đang dừng lại ở mức “nỗ lực tìm kiếm đối tác”.

Công nghiệp khai thác, chế biến sâu các sản phẩm khoáng sản, công nghiệp sản xuất chế biến vật liệu xây dựng, công nghiệp khai thác cảng là những lĩnh vực mũi nhọn chính của Tổng công ty. Thế nhưng, tính đến hết năm 2014, khai thác khoáng sản vẫn là “vùng trũng” trong tình hình hoạt động của Mitraco.

Nếu không tính lợi nhuận đem về từ các khoản đầu tư vào công ty con, công ty có đến 83% vốn Nhà nước chỉ bán được gần 165 tỷ đồng doanh thu, báo lỗ 21,57 tỷ đồng sau 10 tháng hoạt động dưới tấm áo mới (cổ phần hóa từ đầu tháng 3/2014).

Nguyên nhân chính được Ban giám đốc nêu ra, do giá thành các loại sản phẩm tăng do mỏ ngày càng cạn kiệt, các khoản chi phí đầu vào tăng (đền bù giải phóng mặt bằng, dầu, điện, thuế…) trong khi giá bán giảm sút nghiêm trọng (có những sản phẩm giảm 50 đến 60% so với năm 2012), hàng hóa khó tiêu thụ, tồn kho lớn dẫn đến doanh thu, lợi nhuận từ hoạt động SXKD giảm.

Chưa kể, các loại  thuế,  phí đối  với  hoạt  động  khoáng  sản  tăng  rất  cao,  thuế  xuất  khẩu  (sản  phẩm Ilmenite 30%; Rutin 30%), thuế tài nguyên (tăng từ 11% lên 16%), phí cấp quyền khai thác khoáng sản,… dẫn đến giá thành sản phẩm tăng cao.

Đi lên từ hoạt động khai thác tài nguyên (titan, mangan…) tại vùng đất Hà Tĩnh, Mitraco dần mở rộng ngành nghề kinh doanh và lấn sân sang các lĩnh vực như chăn nuôi lợn siêu nạc hay xây nhà ở thu nhập thấp.

hatinh24h hatinh24h 01

Trang trại lợn siêu nạc do Mitraco đầu tư

Mặc dù công ty mẹ báo lỗ 21,57 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất của Mitraco (bao gồm công ty mẹ và 17 công ty con) đạt 68,67 tỷ đồng, theo đó, công ty xuất sắc đạt được những chỉ tiêu mà HĐQT đề ra khi tiến hành cổ phần hóa.

Trong năm 2015, công ty cũng chú trọng đầu tư mạnh vào đàn lợn khi hàng loạt dự án như nhà máy chế biến súc sản với dây chuyền giết mổ lợn công suất 100 con/h, ngoài ra còn thực hiện đầu tư sản xuất Khu chế biến và dây chuyền giết mổ bò, dự án trung tâm giống hươu và chế biến nhung hươu…

Mạnh tay đầu tư cho nông nghiệp là thế, nhưng ngành nghề mũi nhọn của Mitraco lại bị bế tắc trong khâu rót vốn.

Đơn cử như việc đầu tư vào mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á tại công ty CP sắt Thạch Khê, Mitraco là một trong những cái tên được “chọn mặt gửi vàng” cách đây 8 năm với việc hứa hẹn đầu tư 24% trong tổng số vốn 2.400 tỷ đồng.

Nhưng theo số liệu của CTCP sắt Thạch Khê, đến ngày 05/08/2014, Mitraco mới đầu tư vào đây gần 180 tỷ đồng, chỉ bằng 60% so với số vốn cam kết sau điều chỉnh.

Tình hình góp vốn thực tế vào mỏ sắt Thạch Khê sau khi Chính phủ yêu cầu 4/9 công ty rút vốn ngoài ngành 

Trước tình hình vốn bất động tại mỏ sắt Thạch Khê, tháng 6/2015, Chính phủ đã ra văn bản đốc thúc các cổ đông của TIC phải góp đủ vốn điều lệ trước 15/07 nếu không sẽ điều chỉnh tỷ lệ vốn góp qua cho Tập đoàn công nghiệp than- khoáng sản (TKV) để thực hiện dự án nhưng những cổ đông này vẫn không thực hiện.

Vẫn là những lý do cũ, khi mà khoáng sản không còn là món hời đối với các doanh nghiệp trong ngành, hiệu quả sinh lời và tiềm năng kinh tế không còn sức hấp dẫn đối với các chủ đầu tư thì những dự án đang “kêu gào” đầu tư vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. Khi đó, các doanh nghiệp – dù có chỉ đạo hạn chế đầu tư ngoài ngành của Thủ tướng chính phủ – vẫn cần tìm con đường đi cho riêng mình. Như đối với Mitraco – đầu tư cho đàn lợn chẳng hạn.

Trong phần giới thiệu của mình, Mitraco tự hào là doanh nghiệp “đóng vai trò quan trọng, là đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh, là đối tác thu hút đầu tư phát triển nền kinh tế tỉnh Hà Tĩnh”. Tuy nhiên, khi thế mạnh về khoáng sản đang gặp “bão tố” với doanh thu sa sút và buộc lòng “quả đấm thép” vùng quê miền Trung này phải “chăn dê, nuôi lợn” để cải thiện những con số tăng trưởng trên báo cáo tài chính của mình, thì có vẻ như, ban lãnh đạo của doanh nghiệp này sẽ còn phải thao thức vì “đêm dài lắm mộng”…

Hoa Liên/ ANTT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP