Lao Động - Việc Làm

Công nhân Công ty Cao su Hương Khê sống khổ với đồng lương tạm ứng

Mặc dù, theo báo cáo hàng năm, lương của công nhân Công ty Cao su Hương Khê (Hà Tĩnh) luôn đạt từ 2 triệu trở lên, nhưng trên thực tế những người công nhân ở đây không hề được nhận lương hàng tháng.

Thay vào đó, mỗi năm họ chỉ được nhận hai đợt gọi là tạm ứng với số tiền thấp hơn rất nhiều. Việc không được nhận lương hàng tháng và mức thu nhập quá thấp đã khiến cuộc sống của hàng trăm công nhân cao su rơi vào cảnh hết sức khốn khó.


Báo cáo một đằng…

Công nhân Công ty Cao su Hương Khê sống khổ với đồng lương tạm ứng

Cây cao su bén rễ trên đất đồi Hương Khê


Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê – Hà Tĩnh (Công ty Cao su Hương Khê), đơn vị trực thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam với gần 600 cán bộ công nhân viên, trong đó phần lớn là lao động trực tiếp, được phân bổ ở 8 nông trường trên địa bàn 4 huyện của tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài ra, hằng năm công ty còn thuê hàng ngàn lao động theo dạng hợp đồng thời vụ để khai hoang, trồng và chăm sóc cây cao su.


Nhờ có quỹ đất rừng dồi dào, sự ưu ái của của các cấp chính quyền địa phương, sự đầu tư của tập đoàn và đặc biệt là công sức “mồ hôi, nước mắt” của những người công nhân nên diện tích trồng cây cao su không ngừng tăng lên. Từ chỗ ban đầu vào năm 2007 chỉ trồng được 308ha, đến nay đã trồng được hơn 3.000 ha.


Theo báo cáo của công ty, thu nhập tiền lương năm 2012 đạt 2,5 triệu/người/tháng. Nếu cộng với thu nhập kinh tế phụ bình quân năm từ 20 – 25 triệu thì tổng thu nhập mỗi năm của một hộ gia đình vợ chồng đều là công nhân cũng lên tới 70 – 80 triệu.


Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, với mức thu nhập như vậy quả thật đáng khâm phục và là điều mơ ước của rất nhiều người, nhất là với người dân huyện miền núi Hương khê vốn còn nhiều khó khăn. Tiếc rằng, tất cả những con số hết sức “hoành tráng” trên chỉ là con số ảo được vẽ ra để đọc trong hội nghị, còn thực tế hoàn toàn ngược lại.


Hẳn những người có mặt tại Đại hội Công đoàn Công ty cao su Hương Khê vừa qua đểu cảm nhận được điều gì đó bất thường hiện lên trên nét mặt của mỗi đoàn viên công đoàn. Ngay sau bài phát biểu hoành tráng và màn vỗ tay rào rào, lời chúc tụng nồng nhiệt của tất cả quan khách có mặt, những người công nhân lặng lẽ ra về mang theo nỗi ưu tư, bực bội. Có thể vì rất nhiều lý do nên họ không được nói lên sự thật, cũng có thể vì công việc và sự cam chịu vốn có đã khiến họ không dám nói nhưng tất cả đều hướng ánh mắt “bất phục” về phía lãnh đạo công ty.


… thực tế một nẻo


Mang theo những con số trong báo cáo thành tích của Công ty Cao su Hương Khê, chúng tôi tìm gặp một số công nhân trực tiếp sản xuất mới vỡ lẽ nhiều điều. Chị T.T.T, công nhân tổ 3, đội Hương Thủy cho biết: “Tôi nhận chăm sóc 4ha, chồng tôi cũng trong tổ này nhận 5,5ha. Công việc chăm sóc chủ yếu là phát cỏ và bón phân. Mỗi năm 2 lần phát cỏ, mỗi công làm được trả 108 ngàn đồng, trong đó gồm cả tiền tiền xăng nhớt. Công ty nói mỗi năm phải làm đủ 354 công thì mới đạt, nếu mình làm không đạt thì mức đóng bảo hiểm phải cao hơn.

Công nhân Công ty Cao su Hương Khê sống khổ với đồng lương tạm ứng

Những cánh rừng cao su Hương Khê bắt đầu khép tán nhưng thu nhập đời sống công nhân chăm sóc, bảo vệ nó vẫn còn vất vả.


Từ trước đến nay, Công ty không trả lương hàng tháng mà chỉ trả theo kiểu cho tạm ứng lương 1 năm 2 đợt vào giữa năm và cuối năm. Cuối năm 2011, tôi nhận cả thưởng và lương 6 tháng cuối năm được gần 10 triệu đồng, trừ tiền bảo hiểm, tiền các loại quỹ đền ơn đáp nghĩa, tiền công đoàn… còn lại 6 triệu. Mình cầm 6 triệu đem về trả nợ không đủ, trong đó tiền xăng, nhớt khi phát cỏ đã chiếm mất gần một phần ba rồi. Mấy tháng vừa rồi sinh em bé không đi làm được nên phải thuê người làm thay. Nếu mình đi làm thì 108 ngàn/công, còn thuê người ngoài mất 200 ngàn/công”.


Cũng theo chị T, cao su trồng trên đồi thường có nhiều cỏ và cây bụi nhỏ mọc xen nên việc phát cỏ rất vất vả. Mỗi công nhân với đồng lương ít ỏi ngoài việc lo cho cuộc sống gia đình còn phải tự mua sắm cưa xăng để làm cho kịp thời gian ấn định kiểm tra. Ngồi trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ mới làm cheo leo bên sườn núi, chị T buồn bã: “Riêng việc kéo dây điện và đào giếng nước đã rất tốn kém, vay mượn để làm, chứ không biết bao giờ mới trả hết nợ. Họ nói luyên thuyên mỗi năm thu nhập thêm từ kinh tế phụ 20 – 25 triệu. Các anh xem vườn tược thế này, toàn đất sỏi cuốc bỏng tay thì làm gì thêm thu nhập được. Nói thực, gạo ăn hằng ngày còn phải về xin bố mẹ làm ruộng, chứ biết lấy đâu tiền để mua. Không riêng gì tôi mà tất cả các hộ công nhân ở đây đều thế cả, tiền nhận được từ công ty không đủ sống, chỉ vì nghĩ rằng đến lúc khai thác mủ sẽ khá hơn nên đành chịu khó, chịu khổ mà thôi”.


Theo anh T.Q.H, công nhân tổ 3, đội Hương Thủy thì cuộc sống của tất cả công nhân cao su ở đây đều giống nhau, chẳng khác nào những hộ dân đi làm kinh tế mới ở một nơi xa lạ, khó khăn thiếu thốn đủ đường, không đủ ăn hằng ngày chứ đừng nói no đủ. Anh H. đang cùng đội Hương Thủy đi “dã ngoại” 15 ngày ở Vũ Quang. Gọi là “dã ngoại” nhưng thực chất là đi khai hoang phát dọn cây, đào hố nơi rừng thiêng nước độc để chuẩn bị cho tháng 9 tới đây trồng mới diện tích cao su. Mỗi công nhân ngoài việc chăm sóc, bảo vệ diện tích cao su của mình thì mỗi năm phải trồng mới thêm 0,3 ha cao su.


Tâm sự của công nhân Công ty Cao su Hương Khê như một nỗi niềm trăn trở: “Có những sự giả dối có thể tha thứ, nhưng sự giả dối ở đây không thể chấp nhận được, bởi nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của hàng trăm công nhân đang ngày ngày dốc sức cho những cánh rừng cao su mà cuộc sống lại quá kham khổ. Chúng tôi chỉ mong lãnh đạo Công ty hiểu được nỗi khổ này, nếu không có tiền trả lương hàng tháng thì cũng đừng nói dối như thế, tội anh em công nhân lắm”.


Nhóm PV.CTXH

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP