Trong nước

Công bố quy họach điều chỉnh, bổ sung phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản

Tính đến tháng 12/2013, trên địa bàn Hà Tĩnh có 130 đơn vị đang khai thác và chế biến khoảng sản tại 155 mỏ, phân bố trên địa bản 11 huyện, thị xã. Trong đó, Bộ TN&MT cấp 6 giấy phép, UBND tỉnh cấp 147 giấy phép. Hiện nay, mới có 113 mỏ thực hiện công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng khoáng sản.

 Sáng nay (19/2), UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá công tác quản lý và tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; công bố quy họach điều chỉnh, bổ sung phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường đến năm 2020; phổ biến một số văn bản thi hành luật khoáng sản và triển khai việc thu tiền cấp quyền khai thác khoảng sản. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ chủ trì Hội nghị.

Công bố quy họach điều chỉnh, bổ sung phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản

Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản, hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản đã được triển khai tích cực. Đặc biệt trong việc lập quy hoạch, điều tra, thăm dò địa chất về tài nguyên khoáng sản, ban hành văn bản về quản lý khoảng sản, cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, thanh kiểm tra hoạt động khoáng sản được tiến hành theo đúng nguyên tắc, trình tự. Nhờ đó, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn đã đi vào nề nếp, đảm bảo cảnh quan môi trường.

Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trong giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp chưa tốt, nhiều địa phương quản lý khoáng sản chưa hiệu quả làm thất thu khoáng sản, mất ổn định tình hình chính trị trên địa bàn và gây bức xúc trong nhân dân.

Một số đơn vị khai thác khoáng sản ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, chưa trang bị đầy đủ bảo hộ lao động và đóng BHYT, BHXH cho công nhân, chậm triển khai hoạt động không có lý do…

Công tác quy hoạch điều chỉnh, bổ sung thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 được xây dựng theo nguyên tắc không quy hoạch trên các diện tích cấm, tạm cấm, các điểm mỏ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng đến hành lang an toàn giao thông, cảnh quan môi trường… Đồng thời căn cứ vào quy mô, tiềm năng khoáng sản để quy hoạch theo hướng tập trung, hợp lý, phù hợp với nhu cầu phát triển của từng vùng kinh tế, đảm bảo hiệu quả và khả thi. Theo đó, mục tiêu cụ thể của công tác quy hoạch đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013 – 2015 khoảng 18%/năm, giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 13-15%/năm.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh kỳ đề nghị các cấp ngành liên quan làm tốt công tác tuyên truyền các văn bản, nghị định, luật về hoạt động khoáng sản; tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ một cách sâu rộng. Đề nghị các địa phương thực hiện tốt chức năng quản lý, tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động thực hiện pháp luật của các doanh nghiệp, chủ mỏ trên địa bàn.

Về phần UBND tỉnh, sẽ tiến hành cải cánh thủ tục hành chính, lắng nghe nguyện vọng của các chủ mỏ, doanh nghiệp; phối hợp với các sở, ngành tổ chức quản lý chặt chẽ, có phương án thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hợp lý.

Thành Chung – Dương Chiến/Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP