Pháp luật

Công an TP HCM nói nguyên nhân khó xử lý 'cát tặc'

Trong khi trộm tài sản trên 2 triệu đồng bị xử lý hình sự thì hành vi khai thác cát - tài nguyên quốc gia, bán hàng trăm triệu đồng - lại không thể truy tố.

Họp bàn với các tỉnh lân cận về việc quản lý tài nguyên khoáng sản, khai thác cát trái phép vùng giáp ranh chiều 3/11, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thành phố đã không cấp giấy phép khai thác khoáng sản mới từ bốn năm qua. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát vẫn diễn ra, nhất là ở vùng biển Cần Giờ.

Theo ông Thắng, trữ lượng và nguồn cung khoáng sản có hạn, thị trường đang khan hiếm nhưng nhu cầu khai thác cát để xây dựng, san lấp rất lớn, dẫn đến nhiều người bất chấp tổ chức khai thác cát trái phép ở các khu vực giáp ranh, có địa hình phức tạp.

"Số vụ khai thác vận chuyển cát trái phép ngày càng tăng và phức tạp. Đặc biệt vùng biển Cần Giờ các đối tượng neo đậu ở địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sử dụng sà lan tải trọng lớn từ 500 đến 1.000 tấn, lắp đặt thiết bị bơm hút trực tiếp. Họ bỏ chạy theo nhiều hướng khác nhau nên khó khăn truy bắt", ông Thắng nói.

TP HCM cho biết sẽ kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung quy định xử lý hành vi vận chuyển khoáng sản trái phép, không phép, vì hiện chưa có quy định xử phạt.

Từ đầu năm đến nay Công an TP HCM bắt 62 vụ, tịch thu hơn 130 phương tiện trị (giá 20 tỷ đồng), xử phạt hành chính 77 tỷ đồng. Thành phố cũng đề nghị trung ương quy định xử lý hình sự hành vi khai thác cát trái phép.

Về vấn đề này, ông Võ Văn Hữu – Phó phòng Cảnh sát Môi trường (PC49) Công an TP HCM – cho rằng, luật yêu cầu phải xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi khai thác khoáng sản trái phép mới xử lý hình sự được. Nhưng không có cơ quan, tổ chức nào xác định được hậu quả nghiêm trọng của hành vi này.

"Hơn nữa, quy định khai thác trên 50 m3 cát trái phép mới tịch thu phương tiện là vô tình tạo điều kiện cho người ta biết 'chỉ lấy 30 hay 40 m3 thôi'", ông Hữu chỉ ra bất cập.

Về luật mới, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 (xử lý hình sự người khai thác trái phép trên 500 khối cát, hoặc thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng), ông Hữu nói: "Định lượng như thế vẫn còn lớn. Trộm cắp tài sản thông thường trên 2 triệu đồng là xử lý hình sự mà trộm cắp cát - tài nguyên quốc gia, bán hàng trăm triệu đồng lại không truy tố được. Tôi đề nghị thành phố mạnh dạn tiếp tục kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung".

Ngoài ra, ông Hữu cho hay, các dự án hiện nay tiêu thụ cát rất lớn - là nguồn gốc của hành vi khai thác cát trái phép. Do đó phải có quy chế phối hợp quản lý việc mua bán, tiêu thụ và có quy định xử phạt người tiêu thụ.

Đại diện các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, Tây Ninh… đồng tình với TP HCM. Riêng Bình Dương cho biết "rất nóng ruột" khi xảy ra tình trạng mất cát trên sông Đồng Nai với quy mô nhỏ 5-10 m3, tỉnh đề xuất tịch thu cả những phương tiện này, hoặc tịch thu của người tái phạm.

Chủ trì hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP HCM Huỳnh Cách Mạng cho rằng, thành phố và các tỉnh giáp ranh sẽ tăng cường kiểm tra, được phép truy đuổi sang tỉnh khác để truy bắt bằng được người khai thác cát trái phép, không phân chia địa bàn.

Ông giao Sở Công thương chủ trì rà soát, kiểm tra địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng, khoáng sản không có nguồn gốc, do khai thác trái phép mà có.

Tác giả: Tuyết Nguyễn

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: xử lý , TP HCM , công an , cát tặc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP