Chăm sóc sức khỏe

Con ruồi giá 500 triệu: Tân Hiệp Phát quá tàn nhẫn!

Nhìn nhận toàn bộ sự việc một người dân ở Tiền Giang khi phát hiện có ruồi trong chai nước ngọt Number One nên đã thỏa thuận với công ty Tân Hiệp Phát mua lại với giá 500 triệu và bị bắt, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng cần phải làm rõ việc con ruồi trong chai nước là có thật hay do người dân tạo dựng lên. Còn cách hành xử của Tân Hiệp Pháp đã sai cả về lý và quá tàn nhẫn về mặt tình người khi đẩy người dân vướng vào vòng lao lý.

Sau khi PetroTimes đăng tải bài viết “Con ruồi giá 500 triệu đồng trong chai nước tăng lực Number One”, câu chuyện chai nước ngọt Number 1 của Công ty Tân Hiệp Phát có ruồi giá 500 triệu đồng tiếp tục trở thành đề tài nóng, gây tranh luận trên nhiều diễn đàn, trang mạng xã hội.

Có thể nói một hiệu ứng truyền thông đang dần hình thành xung quanh câu chuyện này, đặc biệt là qua cách hành xử của Công ty TNHH Tân Hiệp Phát.

Theo đó, sau 3 lần thương lượng với khách hàng, phía Công ty Tân Hiệp Phát đã chốt giá “đổi chai nước chứa con ruồi lấy sự im lặng” bằng… 500 triệu đồng. Tuy nhiên khi hai bên đang giao dịch, khách hàng bị cơ quan công an bắt quả tang.

Vụ việc trên xảy ra ngày 27/1, hiện cơ quan công an đã tạm giữ hình sự Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) để điều tra làm rõ hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Hình ảnh con ruồi trong chai nước Number One.

Trao đổi với PetroTimes, LS Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Nếu con ruồi trong chai nước uống Number One của Công ty Tân Hiệp Phát là có thật thì đây là vấn đề dân sự. Anh ta có quyền thỏa thuận tiền với công ty sản xuất sản phẩm. Điều này hoàn toàn không có dấu hiệu hình sự. Nếu phía công ty làm ăn chính đáng, đàng hoàng thì họ phải thương lượng với anh này. Nếu không thương lượng được thì các bên ra tòa án giải quyết. Còn nếu anh này tạo ra con ruồi rồi tống tiền doanh nghiệp thì mới có dấu hiệu hình sự của tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

“Quả thật nếu trong chai nước có con ruồi thì doanh nghiệp Tân Hiệp Phát đã quá tàn nhẫn và người tiêu dùng nên tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp này. Xét tổng thể, nếu Tân Hiệp Phát suy nghĩ thấu đáo thì họ không cư xử như thế này. Người tham mưu giải quyết vụ này quá hồ đồ dẫn đến mất uy tín nghiêm trọng của một doanh nghiệp lớn”, LS Tú nhận định.

Theo LS Trương Anh Tú, việc sau 3 lần thương lượng với khách hàng, phía Công ty Tân Hiệp Phát đã chốt giá “đổi chai nước chứa con ruồi lấy sự im lặng của khách hàng” lấy 500 triệu đồng. Tuy nhiên, họ lại báo công an. Đến khi hai bên đang giao dịch thì công an bắt quả tang và tạm giữ hình sự người dân này để điều tra, làm rõ hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” thì cách làm của công ty này chẳng khác gì gài bẫy người dân vi phạm pháp luật.

LS Tú cũng thẳng thắn cho rằng, quá trình điều tra và bắt giam của công an chưa thực sự chặt chẽ. Để vụ việc khách quan và công luận không nghi ngờ phía cơ quan chức năng thì theo tôi trong quá trình lấy lời khai nhất định phải có Luật sư tham gia. Vì nếu không, rất có thể trong quá trình lấy cung anh Minh sẽ thừa nhận mình đã làm giả ra chai nước ngọt (không loại trừ trường hợp ngay cả khi đó là chai nước có con ruồi thật của Tân Hiệp Phát).

Con ruồi giá 500 triệu đồng: Cách ứng xử của công ty Tân Hiệp Phát sai cả về lý và tình

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng cách hành xử của Tân Hiệp Phát là sai cả về lý và về tình.

LS Tú trích dẫn Điều 4: Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định rõ: 1. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội; 2. Quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật; 3. Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải được thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật.

Còn tại Điều 8. Quyền của người tiêu dùng quy định: 4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; 6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; 7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

“Tại sao phải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng? Vì người tiêu dùng là người yếu thế, bất bình đẳng với tổ chức – doanh nghiệp. Như vậy rõ ràng cách hành xử của công ty này cả về tình và lý đều không đúng”, LS Trương Anh Tú nhấn mạnh.

LS Tú đề nghị, trong vụ việc này Luật sư, Luật gia và các Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng phải lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân trong trường hợp này. Đành rằng anh ta tham, nhưng có vi phạm pháp luật hay không thì là chuyện khác.

LS Tú lý giải thêm: Theo Điều 135 quy định về tội “Cưỡng đoạt tài sản” là: 1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

“Lưu ý rằng “thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác” vì người bị hại ở đây được hiểu là cá nhân. Trong khi đó, Tân Hiệp Phát là một tổ chức. Như vậy sao có thể nói người dân uy hiếp tinh thần của tổ chức này.

Hơn nữa, chưa xác định được chai nước là giả thì chưa phạm tội. Chưa phạm tội sao lại bắt người vội vàng như vậy. Rất nhiều vấn đề cần được làm rõ”, LS Trương Anh Tú kết luận.

Con ruồi giá 500 triệu đồng: Cách ứng xử của công ty Tân Hiệp Phát sai cả về lý và tình

Câu chuyện chai nước ngọt trị giá 500 triệu đồng khiến nhiều người cho rằng, công ty Tân Hiệp Phát đã cố tình đẩy người dân vướng vào vòng lao lý.

Thảo Phượng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP