Tin Hà Tĩnh

“Con đường hoa” và một phiên bản lỗi ở Hà Tĩnh

Mặc dù mới được đưa vào sử dụng trong thời gian rất ngắn nhưng công trình đường giao thông nông thôn kết hợp vào các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã bị bong tróc, nứt nẻ dày đặc.

Để khắc phục tình trạng trên, đơn vị thi công đã dùng vật liệu nhựa đường, xi măng trám lên tạo nên những đường nét “hoa văn” với nhiều hình thù và màu sắc khác nhau.

Đường giao thông nông thôn kết hợp vào các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung xã Cổ Đạm, nơi được mệnh danh là “con đường hoa”.

Nguồn vốn giảm nghèo bền vững

Đường giao thông nông thôn kết hợp vào các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung xã Cổ Đạm do UBND xã Cổ Đạm làm chủ đầu tư, Cty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Bắc Hà Tĩnh là đơn vị tư vấn giám sát và Cty CP Xây dựng Hải Long (trú sở tại phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) chịu trách nhiệm thi công.

Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 10/2016 và nghiệm thu đưa vào sử dụng tháng 7/2017. Tổng giá trị hợp đồng là 7.748.597.000 đồng từ Nguồn vốn Trung ương hỗ trợ từ chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 106); Ngân sách tỉnh hỗ trợ khi có điều kiện; Ngân sách huyện và Chủ đầu tư huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Chỉ sau gần 3 tháng đưa vào sử dụng, mặt đường đã bị gãy ngang, với vết nứt lớn (ảnh chụp ngày 9/10/2017).

Quy mô của công trình gồm xây dựng mới 02 tuyến đường với tổng chiều dài L=1.975,30m. Trong đó tuyến 1 dài 1.566,00m (điểm đầu Km0+00 giao với đường tỉnh ĐT.547 tại Km5+600, điểm cuối tại Km1+566,00 giao với đường huyện ĐH.23). Tuyến 2 dài 409,30m (điểm đầu Km0+00 giao với tuyến 1 tại Km0+745,88, điểm cuối tại Km0+409,30 nối tiếp đường bê tông xóm 9 tại khu chăn nuôi tập trung xã Cổ Đạm).

Theo thiết kế, nền đường rộng 6,5m, mặt đường rộng 3,5m; bề rộng lề đất 2x1,5m. Nền đường được đắp bằng đất đồi đạt độ chặt K=0,95; trường hợp nền đào hoặc đắp thấp, 30cm nền đường phía trên cùng được đào thay, đắp trả bằng đất đồi đảm bảo độ đầm chặt K=0,95. Mặt đường được kết cấu bằng bê tông xi măng M300 (dmax = 20), dày 22cm, 01 lớp bạt xác rắn; lớp móng cấp phối đá dăm loại 2 (dmax=37,5), dày 15cm.

Toàn tuyến làm mới 08 cống các loại gồm 04 cống bản L0=0,50m; 03 cống bản L0=0,75m và 01 cống bản L0=2,0m. Trên tuyến chính xây mới cầu Trộ Cừa dài 7,10m (tính đến đuôi mố) tại Km0+289,16; khổ cầu B=6,5+0,25x2=7,0m. Tải trọng thiết kế H13-X60.

Ngay khi nhà thầu chưa kịp gắn nhựa đường vào khe co giãn thì tình trạng nứt nẻ đã diễn ra (ảnh chụp ngày 9/10/2017).

Chất lượng công trình tạm thời

Mục tiêu xây dựng công trình nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện mạng lưới giao thông, góp phần hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới; tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, thông thương hàng hóa, phục vụ sản xuất phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Trước đó đơn vị thi công đã sử dụng xi măng để quét lên những vết nứt (ảnh chụp ngày 9/10/2017).

Tuy nhiên, chỉ sau gần 03 tháng nghiệm thu đưa vào sử dụng, công trình có nguồn vốn “giảm nghèo bền vững” đã xuất hiện dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Tình trạng bong tróc, nứt nẻ cục bộ với những vết nứt ngắn diễn ra dày đặc suốt đoạn đường dài. Có nhiều vết nứt lớn, chạy ngoằn nghoèo từ bên này sang bên kia đường gây nên hiện tượng gãy ngang kết cấu.

Để che dấu những lỗi kỹ thuật nói trên, đối với những chỗ bị gãy ngang hoặc những đường nứt lớn, nhà thầu đã dùng nhựa đường để trám vào, tạo nên những khe co giãn ngoài ý muốn. Còn đối với những vết nứt nhỏ, cục bộ, họ lại dùng xi măng quét lên tạo thành những “hoa văn” với nhiều hình thù khác nhau.

Những khe co giãn “bất đắc dĩ” mà nhà thầu phải tạo ra để che dấu những vết nứt ngoài ý muốn.

Có mặt tại hiện trường vào những ngày đầu tháng 5/2018, tức là sau gần 10 tháng đưa vào khai thác sử dụng, mặt đường đã bị bong tróc khá nhiều, đặc biệt là đoạn hai đầu tuyến chính. Theo thiết kế, bê tông mặt đường sử dụng đá 1x2, max 300, tuy nhiên trên thực tế thì kích cỡ lớn hơn quy định.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn L, người dân thôn 9 xã Cổ Đạm chia sẻ: “Không biết họ làm ăn kiểu gì mà sau khi làm xong độ một tháng thì đường bị nứt nẻ. Nhà thầu đã nhiều lần cho người đến quét xi măng và trám nhựa đường nhưng vẫn không hết”.

Đây là những hình ảnh rất dễ gặp tại con đường này.

Phóng viên đã nhiều lần gọi điện cho Kế toán của Cty CP Xây dựng Hải Long xin gặp cán bộ phụ trách kỹ thuật để tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến tình trạng hư hỏng nêu trên nhưng người này nói rằng không liên lạc được.

Mặt đường đã bị bong tróc khá nhiều, đặc biệt là đoạn hai đầu tuyến chính.

Mặc dù nhà thầu đã có nhiều “nỗ lực” trong việc “may vá” mặt đường nhưng tình trạng nứt nẻ vẫn không hề thuyên giảm. Nhiều chỗ nứt gãy dày đặc, chồng chéo, xé nát mặt đường, tách hẳn khỏi kết cấu. Dường như đơn vị thi công đã “bất lực” trước “đứa con” ngày càng “hư hỏng” của mình, bởi vì một phiên bản lỗi.

Dường như đơn vị thi công đã bất lực trước sự nứt nẻ của công trình (ảnh chụp ngày 4/5/2018).

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phối hợp để đánh giá chất lượng tuyến đường tương xứng với số tiền được đầu tư, đảm bảo thiết kế và quy mô của dự án.

Tác giả: Trần Hoàn - Phi Long

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP