Tin Hà Tĩnh

Cơ quan có thẩm quyền tỉnh Hà Tĩnh cần kiểm tra và xử lý nghiêm

Việc công ty TNHH Tình Chương (có địa chỉ tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) thời gian qua tự ý tổ chức huy động vốn từ người dân khiến dư luận nơi đây không khỏi hoài nghi và lo lắng về tính chất pháp lý và độ rủi ro mất tài sản

Như đã đề cập ở số báo trước, từ tháng 9/2017, Công ty TNHH Tình Chương đã huy động vốn hơn 200 thành viên, tổng tiền huy động lên đến nhiều tỷ đồng với mức lãi suất khác nhau.

Theo tìm hiểu của PV, điều đáng nói, doanh nghiệp này tự phát hành sổ huy động vốn, nhận tiền gửi từ người dân và cho vay lại dưới nhiều hình thức.

Bà Lê Thị Tình - Giám đốc công ty TNHH Tình Chương trong buổi làm việc với PV.

Bà N.T.T trú tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên cho biết đầu tháng 4/2018 gia đình có gửi 200 triệu đồng vào Công ty TNHH Tình Chương với lãi suất 7,4%/năm.

“Tôi thấy nhiều người đến gửi và vay tiền ở công ty Tình Chương nên cũng đến gửi 200 triệu đồng. Khi gửi tiền vào đây thì tôi được công ty cấp phát cho 1 sổ tiết kiệm. Thời gian gần đây nhân viên công ty Tình Chương có xuống nhà tôi để sửa lại một số nội dung trong sổ và lấy chữ ký của tôi, họ nói làm như thế để giống với thủ tục và hoạt động của ngân hàng.Vì là chỗ người quen nên tôi cũng không tìm hiểu việc công ty huy động vốn như thế có trái pháp luật không nữa.”, bà T trần tình.

Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Huy Tiến, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – CN Hà Tĩnh khẳng định với PV: Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ cho công ty này, ngoài ra chưa cấp giấy phép gì cả. Luật các tổ chức tín dụng nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán... Hoạt động huy động vốn đối với công ty là được phép, nhưng phải dưới dạng cổ phần, hoặc là hợp tác đầu tư. Còn công ty TNHH Tình Chương nhận tiền gửi dưới hình thức phát sổ huy động vốn là đã thực hiện hoạt động ngân hàng. Và nếu như vậy thì ở Ngân hàng Nhà nước không cấp phép và cũng không được phép cấp.

Ông Tiến cho biết, sẽ sớm cho Thanh tra của ngành vào làm việc với địa phương để làm rõ vấn đề này.

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ngày 05/4/2018 công ty TNHH Tình Chương đã thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh để thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Theo đó, trong giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp này chỉ được hoạt động các ngành nghề như kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm (chính); dịch vụ cầm đồ; hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và một số lĩnh vực kinh doanh khác không liên quan đến tiền tệ.

Công ty TNHH Tình Chương tự phát hành sổ huy động vốn trái quy định

Điều kỳ lạ, trước phản ánh của người dân và những ý kiến khẳng định về việc làm trái pháp luật trên của doanh nghiệp nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân khi không được phép nhận tiền gửi, bà Lê Thị Tình – Giám đốc công ty TNHH Tình Chương vẫn một mực khẳng định rằng đơn vị không làm sai quy định.

Việc người dân, báo chí phản ánh đã làm ảnh hưởng tới uy tín và hoạt động của công ty. Chưa dừng lại ở đó, vị Giám đốc này còn yêu cầu hủy bài báo và công khai xin lỗi, nếu không đáp ứng được thì sẽ khiếu nại hoặc khởi kiện ra cơ quan pháp luật(!)

Thiết nghĩ, trước việc làm trái pháp luật (nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân khi không được phép nhận tiền gửi) và thái độ thách thức dư luận của bà Tình Giám đốc công ty TNHH Tình Chương, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra và xử lý nghiêm, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra đối với người dân khi gửi tiền vào Công ty này.

Trích Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng:

Mục 4: VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ HUY ĐỘNG VỐN VÀ PHÍ CUNG ỨNG DỊCH VỤ

Điều 12. Vi phạm quy định về nhận tiền gửi

2. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân khi không được phép nhận tiền gửi.

Điều 13. Vi phạm quy định về phát hành giấy tờ có giá

2. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi phát hành giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ để huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định của pháp luật.

3. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi các giấy tờ có giá đã phát hành và hoàn trả cho khách hàng số tiền theo mệnh giá và tiền lãi theo mức lãi suất đã được thỏa thuận đối với hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2 Điều này.

Tác giả: Minh Hà

Nguồn tin: Congluan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP